ĐỀ MÔN TOÁN KHÓ NHỮNG PHẦN NÀO ?
Với đề thi lớp 10 môn toán năm nay của TP.HCM, GV Kiều Tuấn Hưng, tổ trưởng tổ toán Trường THCS Nguyễn Văn Tố (Q.10, TP.HCM), cho biết câu 6, 7 với cách hỏi không thường gặp trong quá trình học và HS nếu có cách học máy móc khó có thể giải quyết được yêu cầu.
Theo thầy Hưng, câu 6, 7 là những bài toán lạ, đòi hỏi HS phải có khả năng đọc hiểu và tư duy vận dụng linh hoạt kiến thức đã được học mới làm đúng.
Trong đó, câu 6 là câu hỏi về toán chuyển động ngược chiều và viết hàm số biểu diễn khoảng cách của hai xe so với TP.HCM. Chuyển động ngược chiều này làm cho HS hoang mang, khó tưởng tượng ra được.
Bài số 7 là một bài khó. Hai thùng chứa nước thì cho mở vòi để nước chảy hết ra ngoài. Đòi hỏi HS phải biết lập hệ phương trình, gọi x, gọi y. Đây là một bài toán phân loại.
NHỮNG KỸ NĂNG CẦN CÓ KHI DẠY, HỌC TOÁN HIỆN NAY
Theo GV Trần Tuấn Anh, Trường THPT Thủ Đức (TP.HCM), việc thí sinh gặp khó với đề thi môn toán năm nay là do HS quen với việc giải toán theo dạng bài, những dạng bài đã định ra các bước giải và HS chỉ làm theo. Trong khi đó, với kiểu bài toán thực tế, HS phải tự xây dựng quy trình giải, công thức, phương trình... nên nhiều em còn lúng túng.
Những bài toán thực tế thường yêu cầu HS kỹ năng đọc hiểu, tóm gọn giả thiết và yêu cầu bài toán. Từ đó, xác định được biến, tham số, hằng số và xây dựng các mối quan hệ giữa chúng, diễn đạt theo ngôn ngữ toán học.
Cái khó nhất khi giải toán thực tế là HS hiểu được ý diễn đạt của bài toán. HS thường chưa hiểu ý diễn đạt nên khó làm nhanh được. Còn bản chất toán (gồm tính toán nói chung, giải phương trình, chứng minh...) không khó bằng kiểu đề ngày xưa.
Theo thầy Tuấn Anh, từ việc ra đề này thì GV cùng HS cần phải thay đổi trong việc dạy và học. Trước hết thay đổi cách nghĩ. Kiến thức toán quen thuộc lâu nay như biến đổi biểu thức, tính giá trị biểu thức, giải phương trình, giải bất phương trình, chứng minh... không phải đích cuối của việc học toán. Đó chỉ là công cụ đắc lực cho việc giải các bài toán thực tế.
Vì vậy, tránh dạy học tủ theo các dạng bài kiểu định ra các bước giải tường minh cho HS học thuộc. Điều này làm hạn chế sự tự do sáng tạo của các em, bó buộc tư duy khiến cho các em lúng túng khi gặp dạng toán "lạ".
Theo thầy Tuấn Anh, cần tăng khả năng đọc hiểu cho HS trong việc tìm hiểu bài toán, hiểu và tóm gọn giả thiết, hiểu yêu cầu bài toán... bằng cách cung cấp các từ vựng về các lĩnh vực thực tiễn như tài chính, thống kê... Xen kẽ trong bài dạy là các ví dụ thực tế, gần gũi.
Còn HS thì học theo bản chất, hiểu các định nghĩa, khái niệm về các đối tượng toán học để sử dụng trong giải toán... Tránh học thuộc công thức mà không biết sử dụng.
ĐỪNG LẠM DỤNG TÍNH THỰC TẾ ĐẾN PHI THỰC TẾ
Ở góc độ khác, các GV cũng đưa ra những mong muốn về cách ra đề toán thực tế cho HS THCS. Do ở lứa tuổi này vốn hiểu biết xã hội chưa nhiều nên vốn từ cũng chưa phong phú, vì vậy các bài toán thực tế mà có những từ chuyên ngành lạ sẽ làm các em không hiểu đề toán, từ đó gây khó khăn cho việc giải toán. "Người ra đề cần lưu tâm vấn đề này để các em thuận lợi thể hiện khả năng toán học của mình", thầy Tuấn Anh đề nghị.
Theo lý giải của GV Trường THPT Thủ Đức, cái khó nhất trong toán thực tế là diễn đạt. Người ra đề diễn đạt đúng ý, người làm hiểu được ý thì sẽ giải quyết được vấn đề. HS thường chưa hiểu ý diễn đạt nên khó làm nhanh được. Thêm vào đó đề toán mà dài quá (một đề nhiều từ, nhiều trang giấy) thì làm HS có tâm lý "ngại" do đọc lâu, "sợ" do suy nghĩ làm khó kịp thời gian.
Từ đó, GV Trần Tuấn Anh đề xuất, đề toán có những nội dung gần gũi với sinh hoạt trong cuộc sống, những chủ đề mà mọi HS đều có va chạm và gặp hiểu. Đặc biệt cần diễn đạt ngắn gọn, đủ ý mà không gây hiểu sai.
Còn thạc sĩ Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM), cho rằng đề thi lạm dụng tính thực tế đến phi thực tế, câu dẫn dài, khó hiểu làm HS đọc rối dù thuật toán không phải quá khó. Sách giáo khoa không hề có những bài tập loại này cho thấy cấu trúc chương trình lộ rõ giữa dạy và kiểm tra đánh giá chưa tương thích.
Cho dù đồng tình với cách tiếp cận đề thi tuyển sinh lớp 10 của TP.HCM nhiều năm nay nhưng ông Phú cho rằng không quá lạm dụng tính thực tiễn. Đề ra chưa phản ánh quá trình học tập của HS lớp 9. Lẽ ra, phần kiến thức của sách giáo khoa phải chiếm tỷ lệ nhất định trong đề.
Từ đó, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân đề xuất đề thi tuyển sinh lớp 10 những năm tiếp theo nên có bố cục từ câu dễ đến câu khó, dẫn dắt tâm lý HS an yên xử lý vấn đề. Ông Phú cũng đề xuất cần công bố cấu trúc đề thi từ đầu năm học, giống như Bộ GD-ĐT công bố đề thi mẫu. Cung cấp nguồn tư liệu để các trường luyện tập chuẩn cho HS. Nghiên cứu điều chỉnh biên độ kết thúc chương trình khối 9 sớm để các trường có thời gian chuẩn bị kiến thức cho HS.