Không ít người chỉ chú ý chăm sóc da mặt mà quên đi việc chăm sóc da ở những bộ phận cơ thể khác, điển hình như phần da chân. Tình trạng da chân khô ráp, gót chân nứt nẻ xuất phát từ nhiều nguyên nhân như thời tiết khô, lạnh, đứng lâu, đi lại nhiều, đi giày quá chật hay các bệnh về da như nấm da chân, chàm và vẩy nến… cũng có thể là nguyên nhân làm nghiêm trọng hơn tình trạng này.
Dưới đây là những cách chăm sóc da chân khô ráp tại nhà, giúp biến vùng da chân từ thô, khô ráp và khó chịu trở nên mịn màng, mềm mại hơn.
Không tắm quá lâu
Tắm quá lâu dễ gây ra tình trạng khô da, khiến gót chân khô nứt trở nên trầm trọng hơn. Do đó chỉ nên tắm trong khoảng 15 phút là được. Sau khi tắm xong hãy nhẹ nhàng thấm khô da chân bằng khăn sạch.
Sử dụng xà phòng nhẹ nhàng, không chứa hương liệu
Nếu da chân bị khô ráp, chị em không nên dùng các loại xà phòng có chứa thành phần hương liệu hay có chất tẩy rửa quá mạnh. Điều này sẽ giúp da chân của bạn giữ được lớp dầu tự nhiên và độ mềm mại.
Dưỡng ẩm trong vòng 5 phút sau khi tắm
Để chăm sóc da chân khô ráp hiệu quả thì nhất định không thể bỏ qua kem dưỡng ẩm dành riêng cho da chân. Hãy ưu tiên loại kem dưỡng ẩm có chứa 10-25% urê, axit alpha hydroxy hoặc axit salicylic vì chúng có tác dụng tẩy da chết và làm mềm da.
Khi sử dụng thường xuyên loại kem dưỡng ẩm này sẽ giúp ngăn ngừa tình trạng gót chân bị nứt nẻ. Bạn nên thoa lên gót chân ngay sau khi tắm, lúc da vẫn còn ẩm và bất cứ khi nào gót chân của bạn cảm thấy khô để khóa ẩm.
Thoa lớp mỡ khoáng mỏng trước khi đi ngủ
Vào buổi tối trước khi ngủ bạn có thể thoa kem dưỡng da chân hoặc lớp mỏng mỡ khoáng, sau đó mang thêm tất vào ban đêm để tránh dính dầu mỡ khoáng lên giường.
Dùng đá bọt chà chân
Tẩy da chết ở chân giúp loại bỏ lớp da chết khô ráp, giúp da mềm mại, mịn màng hơn. Bạn có thể tẩy tế bào chết bằng đá bọt hoặc sản phẩm tẩy tế bào chết cho da toàn thân, tốt nhất là sau khi tắm, ngâm chân trong nước ấm (thêm một chút muối Epsom). Sau khi da chân đã mềm, bạn mới dùng đá để chà phần da chết.
Nếu bạn sử dụng đá bọt chà chân thì không nên dùng nhiều lực và không tẩy tế bào chết ở chân nếu chân đang bị viêm, lở loét hoặc vết thương hở.
Mang giày dép phù hợp
Nếu bạn có gót chân khô ráp và nứt nẻ thì hãy tránh đi lại bằng những đôi giày hở gót như dép tông hoặc dép quai hậu, giày mòn hoặc giày không vừa vặn.
Thu Vân (theo EH)