‘Đường quá đông, chật cứng hết’
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, sáng 11.9, nhiều tuyến đường như Hồng Bàng (Q.5), Nguyễn Tri Phương, 3 Tháng 2 (Q.10)… ken đặc xe cộ. Các tuyến đường Nơ Trang Long (Q.Bình Thạnh), Cách Mạng Tháng Tám (Q.3), Hoàng Hoa Thám (Q.Tân Bình)… cũng trong tình trạng tương tự. Nhiều người phải lấn sang làn đường khác hoặc chạy xe lên vỉa hè.
Tại khu vực cửa ngõ phía tây bắc, rất đông người dân đi hướng An Sương về trung tâm TP.HCM khiến cho các cung đường như Trường Chinh, Cộng Hòa trở nên quá tải. Ở cả làn đường dành cho ô tô và làn đường dành cho xe máy, dòng phương tiện nối đuôi nhau nhích từng chút một.
Chị Nguyễn Thị Kim Hoàng (sống gần mũi tàu đường Cộng Hòa – Trường Chinh, Q.Tân Bình) cho hay, hai tuyến đường này ngày nào cũng đông xe. Hôm nay (11.9), ngày đầu tuần, mọi người tranh thủ đưa con đi học sớm, đi làm nên lượng xe càng đông hơn. “Các con, em nhập học lại thì ngày nào xe cũng chen chúc di chuyển”, chị Hoàng cho biết.
Tranh thủ đến trường sớm để dự lễ chào cờ đầu tuần, M.T.V.P. (học sinh cấp 3 Trung tâm giáo dục thường xuyên Q.Tân Bình) và bạn chở nhau đến trường. Dù đi từ rất sớm cả hai vẫn kẹt vào dòng xe trên đường Trường Chinh. “Đường quá đông, chật cứng hết, chui vào hẻm cũng kẹt, sợ đến trường trễ quá”, P. lo lắng.
Có con học tại Trường Tiểu học Trần Quốc Tuấn (trên đường Cộng Hòa, gần cầu vượt Hoàng Hoa Thám – Q.Tân Bình), chị Huyền (ngụ Q.12) cũng thức dậy từ sớm, tranh thủ lúc 6 giờ 30 đã chở con đi học nhưng vẫn bị kẹt xe. “Từ cầu Tham Lương qua đến trường có mấy cây số đâu, vậy mà mất hơn 30 phút. Tôi mà đi trễ xíu là xe kẹt cứng, khỏi đi luôn”, chị Huyền cho biết.
Tương tự chị Huyền, người đàn ông khoảng 40 tuổi cũng có con trai học tại Trường tiểu học Trần Quốc Tuấn, tranh thủ chở con đi học sớm để tránh kẹt xe. Đến trước cổng trường, người này vội lấy thức ăn treo trên xe cho con ăn sáng. “Xe cộ đông quá cũng gây áp lực cho mình, không tranh thủ đi là kẹt xe, trễ nải công việc”, người này cho biết.
Buôn bán trên đường Cộng Hòa, gần cổng Trường Tiểu học Trần Quốc Tuấn, ông Thanh nói, chuyện kẹt xe trên đường Cộng Hòa chưa bao giờ là “hết nóng”. Do mật độ phương tiện tham gia trên đường này rất cao, trong khi đó cơ sở hạ tầng nói chung chưa theo kịp sự phát triển thì chuyện kẹt xe là khó tránh khỏi. “Sáng chiều gì cũng đông. kẹt xe là “đặc sản” tuyến đường này mà”, ông Thanh hài hước chia sẻ.
“Sốt ruột” giữa dòng xe… vì tắc đường
Sáng cùng ngày, từ giao lộ Trường Chinh – Âu Cơ đến đường Cách Mạng Tháng Tám, xe cộ chen chúc nhau kẹt cứng, tiếng còi inh ỏi kèm khói xe ngột ngạt. Nhiều người dân chở con nhỏ đi học “sốt ruột” giữa dòng xe.
Kẹt xe, nhiều người cho phương tiện chạy luôn sang làn đường bên cạnh để rẽ vào các hẻm khiến giao thông càng hỗn loạn. Lực lượng chức năng, CSGT rất vất vả điều tiết phân luồng giao thông, giải tỏa ùn tắc, kẹt xe.
Đứng điều tiết, phân luồng giao thông tại giao lộ Trường Chinh – Nguyễn Thái Bình (Q.Tân Bình), gần cổngTrường THCS Ngô Quyền, ông Nguyễn Quang Khánh (bảo vệ dân phố, Khu phố 1, P.12, Q.Tân Bình) cho biết, từ khi học sinh đi học lại đường sá đông hơn. Xe cộ đông nhất là ngày đầu tuần thứ 2. Việc nhiều phụ huynh đậu xe dưới lòng đường khi đưa, rước học sinh cũng là nguyên nhân dẫn đến ùn tắc, kẹt xe.
Theo ông Khánh, sáng 6 giờ, chiều 16 giờ hằng ngày, ông đều có mặt tại khu vực này để điều tiết giao thông, cũng như nhắc nhở bà con, phụ huynh không để xe dưới lòng đường, gây ảnh hưởng đến dòng xe di chuyển khác trên đường.
Theo đại diện Phòng CSGT đường bộ, đường sắt (PC08 – Công an TP.HCM), để đảm bảo tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn, trước đó, lực lượng chức năng đã tăng cường công tác tuần tra kiểm soát điều hòa giao thông tại các giao lộ trọng điểm và đặc biệt là các điểm trường để tổ chức các lễ khai giảng năm học 2023 – 2024. Lực lượng chức năng tăng cường điều hòa giao thông, hướng dẫn các phụ huynh đỗ xe, cũng như đưa rước con em một cách an toàn và không gây cản trở giao thông. Lực lượng chức năng cũng phát tờ rơi tuyên truyền để phụ huynh tham gia giao thông an toàn.