Vì sao Sở Y tế kiến nghị UBND TP.HCM công bố dịch sởi?

09:30 - 12/08/2024

Sở Y tế đề xuất UBND TP.HCM công bố dịch sởi, đây là bệnh truyền nhiễm nhóm B theo luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Sở Y tế TP.HCM vừa có tờ trình gửi khẩn UBND TP.HCM về việc xin ý kiến chỉ đạo một số nội dung liên quan đến kế hoạch chủ động ứng phó dịch bệnh sởi trên địa bàn TP.HCM năm 2024. Trong đó có kiến nghị UBND TP.HCM công bố dịch sởi.

TP.HCM đang có dịch sởi

Tại tờ trình này, Sở Y tế TP.HCM cho biết, ngày 29.7, Sở Y tế đã có tổ chức buổi họp trao đổi, lấy ý kiến các chuyên gia dịch tễ học, phòng, chống dịch bệnh, chuyên gia nhiễm, nhi trong nước và quốc tế để đánh giá tình hình dịch sởi.

Tại buổi họp, các chuyên gia nhận định nguy cơ bùng phát dịch sởi trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh trong khu vực phía nam là rất cao, cần triển khai sớm chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin nhằm nâng cao độ bao phủ miễn dịch trong cộng đồng đạt trên 95%.

Mặt khác, các chuyên gia cũng cho rằng, tiêm chủng chống dịch sởi là hoạt động tiêm chủng miễn phí do Nhà nước tổ chức cho những người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch và người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử đến vùng có dịch.

Vì sao Sở Y tế kiến nghị UBND TP.HCM công bố dịch sởi?

Khoa Nhiễm - thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1, nơi tiếp nhận nhiều trẻ bệnh sởi

DUY TÍNH

Từ đầu năm 2024 đến nay TP.HCM đã có 201 ca sốt phát ban nghi sởi, trong đó 116 ca xét nghiệm xác định. Trong khi đó, từ năm 2021 - 2023, TP.HCM chỉ có 1 ca xét nghiệm dương tính.

Chỉ tính riêng trong tháng 7.2024, TP.HCM có 48 phường xã tại 14 quận, huyện, TP.Thủ Đức đang có ca bệnh sởi (dương tính). Trong đó, có 8 quận huyện có 2 phường, xã trở lên có ca bệnh là H.Bình Chánh, Q.Bình Tân, H.Củ Chi, Q.12, Q.6, Q.8, Q.Tân Phú và TP.Thủ Đức. Trong khi đó, từ năm 2021 - 2023, cả thành phố ghi nhận 1 ca bệnh sởi.

Vì vậy, các chuyên gia thống nhất TP.HCM đủ điều kiện công bố dịch sởi theo khoản 2, Điều 2, văn bản hợp nhất số 15 ngày 20.11.2023 của Bộ Y tế.

Cụ thể, theo quy định này một xã, phường, thị trấn được coi có dịch khi có số người mắc bệnh vượt quá số mắc trung bình của tháng cùng kỳ 3 năm gần nhất. Một huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh được coi có dịch khi có từ 2 xã có dịch trở lên. Một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được coi có dịch khi có từ 2 huyện có dịch trở lên. Như vậy, theo văn bản hợp nhất số 15 thì TP.HCM đã có 8 quận, huyện có dịch sởi và toàn TP.HCM được tính là có dịch sởi.

Chủ động chống dịch sởi

Vì theo Sở Y tế TP.HCM và các chuyên gia, trên cơ sở công bố dịch sởi, các hoạt động triển khai phòng, chống dịch (bao gồm công tác tiêm chủng) sẽ thực hiện đảm bảo đúng theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại thông tư số 10 ngày 13.6.2024 về ban hành danh mục bệnh truyền nhiễm, đối tượng và phạm vi phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc (có hiệu lực từ 1.8.2024).

Bên cạnh đó, đối với gói thầu dịch vụ tư vấn, phí tư vấn, thuốc (bao gồm cả vắc xin), sinh phẩm, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế (bao gồm cả vật tư tiêm chủng), linh kiện, phụ kiện, phương tiện, xây lắp được triển khai ngay sau khi có quyết định công bố dịch đối với bệnh truyền nhiễm nhóm B theo quy định tại điều 78, Nghị định 24 năm 2024 của Chính phủ. Điều 78 này quy định việc chỉ định thầu rút gọn đối với các gói thầu quy định tại điểm a, b và c khoản 1, điều 23 của luật Đấu thầu được thực hiện trong trường hợp cấp bách cần triển khai ngay để phục vụ công tác phòng, chống dịch (không phải phê duyệt trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu).

Vì sao Sở Y tế kiến nghị UBND TP.HCM công bố dịch sởi?

Cần tiêm phòng vắc xin sởi cho trẻ em

HCDC

Từ những cơ sở trên, Sở Y tế TP.HCM đã điều chỉnh bản dự thảo kế hoạch chủ động ứng phó với bệnh sởi trên địa bàn TP.HCM phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

Trong đó, Sở Y tế đề xuất UBND TP.HCM công bố dịch sởi (bệnh truyền nhiễm nhóm B theo luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm). Từ đó, các địa phương, cùng ngành y tế có cơ sở triển khai các biện pháp chủ động phòng, chống dịch, mua sắm thuốc (bao gồm cả vắc xin), sinh phẩm, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế, triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi phòng bệnh sởi không kể tiền sử tiêm chủng cho trẻ từ 1 - 5 tuổi. Đẩy mạnh truyền thông nguy cơ, nêu rõ đối tượng bị tác động và biện pháp dự phòng để người dân không hoang mang.

TP.HCM đã có 116 ca mắc bệnh sởi

Từ đầu năm 2024 đến nay, thành phố đã có 201 ca sốt phát ban nghi sởi, trong đó 116 ca xét nghiệm xác định. Trong khi đó, từ năm 2021 - 2023, cả TP.HCM chỉ có 1 ca xét nghiệm dương tính.

Trong 116 ca xác định bệnh sởi, có 27,6% là trẻ dưới 9 tháng tuổi, 78,4% là trẻ dưới 5 tuổi. Số bệnh nhân chưa tiêm chủng hoặc chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi chiếm đến 66% và có đến 30% không rõ tiền sử tiêm chủng.

Theo báo cáo từ các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM, tính đến ngày 4.8 đã có 505 ca sốt phát ban nghi sởi, trong đó có 262 ca xét nghiệm dương tính. Hơn 50% số ca điều trị là các ca bệnh ở tỉnh thành khác đến khám và điều trị tại TP.HCM. Các bệnh viện của TP.HCM đã ghi nhận có đến 3 trường hợp tử vong liên quan đến bệnh sởi.

Viện Pasteur TP.HCM cho biết, tính từ đầu năm 2024 thì cuối tháng 7, khu vực phía nam có 1.147 ca sốt phát ban nghi sởi được báo cáo, trong đó có 481 ca có xét nghiệm dương tính. Số ca sốt phát ban nghi sởi tăng gấp 5,5 lần so với cùng kỳ năm 2023.

 

 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

lịch phát sóng trên truyền hình

Thanh toán hóa đơn SCTV

Cuộc sống hôn nhân - SCTV9

Sui Gia Nan Giải - SCTV9

 

Bà xã cát tường - SCTV9

 

Wifi Internet SCTV: Tăng tốc gấp đôi – Giá không đổi

TRỌN GÓI INTERNET SIÊU TỐC - TRUYỀN HÌNH KỸ THUẬT SỐ ĐỈNH CAO TỪ SCTV

 

Tin tổng hợp

Liên kết trang

 

Truyen hinh cap va Mang Internet SCTV

 

sctvonline

Trang tin sống động từng giây scj-shopping
Trang tin chuyện nóng 24h

 

 

Nguồn: Minh Ngọc

Truyền hình - Điện ảnh

Scroll

Đang gửi...