Ông Huỳnh Văn Chín, chồng bà là thợ xẻ gỗ, thường phụ giúp vợ những khi rỗi việc nên nhiều người gọi là quán hủ tiếu bà Chín. "Khi chị tôi bán họ gọi là hủ tiếu bà Lệ và đến tôi thì kêu hủ tiếu bà Chín...", bà Thẳng cho biết.
Kỹ lưỡng để có miếng ngon
Ngày trước, bà Thẳng bán hủ tiếu cùng bò kho ăn kèm bánh mì cả hai buổi sáng - chiều và đến tận đêm khuya nên khá vất vả. Sau này, bà chỉ bán hủ tiếu, mì sợi, bánh canh... tầm 4 giờ chiều đến chừng 10 giờ đêm. Để có tô hủ tiếu, mì, bánh canh thơm ngon làm thỏa lòng thực khách, mẹ con bà cùng những người giúp việc luôn kỹ lưỡng trong việc chế biến.
Nước lèo là yếu tố quan trọng quyết định ngon hay dở nên được chăm chút cẩn thận. Xương heo được luộc qua nước sôi rồi vớt ra rửa sạch trước khi cho vào thùng nấu nước lèo. Giò được làm sạch cho vào luộc chín rồi vớt ra để ráo nước. Dùng muối hạt và chanh chà xát, rửa sạch phèo cùng bao tử heo, ướp gia vị cho thấm rồi cho vào luộc trong thùng nước lèo đang sôi sùng sục trên bếp. Gia vị luôn được nêm nếm cẩn thận để làm vừa lòng thực khách sành ăn. Bà gọt vỏ củ cải trắng và củ sắn (củ đậu) rồi rửa sạch, xắt lát cho vào thùng nên nước lèo trong vắt, vị ngọt thanh sau nhiều giờ đun nấu.
Bà Thẳng còn bằm thịt nạc lẫn ít mỡ heo cùng hành tím và gia vị rồi cho vào chảo xào chín tỏa hương thơm phức. Sau đó, múc chừng phân nửa ra khỏi chảo để trộn hủ tiếu khô hay cho vào tô theo yêu cầu của khách. Phần còn lại, bà cho nước tương vào trộn đều thành nước nêm với hương vị đặc trưng.
Tám năm trước, vợ chồng bà giao việc buôn bán cho con gái lớn nhưng vẫn luôn tay làm mọi việc. Con gái bà là chị Huỳnh Thị Kim Diệu cùng bốn người giúp việc cũng luôn kỹ càng trong việc chế biến, phục vụ thực khách. "Thấy khách ăn ngon miệng tôi mừng lắm nên luôn cố gắng nấu thiệt ngon...", bà Thẳng tâm sự. Còn chị Diệu thì góp thêm: "Chị luôn xem khách hàng là người thân của mình nên phải thiệt kỹ lưỡng khi nấu nướng em à!".
Vượt chặng đường xa cho "đã cơn thèm"
Ở tuổi 74, bà Thẳng vẫn luôn tay bên xe hủ tiếu. Bà cho giá đỗ cùng sợi hủ tiếu vào vợt rồi đưa vào trụng trong nước sôi sùng sục. Tiếp đến, bà giật mạnh chiếc vợt lên cao cho giá và hủ tiếu ráo nước trước khi cho ra tô. Người phụ nữ giúp việc đón lấy tô rồi cho ít nước mỡ cùng muỗng nhỏ nước nêm rồi dùng đũa đảo đều, hơi nóng cùng hương thơm tỏa ra xung quanh.
Rồi chị cho xương, giò, thịt, bò viên, hoành thánh, phèo hay dạ dày heo vào tô tùy theo yêu cầu của thực khách. Sau đó, cho xà lách ngắt ngắn cùng rau hẹ rồi múc nước lèo vào tô, rắc ít tiêu xay nhuyễn và hành phi. Hương thơm nồng nàn lan theo gió vờn trên con phố nhỏ khiến nhiều người qua lại ngoái nhìn. "Tùy theo yêu cầu của khách mà nấu cho phù hợp. Ở đấy tôi bán nhiều kiểu: hủ tiếu bò viên, hủ tiếu mì hoành thánh, hủ tiếu xương, hủ tiếu giò, hủ tiếu khô, hủ tiếu thập cẩm, bánh canh...", bà cho biết.
Tôi gọi tô hủ tiếu mì cùng thịt và hoành thánh nóng hổi tỏa hương thơm lừng. Nhẹ tay vắt nước cốt chanh và gắp vài lát ớt cay vào tô rồi chậm rãi thưởng thức. Sợi hủ tiếu mềm dai, giá trụng giòn sần sật qua răng. Miếng thịt cả nạc lẫn mỡ ngọt mềm, quá đỗi là ngon. Cắn nhẹ miếng hoành thánh vỡ lớp vỏ bên ngoài, nhân thịt ngọt mềm, thơm lựng mùi hành tím và tiêu xay nhuyễn ùa vào miệng. Rau hẹ thơm nồng xông lên mũi vô cùng sảng khoái.
Húp muỗng nước lèo đủ đầy hương vị. Vị ngọt thanh từ xương và thịt lẫn chua từ chanh quyện với cay của tiêu và ớt hòa cùng mặn của muối lưu nơi đầu lưỡi. Nhiều người gọi thêm giò, bò viên, phèo, bao tử heo, hoành thánh... chấm tương ớt hay tương đen rồi đưa vào miệng ăn ngon lành, vẻ vô cùng mãn nguyện.
Tô hủ tiếu khá lớn giá 30.000 đồng nhưng bà sẵn lòng bán 20.000 đồng hoặc 25.000 đồng theo yêu cầu của khách, chỉ bớt ít thịt heo. Với sinh viên, công nhân hay những người lao động chân tay, sức ăn khỏe, bà cho thêm hủ tiếu gấp rưỡi bình thường nhưng giá vẫn vậy.
Nước lèo tỏa hương thơm ngập tràn trong quán nhỏ khiến thực khách càng thêm sốt ruột khi chờ đến lượt mình thưởng thức. Lắm lúc, khách ngồi trong quán hay đứng bên ngoài mua mang về đợi khá lâu. Có người giận dỗi bỏ về nhưng chỉ tuần sau thì lại đến ăn vì "hủ tiếu thơm ngon".
Lúc trước, nhà ở gần quán nên ông Nguyễn Văn Nam thường đến ăn hủ tiếu mì. Vì điều kiện gia đình nên ông chuyển đến sống gần sân bay Tân Sơn Nhất, cách đấy hơn 5 cây số. Thỉnh thoảng, ông cưỡi xe máy đến đây để "ăn cho đã cơn thèm" và mua mang về cho vợ con ở nhà.
Mỗi khi vào TP.HCM, chị Nguyễn Thị Tươi, quê Quảng Ngãi, thường đến quán bà Chín ăn hủ tiếu. "Hủ tiếu hay mì và cả bánh canh ở đây đều rất ngon. Nước lèo ngọt lịm, giò heo giòn sần sật, bò viên, phèo và bao tử heo cũng ngon lắm...", chị tâm sự.
"Có chị gái ở tận Bảo Lộc, Lâm Đồng, mỗi năm một đôi lần xuống TP.HCM thường đến đây ăn hủ tiếu. Khi gặp được khách quen ở xa đến ăn như thế tôi vui lắm", chị Diệu cho biết.
Quán hủ tiếu nằm cạnh ngã ba đường nhỏ nên không ồn ào bởi xe cộ nhộn nhịp. Khách đến đây thưởng thức món ngon và ngắm dòng đời chầm chậm trôi nơi phố vắng cho vơi bao nỗi âu lo trong cuộc sống thường ngày.