Reaction Engines là một nhà sản xuất hàng không vũ trụ của Vương quốc Anh có trụ sở tại Oxfordshire, Anh. Tiến sĩ người Việt đã phải trải qua nhiều gian nan, thử thách trên con đường học tập, nghiên cứu của mình để được làm việc đúng trong lĩnh vực anh luôn say mê.
Bước ngoặt của cậu học sinh TP.HCM
Phan Minh Hiền (sinh năm 1994) học tiểu học ở một trường "làng", gần nhà ở Q.Tân Bình, TP.HCM. Cho tới cuối lớp 3, tình cờ trong một lần đi đón con ở lớp học thêm, mẹ của Hiền nghe những phụ huynh khác nói "con của chị học cũng được, sao không cho đi ôn thi, để thử vào Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa xem sao". Hiền vẫn còn nhớ ngày đó anh chưa được học tiếng Anh sớm như các bạn, ở lớp 5, khi anh đứng lên đọc đoạn hội thoại "How are you? I am fine, thank you" thì cả lớp học thêm còn cười ồ vì cách phát âm ngô nghê khiến anh ngượng chín mặt.
Dù vậy, sự chăm chỉ và cách ôn tập tư duy giúp Hiền thi đậu lớp 6 vào Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa năm đó (khi ấy chưa tách thành Trường THCS-THPT Trần Đại Nghĩa và Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa như bây giờ). Hiền sớm bộc lộ tình yêu với môn toán, vật lý, sự đam mê tìm tòi về ngành kỹ thuật. Nhưng năm lớp 7, Hiền có một kỷ niệm nhớ đời. Ở tuổi ẩm ương với nhiều hiếu động, nghịch ngợm, Hiền bị hạnh kiểm khá, đây là cú sốc với gia đình anh. Hiền còn nhớ năm đó, mẹ không quở mắng hay đánh đòn gì con trai, chỉ ôm anh và khóc. Khoảnh khắc ấy, Hiền thấy mình cần thay đổi. Anh nỗ lực bằng việc giành thành tích tốt với môn toán, có mặt trong đội tuyển toán của trường.
Thi đậu lớp 10 vào Trường Phổ thông Năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM), sau đó một năm, anh thi và giành học bổng 50% du học Anh. Nam sinh người Việt học phổ thông tại Bellerbys College Cambridge, sau đó với bằng A Level, anh ứng tuyển và trở thành sinh viên University College London, Vương quốc Anh. Anh cũng là kỹ sư cơ khí có điểm tốt nghiệp ĐH cao trong tốp 10 của University College London.
Từng thất bại khi ứng tuyển vào ĐH Cambridge
Dù vậy, đường đi của tiến sĩ Hiền cũng có lúc gập ghềnh. Khi nộp đơn ứng tuyển ĐH sau năm nhất A Level, 100% điểm thi của nam sinh viên người Việt là điểm A+ và gần như đạt điểm tuyệt đối, nên lúc đó anh rất tự tin nộp vào những trường ĐH lớn. Tuy nhiên anh đã không được nhận vào ĐH Cambridge. Thất bại lần đầu tiên năm 18 tuổi vào ngành đào tạo kỹ sư tại ĐH Cambridge là một câu chuyện mà Phan Minh Hiền muốn chia sẻ với bạn đọc Báo Thanh Niên. Anh muốn mọi người hiểu rằng không có con đường đi nào toàn những thuận lợi. Và ở trong những thất bại, anh nhìn ra những bài học cho mình, đến tận bây giờ.
"Năm 18 tuổi, tôi phỏng vấn với bộ phận tuyển sinh của ĐH Cambridge. Ngày đó tôi học giỏi nhất môn toán. Khi thầy cô giám khảo "ném" cho tôi một đề bài, tôi có thể ngồi, giải nó tận gốc, rất nhanh chóng. Nhưng các giáo sư ở ĐH Cambridge hôm đó đã giao cho tôi rất nhiều bài toán lớn, mức độ phức tạp ngày càng tăng. Đến một lúc tôi không thể làm được các câu hỏi, tôi đã dừng lại, không kết nối gì cả với các giáo sư", anh Hiền hồi tưởng.
Hụt hẫng vì lần đầu tiên thất bại, sau này khi trưởng thành hơn trong cuộc sống, anh Hiền mới nhận ra một điều, lẽ ra dù có thể giải được các bài toán phức tạp hay không, anh cũng cần giao tiếp, trao đổi với các giáo sư. "Tôi có thể không giải được các bài toán ngay lập tức, nhưng điều ĐH Cambridge cần là thí sinh có một giải pháp. Tôi cần giao tiếp, trao đổi với các giáo sư là tôi sẽ tìm cách để giải quyết. Thất bại năm 18 tuổi giúp tôi hiểu rằng kỹ năng giao tiếp và xử lý vấn đề là điều bạn cần để thực sự cần để trở nên xuất sắc và tự tin", anh Phan Minh Hiền chia sẻ.
Học xong thạc sĩ, vượt qua thử thách ở vòng hồ sơ, bài luận đầu vào, Phan Minh Hiền trở thành nghiên cứu sinh tiến sĩ thuộc trường Linacre College - ĐH Oxford. Anh nghiên cứu khí động lực học của động cơ máy bay phản lực (PhD in Gas Turbine Aerodynamics - hàng không vũ trụ). Đề tài tiến sĩ là nghiên cứu lá cánh của động cơ tua bin khí. Trong thời gian nghiên cứu sinh, Phan Minh Hiền là người hướng dẫn môn khí động lực học/máy tuabin (Fluid Dynamics/Turbomachinery) cho sinh viên năm cuối ĐH và làm trưởng nhóm trợ giảng của bộ môn tại Linacre College.
Khi chuẩn bị nhập học tiến sĩ, một biến cố lớn đến với Phan Minh Hiền khi cha của anh trở bệnh nặng, Hiền về nước đưa ông đi chữa trị ở các bệnh viện lớn nhưng chỉ sau một thời gian ngắn ngủi, ông không còn trên đời nữa. Từng có lúc Hiền nghĩ hay là bỏ hết tất cả mọi thứ tại Anh, để trở về cùng gia đình, gánh vác công việc dở dang của cha để lại. Nhưng Hiền nhớ tới những lúc được ngồi cạnh cha mình, nhớ cả những khát vọng, niềm tin cha đặt cho anh khi ủng hộ con theo đuổi ngành học liên quan hàng không vũ trụ đầy khó khăn, đòi hỏi nhiều thử thách này.
Nhiều cánh cửa thành công không chỉ mở ra từ Oxford
Ở tuổi 30, Phan Minh Hiền, tiến sĩ kỹ thuật khí động lực học, ĐH Oxford đã trải qua nhiều thời gian thực tập, làm việc tại những tập đoàn lớn như Rolls Royce, Siemens. Tiến sĩ người Việt hiện đang làm việc tại Công ty Reaction Engines và là thành viên Hiệp hội hàng không Hoàng gia Vương quốc Anh. Anh cũng có lời mời làm việc tại Siemens Energy, vai trò kỹ sư cao cấp, lĩnh vực nhiệt điện, tua bin khí.
Tháng 5.2024 vừa qua, tiến sĩ Phan Minh Hiền có dịp trở về TP.HCM trong một sự kiện của Lãnh sự quán Anh tại TP.HCM, anh cũng tới một trường quốc tế tại H.Nhà Bè, TP.HCM để cùng với nhiều cựu sinh viên Oxford khác, chia sẻ với các bạn học sinh những kinh nghiệm du học tại Anh, bí quyết viết luận để trở thành sinh viên những ĐH tốp đầu như Oxford. Trước đó, nam tiến sĩ cũng có một số lần trở về ĐH Bách khoa Hà Nội, gặp gỡ chia sẻ với sinh viên ngành cơ khí hàng không những câu chuyện về ngành học này.
Tuy nhiên, tiến sĩ người Việt cho biết điều anh muốn nói với những người trẻ rằng điều quan trọng trong cuộc sống là dám ước mơ, sống có mục tiêu và dám nỗ lực thực hiện ước mơ, dù cho hành trình đó bạn sẽ gặp những khó khăn, thách thức, gặp cả những hoài nghi và băn khoăn.
"Tôi thấy nhiều người ngay từ đầu đã không dám thực hiện ước mơ. Một số bạn do dự và nói 'ôi ngành học này khó quá', 'ôi học hàng không thì ở Việt Nam không có cơ hội'. Hay cũng nhiều người bỏ dở ước mơ giữa chừng để làm thương mại. Tôi thì thấy rằng khi bạn theo đuổi ước mơ của mình cũng chính là cơ hội để bạn mở mang cho mình thêm nhiều kiến thức mới", tiến sĩ Hiền chia sẻ.
Tiến sĩ trẻ cũng cho biết anh muốn người trẻ hiểu rằng không cứ phải vào học tại Oxford mới thành công. Những trường ĐH khác đều có thể trở thành môi trường tuyệt vời khi cho bạn những kiến thức, môi trường học thuật, ngọn lửa đam mê với việc nghiên cứu, học tập, đào tạo ra những người lãnh đạo trong tương lai.
Tiến sĩ Phan Minh Hiền cho biết, trong tương lai, anh sẽ trở về Việt Nam công tác lâu dài. Một phần lý do là vì gia đình - sau sự ra đi đột ngột của cha, anh muốn được ở gần mẹ hơn. Một phần nữa, anh hy vọng những gì mình được đào tạo ở nước ngoài sẽ giúp anh đóng góp cho ngành hàng không Việt Nam.
Bà Vũ Thị Thuận, mẹ của tiến sĩ Phan Minh Hiền, cho biết bà không có kinh nghiệm đặc biệt gì trong việc nuôi dạy con trai, ngoài một tình yêu thương vô bờ bến dành cho con cũng như luôn ưu tiên việc học hành của con phải đặt lên hàng đầu. "Ngày con còn nhỏ, học ở Việt Nam thì tôi là một "xe ôm" chính hiệu, một ngày mấy lượt chở con đi học, nghe ở đâu có thầy cô giáo dạy hay, tôi đều xin tới cho con học. Hạnh phúc của một người mẹ là thấy con mình khỏe mạnh, hạnh phúc với những lựa chọn của con", bà Thuận bộc bạch.