Sốt xuất huyết hiện đang diễn biến phức tạp với số ca bệnh nặng tăng cao, gặp biến chứng nặng nề, diễn biến phức tạp và nguy cơ tử vong cao.
Hiện nay, trung bình một ngày, Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên tiếp nhận điều trị từ 10 đến 15 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Tích luỹ từ đầu năm đến nay, khoa điều trị cho 350 trường hợp mắc bệnh, trong đó có 40% trường hợp bệnh nhân nặng, có cơ tử vong cao, tăng 20-25% so với cùng kỳ 2023.
Đơn cử như trường hợp của bệnh nhân C.H.D., (nữ, trú tại huyện Đăk Mil, tỉnh Đắk Nông) bị sốt xuất huyết thể nặng, khi nhập viện, tiểu cầu tụt trầm trọng xuống còn 6.000 tiểu cầu/μl, do vậy nguy cơ tử vong rất cao.
Sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ Khoa Truyền nhiễm lập tức huy động nguồn máu và truyền gấp cho bệnh nhân. Nhờ sự có mặt kịp thời của các tình nguyện viên hiến máu tình nguyện, bệnh nhân qua cơn nguy kịch. Đến nay, sau 5 ngày điều trị bệnh nhân có thể ăn được, đi lại bình thường, hết nôn ói.
Trước đó, bệnh nhân được chẩn đoán bị sốt xuất huyết, có chỉ định điều trị thuốc và truyền nước tại một phòng khám tư trên địa bàn huyện nhưng bệnh không cải thiện, cơ thể càng ngày càng mệt, suy kiệt, chân tay bủn rủn kèm đau đầu và chảy máu chân răng nên gia đình đã chuyển đến Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên để tiếp tục điều trị.
Trường hợp khác là bệnh nhân H.V.H., (nam, trú tại xã Cu Knia, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) trước khi được đưa đến Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên điều trị, khi bị sốt, bệnh nhân đã tự ý mua thuốc về uống nhưng bệnh diễn biến nặng hơn. Qua ngày thứ 3, gia đình đưa bệnh nhân đến bệnh viện trong tình trạng mê man, huyết áp tụt, sốc.
Sau khi làm các xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị sốt xuất huyết Dengue thuộc nhóm sốc do giảm dịch trong lồng mạch.
Theo bác sĩ Phạm Hồng Lâm, Trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, sốt xuất huyết nếu không xử lý kịp thời sẽ dẫn đến những biến chứng nặng nề và có thể tử vong. Đầu tiên là sốc, giảm thể tích do thoát huyết tương, thoát huyết tương kéo dài có thể dẫn đến dịch huyết tương có thể ứ đọng trong màng não qua các thành mạch, gây phù não và các hội chứng về thần kinh, dẫn đến hôn mê hoặc thoát huyết tương có thể bị tràn, xâm nhập vào đường hô hấp, gây viêm đường hô hấp, tràn dịch màng phổi, viêm phổi hoặc phù phổi cấp, nếu không được cấp cứu, tính mạng của người bệnh có thể bị đe dọa. Tiếp đến là suy tạng, đặc biệt là gan, tim, phổi, não và cuối cùng là biến chứng xuất huyết nặng và có thể tử vong.
Do vậy, để đánh giá xác định một trường hợp bị sốt xuất huyết, bệnh nhân cần phải đến cơ sở y tế để được thăm khám, làm xét nghiệm. Trên cơ sở đó, bác sĩ sẽ có chỉ định cụ thể từng trường hợp.
Hiện nay, vẫn chưa có thuốc điều trị sốt xuất huyết, điều trị triệu chứng là phương pháp điều trị bệnh chủ yếu được áp dụng. Trường hợp người bệnh sốt xuất huyết thể nhẹ, có thể chăm sóc tại nhà, nghỉ ngơi và uống nhiều nước, ăn các món mềm có nước, dễ tiêu hóa, hạ sốt bằng Paracetamol hoặc uống Oresol để bù điện giải, lau mát ở vùng nách và bẹn khi sốt cao.
Những người béo phì, bị bệnh lý nền, như cao huyết áp, tiểu đường… người già trên 60 tuổi, trẻ nhũ nhi, phụ nữ có thai và những người sống xa cơ sở y tế khi có sốt và có những triệu chứng nghi ngờ sốt xuất huyết, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời, tuyệt đối không được tự ý điều trị sốt xuất huyết tại nhà.
Nguồn: vtv.vn
Đang gửi...