Ở câu 7, H. cho rằng đề có những chi tiết "ảo", bởi "không ai rảnh đi canh thời gian mở vòi nước, và cũng chẳng ai rảnh ngồi canh độ cao mực nước". "Nó không chỉ khiến HS khó chịu, khó hiểu mà cả GV cũng không hiểu rõ đề. Cách ra đề cũng khá lạ, thay vì cho 2 vòi cùng chảy vào 1 bể rồi hỏi tốc độ chảy của mỗi vòi, thì trong đề lại hỏi chiều cao mực nước của từng vòi", H. nhận xét.
"Đề toán năm nay được tụi em ví như "đề chống đậu" vì có những dạng lạ, ít gặp, nếu cho thêm thời gian vẫn không thể giải ra được đáp án. Bạn giỏi nhất trường em cũng chỉ nắm 7 - 8 điểm", H. chia sẻ.
Cũng theo H., em vốn quen thuộc với cách dạy truyền thống, xoay quanh việc làm quen với những dạng đề khác nhau. Thế nên, nếu đối diện dạng đề lạ, ít gặp hoặc GV chưa cho ôn, em sẽ khó hoàn thành bài, "có cho thêm thời gian thì vẫn không giải ra được".
Đồng tình, T.G.B, HS Trường THCS Hưng Bình (TP.Thủ Đức), cho biết vì "nhận định chủ quan từ độ khó không cao của đề 2 năm gần đây" nên cả em lẫn GV đều không ôn các dạng đề được cho là khó như câu 6, 7. "Một số bài chỉ có thể giải bằng đúng 1 cách, như áp công thức, cách giải cố định. Còn một số khác được đúc kết từ tư duy. Có thể là từ các cách giải truyền thống mà ta tạo ra cách làm mới hay, hiệu quả hơn", B. chia sẻ.
Đào Đức Lâm, HS Trường THCS Trương Văn Ngư (TP.Thủ Đức), bổ sung góc nhìn là một số bài toán thực tế phải sử dụng logic để giải, nhưng đôi khi HS phải dựa vào các dạng đề đã học để áp dụng một phần vào bài làm. Chẳng hạn, một phần câu 6 từng được dạy ở lớp dưới, nhưng không mấy ai quan tâm để ôn lại những dạng đó mà chỉ tập trung luyện các dạng đã từng ra ở đề các năm trước, theo Lâm.