Triệu chứng dị ứng đạm sữa bò thường khó nhận biết, hay bị bỏ sót và dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác.
Bé V.H.N.P. (10 tháng tuổi, trú tại Nghệ An) là một trường hợp khá đặc biệt được ghi nhận tại Khoa Khám và Điều trị tự nguyện, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An.
Theo lời kể của người nhà, khoảng 5-6 tháng trở lại đây, gia đình đã đưa bé đi khám và điều trị nhiều bệnh viện vì bé có biểu hiện ho kéo dài, khò khè tái diễn và nổi ban toàn thân. Đặc biệt, triệu chứng khò khè khó thở tái diễn nhiều lần làm gia đình hết sức lo lắng.
Bé đã được điều trị nhiều lần, mỗi lần điều trị bé có đỡ. Tuy nhiên, chỉ 3-5 ngày sau, các triệu chứng trên lại xuất hiện trở lại.
Tại Khoa Khám và Điều trị tự nguyện, các bác sĩ đã thăm khám, làm các xét nghiệm và chẩn đoán bé bị dị ứng với đạm sữa bò. Bé đã được các bác sĩ tư vấn chế độ ăn cùng với biện pháp dự phòng khò khè tái diễn. Sau 1 tuần điều trị, các triệu chứng đã thuyên giảm.
Hiện nay, bé đã ra viện được 1 tháng, sức khỏe ổn định, không nổi ban và không xuất hiện khò khè như trước đây nữa. Tuy nhiên, bé vẫn đang được các bác sĩ theo dõi tình trạng sức khỏe trong các tháng tiếp theo.
Dị ứng đạm sữa bò là tình trạng phản ứng miễn dịch của cơ thể trẻ với thành phần đạm trong sữa bò và những sản phẩm có nguồn gốc từ sữa bò, khiến cơ thể tự động sản xuất ra các kháng thể miễn dịch (IgE) làm trung hòa các protein (chất gây dị ứng) này.
Ở những lần tiếp xúc với đạm sữa bò tiếp theo, kháng thể IgE trong cơ thể trẻ nhận ra chúng và báo cho hệ thống miễn dịch giải phóng histamine và các hóa chất trung gian gây dị ứng khác. Dẫn tới một loạt các dấu hiệu và triệu chứng dị ứng ở trẻ: viêm da, nổi mày đay (không liên quan đến tình trạng nhiễm trùng cấp), tiêu phân lỏng, có máu trong phân, táo bón, ho, khò khè kéo dài… thậm chí có thể gây ra sốc phản vệ. Đây là biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.
Triệu chứng dị ứng ở trẻ rất đa dạng, bao gồm các triệu chứng về hô hấp, tiêu hóa, da niêm, nặng nhất là sốc phản vệ.
Hô hấp: sổ mũi, khò khè, ho kéo dài, ho, hắt hơi, nghẹt mũi, khó thở…
Tiêu hóa: buồn nôn, nôn trớ, đau bụng, táo bón hoặc tiêu lỏng, tiêu máu, sưng môi – lưỡi – miệng, ngứa trong miệng, biếng ăn, bỏ ăn, nuốt vướng do bị sưng phù vùng hầu họng (phù mạch)
Da niêm: nổi mày đay, phát ban, viêm da, chàm da, ngứa, đỏ da, sưng tấy…
Làm gì khi trẻ có những dấu hiệu dị ứng đạm sữa bò?
Khi phát hiện bé có các triệu chứng của dị ứng đạm sữa bò, ba mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để thực hiện các xét nghiệm cần thiết. Từ đó có những phương pháp điều trị với bệnh lý này. Ngoài ra, việc tuân thủ kiêng đạm sữa bò và nuôi con bằng sữa mẹ là việc rất cần thiết và giúp ích rất nhiều cho việc phòng tránh dị ứng đạm sữa bò cho bé.
Cách phòng tránh dị ứng đạm sữa bò ở trẻ
Hiện nay, cách tốt nhất để phòng tránh dị ứng đạm sữa bò đó là nuôi con bằng sữa mẹ. Vì sữa mẹ là con đường an toàn nhất để bảo vệ trẻ khỏi khả năng bị dị ứng thức ăn; có chứa những chất đạm từ người mẹ khiến bé có thể dung nạp một cách tốt nhất; chứa những thành phần có chức năng bảo vệ cho hệ tiêu hóa chưa trưởng thành của trẻ trước những nguồn đạm lạ.
Đối với những bà mẹ không thể nuôi con bằng sữa mẹ và bé thuộc vào nhóm có cơ địa dị ứng thì nên đưa bé đến cơ sở y tế để được các bác sĩ chuyên khoa tư vấn và dùng sữa theo thể trạng và cân nặng của trẻ.
Nguồn: vtv.vn
Đang gửi...