Khi thực hiện phỏng vấn, sinh viên này chỉ được hỏi qua về kinh nghiệm làm việc, thời gian ra trường và thông báo sẽ tham gia tập huấn trong vòng 1 tuần. Sau đó, một người đã kết bạn với sinh viên qua Zalo để hẹn ngày đưa đi tham quan hệ thống của công ty. Chuyến xe này là một hành trình khủng khiếp mà sinh viên phải đối mặt khi biết mình bị lừa bán sang Campuchia.
Không kiến thức, kinh nghiệm thì không thể có lương cao
Trước đó, rất nhiều sinh viên cũng từng bị lừa mất tiền, bị lừa vào vòng xoáy bán hàng đa cấp, bị mất tài khoản mạng xã hội khi tham gia tìm kiếm việc làm trên mạng. Vậy dấu hiệu để nhận biết lừa đảo này là gì?
Thạc sĩ Đặng Kiên Cường, Trưởng phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, lưu ý: "Khi tìm việc, sinh viên thấy người tuyển dụng có sự lập lờ, lấp liếm thông tin, không cung cấp thông tin rõ ràng thì chắc chắn là đang có ý định lừa đảo".
Bên cạnh đó, theo thạc sĩ Cường, những công việc nhẹ nhàng, không đòi hỏi kinh nghiệm và kiến thức nhưng lại có mức lương cao thì chắc chắn là không tồn tại. "Chưa kể nếu đối tượng bắt đóng tiền thế chân, giữ chỗ, yêu cầu cung cấp tài khoản cá nhân, thì chắc chắn đây là những dấu hiệu cho thấy đối tượng đang muốn lừa đảo", thạc sĩ Cường nhận định.
Thạc sĩ Huỳnh Ngọc Anh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cũng khẳng định khi sinh viên nghe một người lạ giới thiệu việc nhẹ lương cao thì cần hết sức cảnh giác vì không bao giờ có chuyện dễ dàng như vậy, nhất là trong giai đoạn kinh tế khó khăn như hiện nay.
"Hiện tại công nghệ ngày càng tiên tiến nên tương tác xin việc trên các trang mạng rất khó để xác thực thông tin. Chính vì thế các em tuyệt đối không tin, không cung cấp thông tin cá nhân và nên kiểm chứng bất cứ nội dung giới thiệu việc làm nào trên mạng xã hội", thạc sĩ Ngọc Anh đưa ra lời khuyên.
Tìm việc trên các kênh chính thống
Theo thạc sĩ Đặng Kiên Cường, việc sử dụng mạng xã hội hiện nay là là xu hướng. Tuy nhiên, sinh viên cũng nên tìm thông tin từ các trang chính thống, các trang có uy tín và có sự đánh giá, chẳng hạn trang web của các trường, các trung tâm giới thiệu việc làm uy tín.
"Nếu thấy thông tin nào các em nghi ngờ thì có thể nhờ bộ phận hỗ trợ từ các trường xác minh hoặc xin ý kiến người thân, thầy cô. Các em không nên nóng vội mà cần tìm hiểu, xác thực thông tin. Các đơn vị doanh nghiệp tuyển dụng có uy tín thì phải có nguồn gốc rõ ràng. Khi đến nộp hồ sơ hay phỏng vấn chỗ lạ, nên đi chung với bạn hoặc người thân", ông Cường lưu ý.
Thạc sĩ Huỳnh Ngọc Anh cũng khuyên sinh viên không nên tương tác với người lạ qua mạng xã hội để tìm việc. Đồng thời hạn chế tiếp cận các trung tâm giới thiệu không rõ nguồn gốc mà hãy tìm đến trung tâm hỗ trợ sinh viên, phòng công tác học sinh-sinh viên của trường để được hỗ trợ giới thiệu việc làm.
Khi tham gia mạng xã hội cần chậm lại để tỉnh táo
Khảo sát của Liên minh chống lừa đảo toàn cầu (GASA) được hỗ trợ bởi dự án Chống lừa đảo, cho thấy Facebook và Gmail nổi lên như những kênh lừa đảo chính, với 71% số người được hỏi gặp phải các vụ lừa đảo thông qua những nền tảng được sử dụng rộng rãi này. Sau đó là Telegram (28%), Google (13%) và TikTok (13%).
Trong đó, lừa đảo trộm danh tính có tác động lớn nhất, sau đó đến mua sắm và tuyển dụng. Theo ông Ngô Minh Hiếu, Giám đốc dự án Chống lừa đảo, chuyên gia tại Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, thời gian qua không ít bạn trẻ, sinh viên tin và bị hấp dẫn bởi những lời mời gọi việc nhẹ lương cao dẫn đến bị lừa tiền, lừa mất tài khoản.
Ông Võ Văn Khang, Phó chủ tịch Chi hội phía nam của Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam, cho rằng khi sử dụng mạng, người dùng nên chậm lại để tỉnh táo. "Hãy đặt câu hỏi về nguồn gốc của người đang trò chuyện: Họ là ai? Vì sao họ biết mình và có thông tin của mình? Tại sao không quen biết mà họ lại mang lợi ích đến cho mình?", ông Khang lưu ý.