Từ đầu năm 2024 đến nay, TAMRI đã tiếp nhận, thiết kế và điều phối hàng chục đề tài nghiên cứu y khoa, trở thành cầu nối giữa các nhà nghiên cứu khoa học trong nước với quốc tế, hứa hẹn nhiều công trình khoa học mang tính ứng dụng cao ra đời, trong đó đặc biệt đáng chú ý là các nghiên cứu quốc tế về thuốc mới điều trị bệnh truyền nhiễm, ung thư.
Viện nghiên cứu Y sinh tư nhân đầu tiên có năng lực thử nghiệm lâm sàng từ pha 1 đến pha 4
Những ngày cuối tháng 8.2024, TAMRI tất bật chuẩn bị đưa vào hoạt động phòng thí nghiệm nghiên cứu chuyên sâu phục vụ các xét nghiệm cao cấp để nghiên cứu phát triển thuốc mới.
Giới thiệu những thiết bị hiện đại để phân tích tế bào ung thư lưu hành trong máu (Circulating Tumor Cell), giải trình tự gen thế hệ mới (Next Generation Sequencing), định tính và định lượng thuốc cùng dạng bào chế của thuốc…; bác sĩ (BS) Phương Lễ Trí, Giám đốc điều hành TAMRI, bật mí rằng với sự đầu tư nhiều tỉ đồng, "đại bản doanh thí nghiệm" này sẽ phục vụ cho những nghiên cứu y khoa cao cấp, tập trung vào các nghiên cứu mang tính ứng dụng cao, thử nghiệm lâm sàng thuốc mới trên nhiều bệnh khác nhau, với mũi nhọn là các bệnh truyền nhiễm, miễn dịch, rối loạn chuyển hóa, thần kinh và ung thư…
Với định hướng rõ về hướng phát triển, ngay từ khi thành lập, TAMRI đã chú trọng kiến tạo một môi trường nghiên cứu khoa học công bằng, minh bạch, chuyên nghiệp theo chuẩn quốc tế, đảm bảo tính chính trực, cùng với việc xây dựng chiến lược đầu tư, hợp tác nghiên cứu khoa học, công bố quốc tế và đào tạo…
Chỉ sau 1 năm thành lập với nhiều năng lực vượt trội, TAMRI trở thành viện nghiên cứu tư nhân đầu tiên tại Việt Nam đủ điều kiện cơ sở vật chất và nhân lực thực hiện thử nghiệm lâm sàng từ pha 1 đến pha 4 cho các loại thuốc, vắc xin, liệu pháp hay kỹ thuật mới trên người. Đây là nỗ lực rất lớn của tập thể các nhà khoa học, nhà nghiên cứu tại TAMRI khi có thể tự phát triển hay sẵn sàng nhận chuyển giao các kỹ thuật mới, đáp ứng yêu cầu xử lý và đánh giá các mẫu xét nghiệm tại chỗ và tức thì mà trước đây các cơ sở nghiên cứu thường phải chuyển ra nước ngoài, nhất là trong các pha 1 hoặc 2. Trên cơ sở đó, pha 3 - giai đoạn gần về đích, sẽ được tiếp nối để xác nhận hiệu quả và tính an toàn của thuốc trên một quy mô lớn hơn.
Với chiến lược đầu tư và các quy trình nghiên cứu bài bản, chuyên nghiệp, TAMRI đã bước đầu kết nối với nhiều trung tâm khoa học lớn, uy tín trên thế giới tại Mỹ, Anh, Singapore, Đài Loan... Trong số đó phải kể đến hợp tác giữa TAMRI và Viện nghiên cứu vi sinh và chống dịch thuộc Đại học Stanford (Mỹ) nhằm đẩy mạnh đào tạo, nghiên cứu và phát triển công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo (AI) ứng dụng trong y tế, các loại thuốc mới và công nghệ tầm soát viêm gan D tại Việt Nam.
Tại Việt Nam, TAMRI đã kết nối và xây dựng mạng lưới chuyên gia, các nhà khoa học từ nhiều bệnh viện (BV) lớn như BV Bạch Mai, BV Nhi Trung ương, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Tâm Anh…; từ đó thúc đẩy xây dựng mạng lưới các nhà khoa học sẵn sàng cho các nghiên cứu đa dạng và chuyên sâu.
Sự phối hợp giữa TAMRI với Hệ thống BVĐK Tâm Anh cũng như với các BV lớn khác mở rộng thêm môi trường và điều kiện nghiên cứu khi có thể tiếp cận với số lượng khách hàng, bệnh nhân lớn, đặc biệt tiếp cận với các thiết bị y tế hiện đại hàng đầu như CT 1975 lát cắt, PET-CT, máy giải trình tự gen thế hệ mới, hệ thống xét nghiệm sinh hóa và vi sinh, hóa mô miễn dịch tự động… Ngoài ra, tự chủ tài chính là lợi thế quan trọng của TAMRI khi có thể chủ động đầu tư lớn cho các nghiên cứu tự thân của mình.
Hiện TAMRI đang đóng vai trò điều phối 27 nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng ở lĩnh vực ung thư, tim mạch, thận, tiết niệu, hỗ trợ sinh sản, tế bào gốc… giữa Hệ thống BVĐK Tâm Anh và các công ty nghiên cứu phát triển dược phẩm toàn cầu. TAMRI cũng đang triển khai một số dự án nghiên cứu do chính TAMRI chủ trì và hợp tác nhằm đánh giá tình hình và gánh nặng của một số bệnh truyền nhiễm (do phế cầu, vi rút hợp bào hô hấp, hay siêu vi viêm gan D), thử nghiệm các phương pháp, kỹ thuật mới trong điều trị bệnh ung thư, tiết niệu, hỗ trợ sinh sản. Ngoài ra, TAMRI cũng đang theo đuổi các dự án nghiên cứu giám sát về loãng xương, béo phì, tiểu đường, và ứng dụng AI trong chẩn đoán hình ảnh và đánh giá các yếu tố nguy cơ của bệnh...
Bằng hướng đi khác biệt, không để tài liệu nghiên cứu dừng lại ở các báo cáo và công bố khoa học, TAMRI còn đặt mục tiêu đưa những phương pháp điều trị mới này ứng dụng vào thực hành để tất cả bệnh nhân có cơ hội tiếp cận điều trị sớm với chi phí hợp lý. Với nguồn lực tại chỗ và mạng lưới nghiên cứu khoa học đang được mở rộng, TAMRI hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu này qua việc rút ngắn thời gian nghiên cứu và giảm được chi phí cho các chương trình thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn. Đây không chỉ là nhu cầu của các nước có nền y học phát triển như Mỹ, Nhật Bản hay châu Âu, mà ngay cả Việt Nam cũng hướng đến.
Theo BS Phương Lễ Trí, sự thành công bước đầu này là kết quả của một chiến lược phát triển đúng đắn và nỗ lực lớn của từng cá nhân tại TAMRI. Tập thể đội ngũ TAMRI đã làm việc không ngừng nghỉ vì mục tiêu chung, đó là lợi ích người bệnh và sứ mệnh quốc gia. Theo BS Trí, TAMRI đã thành công trong việc quy tụ được các nhà lâm sàng và nghiên cứu khoa học có đầy đủ năng lực (tư duy phản biện, tư duy phân tích, đam mê nghiên cứu, tò mò, sáng tạo, cẩn trọng, trung thực, kiên nhẫn, hợp tác, giao tiếp…). Đây là "xương sống" để hướng tới công trình nghiên cứu thành công. Nếu chỉ có nhà lâm sàng giỏi chuyên môn thì vẫn chưa thể tiến hành nghiên cứu tốt được, cần có điều kiện hạ tầng cơ sở, thiết bị, và đặc biệt đội ngũ nghiên cứu phối hợp nhịp nhàng.
TAMRI liên tục xây dựng thêm các đội ngũ nghiên cứu bài bản chuyên môn hóa, chất lượng cao, bao gồm các nghiên cứu viên, điều dưỡng, dược sĩ, xét nghiệm, điều phối viên, giám sát viên, chuyên viên thống kê y học, chuyên viên quản lý dữ liệu, công nghệ thông tin, pháp chế, tài chính và hậu cần trang thiết bị… Đội ngũ này có thể đảm nhiệm "trọn gói" nghiên cứu, từ khâu ý tưởng, thiết kế, đến vận hành, phân tích, công bố và triển khai ứng dụng vào cuộc sống.
Ươm mầm nghiên cứu y khoa, cầu nối Việt Nam với thế giới
Cuối năm 2023, TAMRI khiến cộng đồng giới nghiên cứu khoa học phấn khởi khi các chuyên gia nghiên cứu khoa học tầm cỡ thế giới liên tục đến thăm và trao đổi công việc. Trong đó có Giáo sư Hiệp sĩ Jonathan Van Tam từ Vương quốc Anh lần đầu về thăm quê hương Việt Nam đã có buổi chia sẻ và trao đổi về nghiên cứu khoa học chân chính với hơn 300 khách mời là chuyên gia đầu ngành, bác sĩ trẻ, nhà nghiên cứu Việt Nam. Hay các chuyên gia cấp cao từ Đại học Stanford sang Việt Nam phối hợp cùng TAMRI tổ chức hội thảo khoa học với nhiều chủ đề mang tính thời đại: vắc xin và thuốc điều trị mới cho bệnh nhiễm trùng, viêm gan, ung thư; ứng dụng công nghệ mới, trí tuệ nhân tạo trong việc phát hiện các bệnh nhiễm trùng và chăm sóc sức khỏe…
GS.TS.BS Jeffrey Glenn, Viện trưởng Viện Vi sinh và chống dịch Stanford, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu về viêm gan và kỹ thuật mô gan, cho rằng TAMRI là đối tác lý tưởng cho các nghiên cứu của Stanford. Một trong các lý do là TAMRI có nguồn lực và mạng lưới các cơ sở nghiên cứu đa dạng, không chỉ liên kết với các BV đạt chất lượng hàng đầu Việt Nam như BVĐK Tâm Anh, BV Bạch Mai, BV Nhi Trung ương… với cơ sở vật chất khám chữa bệnh hiện đại cũng như đội ngũ y bác sĩ và nhân viên trình độ cao, mà còn liên kết hệ thống tiêm chủng VNVC với hàng trăm trung tâm tiêm chủng vắc xin trên toàn quốc, tiến tới còn liên kết Trường đại học Tâm Anh. Điều này cho thấy sự chú trọng đặc biệt đến việc xây dựng năng lực nghiên cứu khoa học và đào tạo rất bền vững trong tương lai.
TAMRI luôn nỗ lực để trở thành cầu nối giữa các nhà khoa học trong nước, giữa nhà khoa học trong nước với thế giới và là "đại bản doanh" cho các nhà nghiên cứu nước ngoài muốn tìm hiểu, hợp tác, nghiên cứu tại Việt Nam và châu Á.
BS Trí chia sẻ, thực tế các bác sĩ, các nhà nghiên cứu y sinh của Việt Nam có chuyên môn cao, nhiều ý tưởng nghiên cứu hay và mới; nhưng khi thực hiện còn khó khăn vì rời rạc và thiếu sự hỗ trợ của đội ngũ nghiên cứu bài bản cùng cơ sở vật chất đủ điều kiện. Điều này còn là rào cản với các nhà nghiên cứu độc lập muốn thực hiện nghiên cứu tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam còn có rất nhiều chuyên gia giỏi, đang công tác ở các viện nghiên cứu lớn trên thế giới, nhiều người trong số họ muốn hợp tác, cống hiến cho quê hương nhưng môi trường nghiên cứu tại Việt Nam chưa thuận lợi để triển khai. Và TAMRI giải quyết được những khó khăn này. TAMRI muốn tiên phong, trở thành trung tâm nghiên cứu tư nhân lý tưởng để "có được những bắt tay xuyên biên giới" về nghiên cứu, phát triển khoa học.
Ngoài ra, TAMRI xây dựng các câu lạc bộ nghiên cứu khoa học để tìm kiếm, đào tạo, hỗ trợ bác sĩ trẻ có đam mê nghiên cứu, tạo điều kiện về thời gian, rèn luyện để họ trở thành nhà nghiên cứu chuyên môn cao. Song song với các chương trình nghiên cứu, TAMRI đã tổ chức nhiều hội nghị khoa học và khóa học CME cho đồng nghiệp trong nước và thế giới như: Hội nghị Tiết niệu Đông Nam Á (FAUA 2023); Hội nghị tim mạch quốc tế Cập nhật về xử trí bệnh tim bẩm sinh và bệnh tim cấu trúc: Từ thai nhi đến người trưởng thành; Hội thảo khoa học cùng Viện Vi sinh và chống dịch Stanford (Mỹ)...
TAMRI đang mở rộng cánh cửa nghiên cứu khoa học không chỉ cho các nhà nghiên cứu thực hiện các thí nghiệm tinh vi, chính xác hơn mà còn mở ra cơ hội nâng cao vị thế cho Việt Nam trên bản đồ nghiên cứu y sinh của thế giới. Tất cả vì mục tiêu phụng sự khoa học, vì sức khỏe nhân loại, để Việt Nam sớm ghi dấu trên bản đồ nghiên cứu y khoa thế giới.