Trong ngày 19.4, đoàn công tác đã khảo sát, theo dõi tình hình nguồn nước và xác định cao trình đỉnh đập tạm phù hợp, như trao đổi của UBND TP.Đà Nẵng và UBND tỉnh Quảng Nam trước đó.
Theo Công ty CP cấp nước Đà Nẵng (Dawaco), đơn vị được giao nhiệm vụ đắp đập tạm trên sông Quảng Huế, hiện đã triển khai làm đường tạm và huy động xe tải chở vật liệu đến vị trí đắp đập tạm.
Trong những ngày đến, đơn vị đặt các rọ bằng đá xuống đáy sông tại vị trí cửa điều tiết nước sông Vu Gia trên sông Quảng Huế lên cao trình 2,3 m.
Trong thời gian này, đại diện Sở NN-PTNT của Đà Nẵng và Quảng Nam tiếp tục theo dõi, đánh giá, quyết định cao trình đỉnh đập tạm và việc đắp thêm bằng bao cát.
Theo kết quả thống kê chuỗi thủy văn từ năm 1976 đến 2008, mực nước sông Vu Gia tại trạm thủy văn Ái Nghĩa (H.Đại Lộc) kiệt nhất là 2,34 m. Từ năm 2008 đến nay, mực nước sông Vu Gia trong mùa cạn hạ thấp dần và nhiều lần hạ thấp lịch sử, như tháng 8.2023 hạ xuống mức 1,45 m và tháng 2.2024 là 1,41 m.
Giai đoạn 2019 - 2021, các cơ quan chuyên môn và chính quyền TP.Đà Nẵng, Quảng Nam đã thống nhất đắp đập tạm tại cửa điều tiết nước sông Vu Gia trên sông Quảng Huế lên cao trình 3,2 m.
Trước đó, Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN-MT) thống nhất gia cố đắp đập tạm Quảng Huế để điều tiết tạm thời nhằm giảm nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn vùng hạ du sông Vu Gia.
Cục Quản lý tài nguyên nước cũng đề nghị các địa phương giám sát chặt chẽ quá trình thi công và vận hành, bảo đảm không gây sạt lở lòng, bờ sông và khả năng tiêu, thoát lũ của sông Quảng Huế.
Đồng thời, cần sớm kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ NN-PTNT đầu tư xây dựng công trình đập Quảng Huế theo Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đảm bảo điều tiết nước linh hoạt cho hạ du sông Vu Gia - Thu Bồn theo từng thời kỳ và nhu cầu sử dụng nước của từng địa phương.
Bên cạnh đó, cần rà soát nâng cấp và sửa đổi quy trình vận hành công trình đập An Trạch, Thanh Quýt, Bàu Nít và Hà Thanh cho phù hợp, tối ưu việc khai thác, sử dụng nước.