Đó là quán hủ tiếu của bà Nguyễn Thanh Hồng (72 tuổi), còn được khách gọi với cái tên thân mật là dì Ba. Quán ăn bình dân này được biết tới với tên gọi "hủ tiếu thả" cũng chính bởi cách phục vụ món độc lạ.
Sao chủ quán phải thả dây?
Trưa, tôi ghé quán hủ tiếu của dì Ba nằm trong con hẻm trên đường Trần Hữu Trang (Q.Phú Nhuận). Con hẻm nhỏ yên tĩnh, khác với không khí nhộn nhịp của chợ Trần Hữu Trang kế bên.
Đứng phía dưới một chung cư cũ, tôi ngước lên gọi dì Ba thật lớn. Bà chủ nhìn xuống, nở nụ cười tươi: "Con ăn hủ tiếu gì? Dì Ba làm cho". Dì kể quán ăn này được mở từ năm 2000, bán tới nay ngót nghét cũng đã 24 năm. Cách nấu hủ tiếu do cha dì Ba truyền lại.
Hồi trước, quán hủ tiếu nhỏ này bán bình thường như bao quán ăn khác. Kể từ khi có dịch Covid-19, năm 2020 dì bắt đầu bán theo kiểu thả dây. "Lúc dịch, tôi nghỉ bán, mà khách quen cứ lại hỏi thăm mua nên tôi bán theo cách này luôn.
Sau dịch, thấy cách làm này cũng tiện, đỡ phải đi lên đi xuống vì tôi đã lớn tuổi, tôi mở bếp trong nhà luôn cho gọn rồi thả món xuống dưới để con trai mang ra cho khách. Như vậy tôi cũng đỡ mệt hơn", bà chủ kể.
Bất ngờ, cách phục vụ món độc lạ này vô tình làm quán hủ tiếu của dì Ba trở nên nổi tiếng, khi nhiều người cảm thấy thích thú và chia sẻ lên mạng xã hội. Từ đó, lượng khách mới tìm tới quán cũng đông hơn.
Nhiều khách lần đầu ghé quán, chỉ thấy tấm bảng để chữ "hủ tiếu" đơn giản, nhưng không thấy mặt bà chủ đâu. Khi đó, con trai bà hoặc khách quen, hàng xóm sẽ hướng dẫn khách chỗ đậu xe, rồi gọi lên: "Bà Ba ơi! Có khách". Còn với những khách "ruột", đã quá quen thuộc, khi tới chỉ cần la lên thông báo để bà chủ biết. Lát sau, đã có tô hủ tiếu nóng hôi hổi được thả xuống.
Mỗi tô hủ tiếu ở đây có giá bình dân 30.000 đồng. Bà chủ cho biết khách chuộng nhất là hủ tiếu khô. Món ăn với sợi hủ tiếu dai mềm được trộn với nước sốt chua chua, ngọt ngọt kiểu miền Tây. Bà chủ cho nhiều hành phi, thịt heo thái mỏng, không có bò viên, gan, tim… như những quán khác. Nếu thích, khách có thể gọi thêm phần xương heo ăn kèm.
"Ngày nào cũng ăn hủ tiếu dì Ba"
Đó là chia sẻ của ông Thược (55 tuổi, ngụ Q.7), là mối "ruột" của quán hủ tiếu này hơn chục năm nay. Vị khách cho biết ông bán trái cây ở chợ Trần Hữu Trang, hầu như trưa nào trong tuần ông cũng qua đây ăn.
Ông nhận xét hủ tiếu dì Ba có vị ngon, hợp khẩu vị. Ông thích nhất việc bà chủ cho nhiều hành phi làm tô hủ tiếu dậy mùi hơn. Bên cạnh đó, giá cả hợp lý cũng là điều níu chân ông ăn ở đây suốt bao năm qua. "Không hiểu sao hủ tiếu ở đây ăn hoài mà không thấy ngán", ông cười, nói.
Một vị khách khác lần đầu tới đây thưởng thức, khi vô tình biết tới quán thông qua lời giới thiệu của bạn bè cũng cho biết món hủ tiếu ở đây ăn hợp khẩu vị, đậm đà. Ông nói rằng sẽ ghé đây ăn thường xuyên hơn, nếu có dịp.
Tuổi đã cao nhưng ngày ngày, dì Ba vẫn dậy thật sớm, chuẩn bị món để bán cho khách từ 6 giờ tới hơn 18 giờ thì nghỉ. Có những ngày bán đắt, hết món sớm thì quán nghỉ bán sớm hơn.
"Quán tôi không có bí quyết đặc biệt gì, hồi trước cha tôi nấu như thế nào thì tôi nấu y như vậy. Mình chú trọng vào phần nấu nước lèo sao cho ngon. Chỉ cần bỏ cái tâm vào đó là khách sẽ biết, sẽ ủng hộ", bà chủ tâm sự.
Cứ như vậy, mỗi ngày, bà chủ cùng cậu con trai miệt mài phục vụ những phần hủ tiếu tới thực khách ghé ủng hộ. Công việc cũng trở thành niềm vui tuổi xế chiều của dì Ba…