PGS-TS Nguyễn Đình Tứ thông tin: "Chiến lược phát triển của ĐH Quốc gia TP.HCM giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 với mục tiêu phát triển khu đô thị xanh, thân thiện và hiện đại. Tuy nhiên thời gian này không thể xây dựng bất cứ công trình mới nào vì 3 nguyên nhân chưa thể tháo gỡ".
Những công trình nằm trong quy hoạch xây dựng của ĐH Quốc gia TP.HCM gồm cơ sở hạ tầng chung (đường sá, hệ thống cấp thoát nước…), tòa nhà, lớp học, phòng thí nghiệm... tại các trường thành viên.
Theo ông Tứ, thứ nhất là khó khăn, vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng của 11% diện tích đất còn lại. Được biết tính đến tháng 6.2024, ĐH Quốc gia TP.HCM đã thu hồi được 573,07 ha trên tổng số 643,7 ha, đạt 89,02%. 11% còn lại tập trung nhiều tại khu vực Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, Trường ĐH Khoa học tự nhiên và Khu Công nghệ phần mềm giai đoạn 2.
"Một số hộ dân chưa có sự chia sẻ, ủng hộ, cố tình chây ì, chống đối, chưa chịu phối hợp với chính quyền địa phương trong công tác kiểm đếm. Thời gian kéo dài mà chính sách về đền bù giải phóng mặt bằng lại thay đổi. Số tiền dự toán trước đó về giải phóng mặt bằng đã sử dụng hết do giá đền bù tăng, nếu tiếp tục thực hiện phải điều chỉnh tổng mức đầu tư gói đền bù giải phóng mặt bằng. Mà theo quy định mới thì làm rất nhiêu khê", ông Tứ cho hay.
Hai nguyên nhân tiếp theo, là vướng mắc về pháp lý và chậm trễ trong việc phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 và vướng mắc do các quy định về đấu thầu, nhất là đối với hệ thống các trang thiết bị chuyên dụng phục vụ nghiên cứu và phát triển.
Đại diện ĐH Quốc gia khẳng định điều này ảnh hưởng rất lớn đến công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học của gần 100.000 sinh viên và 6.000 thầy cô giáo, ảnh hưởng đến chiến lược phát triển của ĐH Quốc gia TP.HCM giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 với mục tiêu phát triển Khu đô thị ĐH Quốc gia TP.HCM xanh, thân thiện và hiện đại.
Đặc biệt là nguy cơ chậm tiến độ và bị hủy Dự án Phát triển các ĐH Quốc gia Việt Nam – Tiểu dự án ĐH Quốc gia TP.HCM (Dự án VUDP-HCM) khi thời gian kết thúc dự án là năm 2025.
Mới đây nhất, trong tờ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Đề án Phát triển ĐH Quốc gia TP.HCM thuộc nhóm các cơ sở giáo dục ĐH hàng đầu châu Á, ĐH Quốc gia TP.HCM vẫn tiếp tục kiến nghị được ủy quyền thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết các dự án thành phần thuộc phạm vi quản lý của đơn vị này.
"Chúng tôi đề xuất Chính phủ và Quốc hội có thể cho ĐH Quốc gia TP.HCM có cơ chế đặc thù. Ví dụ tiếp tục ủy quyền cho Giám đốc được phép phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 các dự án thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM như trước kia. Đồng thời giao quyền cho Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM được phép quyết định trong phạm vi nào đó về thiết bị, máy móc, đồ thí nghiệm...", ông Tứ chia sẻ quan điểm của lãnh đạo ĐH Quốc gia TP.HCM.