Sáng 2.1, Đội CSGT Tân Sơn Nhất (thuộc Phòng CSGT Công an TP.HCM) tuần tra xử lý tình trạng tài xế vi phạm giao thông và phổ biến Nghị định 168/2024, trên đường Cộng Hòa (Q.Tân Bình).
Lúc 9 giờ 10 phút, anh H.M.T (30 tuổi, làm nghề shipper) chạy xe máy biển số 54V2-83... trên vỉa hè đường Cộng Hòa đoạn giao đường Út Tịch (P.4) nên CSGT yêu cầu dừng kiểm tra. Anh này cho hay đang đi giao hàng online, do gấp quá nên đã điều khiển xe máy leo vỉa hè.
Đến 9 giờ 25 phút, CSGT phát hiện, xử lý nam shipper chạy xe máy biển số 37L1-37... ngược chiều trên đường Cộng Hòa. Làm việc với CSGT, nam shipper không xuất trình được giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe nên CSGT đã tạm giữ phương tiện.
Tiếp đó, CSGT cũng xử lý một số trường hợp tài xế công nghệ, shipper chở hàng che khuất biển số, với mức phạt 350.000 đồng. Hành vi này được áp dụng xử phạt lần đầu tiên kể từ khi Nghị định 168/2024 có hiệu lực.
Chưa có tài xế ô tô vi phạm giao thông trong ngày đầu áp dụng Nghị định 168/2024
Từ ngày 1.1, Nghị định 168/2024 chính thức có hiệu lực thay thế Nghị định 100/2019, với nhiều quy định mới, tăng mức phạt về xử phạt vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trong số này có lỗi chạy ngược chiều, vượt đèn đỏ, chạy lên vỉa hè.
Theo đó, với hành vi chạy ngược chiều, người điều khiển xe máy sẽ bị phạt tiền từ 4 - 6 triệu đồng (trước đây là 1 - 2 triệu đồng) và trừ 2 điểm giấy phép lái xe (trước đây là tước giấy phép lái xe 1 - 3 tháng); người điều khiển ô tô sẽ bị phạt tiền từ 18 - 20 triệu đồng (trước đây là 4 - 6 triệu đồng) và trừ 4 điểm giấy phép lái xe (trước đây là tước giấy phép lái xe từ 2 - 4 tháng).
Với hành vi không chấp hành đèn tín hiệu (vượt đèn đỏ), người điều khiển xe máy sẽ bị phạt tiền từ 4 - 6 triệu đồng (trước đây là 800.000 - 1 triệu đồng) và trừ 4 điểm giấy phép lái xe (trước đây tước giấy phép 1 - 3 tháng); người điều khiển xe ô tô sẽ bị phạt tiền từ 18 - 20 triệu đồng (trước đây là 4 - 6 triệu đồng) và trừ 4 điểm giấy phép lái xe (trước đây là tước giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng).
Với hành vi chạy lên vỉa hè, người điều khiển xe máy sẽ bị phạt tiền từ 4 - 6 triệu đồng (trước đây là 400.000 - 600.000 đồng), trừ 2 điểm giấy phép lái xe; còn đối với ô tô là phạt tiền từ 6 - 8 triệu đồng (trước đây là 3 - 5 triệu đồng), và trừ 4 điểm giấy phép lái xe (tước giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng).
Cũng từ ngày 1.1, luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định mỗi GPLX có 12 điểm. Số điểm sẽ bị trừ mỗi khi người có GPLX vi phạm giao thông, tương ứng với tính chất, mức độ của hành vi. Người có GPLX bị trừ hết điểm sẽ không được điều khiển phương tiện tham gia giao thông. GPLX sẽ được phục hồi đủ 12 điểm khi chưa bị trừ hết điểm và không bị trừ điểm trong 12 tháng kể từ ngày bị trừ điểm gần nhất.
Sau ít nhất 6 tháng kể từ ngày bị trừ hết điểm, người có GPLX được tham gia kiểm tra nội dung kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, kết quả đạt thì được phục hồi điểm GPLX.
Trao đổi với PV Thanh Niên, đại diện Phòng CSGT Công an TP.HCM cho biết, trong ngày đầu áp dụng Nghị định 168/2024, toàn thành phố, lực lượng CSGT đã xử lý 1.576 tài xế vi phạm giao thông (chưa có tài xế ô tô vi phạm).
Qua đó, CSGT tạm giữ 664 xe máy, 18 phương tiện khác, tước 304 giấy phép lái xe. Trong số này có đến 605 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, 6 trường hợp ma túy, 97 trường hợp không chấp hành đèn tín hiệu, 118 trường hợp vượt tốc độ và hơn 100 trường hợp các lỗi vi phạm khác. Ước tính số tiền phạt hơn 6 tỉ đồng.
Trong thời gian tới, lực lượng CSGT TP.HCM tiếp tục tăng cường xử lý vi phạm giao thông và phổ biến Nghị định 168/2024 đến người dân.