Phổ điểm "lệch phải"
Trưa 10.6, ĐH Quốc gia TP.HCM công bố điểm thi đánh giá năng lực đợt 2 năm 2024 của hơn 39.000 thí sinh, với điểm trung bình là 725,8/1.200 cùng 302 thí sinh đạt trên 1.000 điểm. Điểm thi cao nhất là 1.116, thấp nhất là 289. Tuy nhiên, so với phổ điểm thi đánh giá năng lực đợt 1, đợt 2 ghi nhận mức tăng rõ rệt và có phần "bất thường", theo một số chuyên gia luyện thi.
Cụ thể, ở đợt 1, chỉ 80/93.825 thí sinh đạt trên 1.000 điểm thi đánh giá năng lực. Nhưng đến đợt 2, dù tổng số thí sinh giảm còn hơn 39.000 người, nhưng số thí sinh đạt trên 1.000 điểm tăng khoảng 3,7 lần, lên 302 người. Chưa kể, số thí sinh đạt từ 901-1.000 điểm ở đợt 1 chỉ có 1.355 người, thấp hơn đợt 2 gần một nửa (3.324 thí sinh). Điều này diễn ra tương tự ở nhóm 801-900 điểm, khi đợt 2 có nhiều hơn đợt 1 1.128 thí sinh.
"Phổ điểm 'lệch phải' và bùng nổ thí sinh đạt điểm cao, nhất là ở các khoảng điểm cạnh tranh từ 800 trở lên. Không chỉ tăng mạnh so với đợt 1, phổ điểm đợt 2 cũng 'lệch phải' nhiều hơn cùng đợt năm trước. Khả năng điểm chuẩn sẽ tăng nên các thí sinh đạt điểm cao năm nay không nên kỳ vọng quá nhiều", thạc sĩ Bùi Văn Công, giáo viên luyện thi đánh giá năng lực trực tuyến tại TP.HCM, nhận định.
Một điểm đáng chú ý khác là ở các năm gần đây, điểm trung bình 2 đợt thi không chênh lệch quá nhiều, dao động từ 15,2-25,8 điểm. Song, đến 2024, sự chênh lệch ghi nhận ở mức kỷ lục là 82,4, cao hơn 2,4 điểm so với mức chênh lệch của năm 2019. Số liệu này không bao gồm các năm 2018 (ĐH Quốc gia TP.HCM chỉ tổ chức 1 đợt), 2020 (không công bố điểm trung bình) và 2021 (chỉ tổ chức 1 đợt do ảnh hưởng của Covid-19).
Khảo sát với học trò, thầy Đặng Duy Hùng, quản lý hệ thống ôn thi đánh giá năng lực Helius - Lasan (TP.HCM), ghi nhận có nhiều trường hợp tăng 100-150 điểm, thậm chí hơn 200 điểm sau khi thi lại. Tương tự, thầy Công cũng chia sẻ không ít học trò bứt phá hơn 100 điểm sau khi đợt 2, điều rất hiếm xảy ra trong những năm trở lại đây. "Những năm trước, các bạn thường chỉ tăng khoảng 50-100 điểm", thầy Công nói.
Nguyên nhân từ đâu?
Theo thầy Đặng Duy Hùng, có 2 nguyên nhân khiến phổ điểm đợt 2 có mức tăng đáng kể. Thứ nhất, về mặt chủ quan, hầu hết thí sinh đợt 2 đều từng thi đợt 1, có nguyện vọng cải thiện điểm. "Với sự quyết tâm, kiên trì cộng thêm 2 tháng ôn luyện để cải thiện, việc các bạn đạt điểm cao hơn cũng dễ hiểu", thầy Hùng nhận định.
Về mặt khách quan, theo nhiều thí sinh, độ khó phần lớn các phân môn đợt 2 "có phần dễ hơn" đợt 1. "Các em nói đã làm bài trơn tru hơn dự kiến. Chưa kể, việc hội đồng thi quyết định chấm đủ điểm đối với 2 câu hỏi bị lỗi kỹ thuật cho tất cả thí sinh có làm bài thi cũng ảnh hưởng đến cách tính điểm chung", nam giáo viên nhận định, cho biết thêm nhiều em chỉ thi đợt 1 "cảm thấy nuối tiếc" vì điểm chênh lệch quá cao.
"Nhìn chung, các bạn học sinh thi đợt 2 năm nay có lợi thế hơn về điểm số, và tổng số lượng thí sinh thi đợt 2 bằng một nửa so với đợt 1. Chính vì vậy, việc canh chọn và đổi nguyện vọng sẽ trở nên căng thẳng hơn nhiều vì các bạn sẽ khó dự đoán vị trí của mình đang ở đâu trên phổ điểm chung", thầy Hùng nhận xét.
Bổ sung góc nhìn, thạc sĩ Bùi Văn Công cho rằng đề thi đánh giá năng lực đợt 2 ra nhiều câu hỏi lặp lại đợt 1, "chung dạng đề, chỉ đổi cách hỏi". "Phổ điểm đợt 2 đặt các thí sinh chỉ thi đợt 1 vào thế bất lợi khi chênh lệch khá cao. Điều này cũng đặt ra câu hỏi về chất lượng và độ khó các câu hỏi giữa 2 đợt thi đánh giá năng lực, cũng như khả năng phân loại thí sinh và sự công bằng", thầy Công nói.
Trước đó, trong thông cáo, ĐH Quốc gia TP.HCM đánh giá phân bố điểm đợt 2 có phần "lệch phải" so với đợt 1 do kỳ thi đợt 2 có 28.013 thí sinh đã tham gia đợt 1 (chiếm 71% tổng số thí sinh đợt 2). Nhóm thí sinh này có kinh nghiệm thi đợt 1, đồng thời có thêm 2 tháng để ôn tập, tổng hợp kiến thức, nên kết quả làm bài tốt hơn.
Tính chung cả hai đợt thi, 104.843 thí sinh đã đăng ký dự thi. Phân bố điểm chung của thí sinh có dạng phân bố tự nhiên và trải rộng, thể hiện khả năng phân loại thí sinh cao, thuận lợi cho việc xét tuyển. Phân bố điểm năm 2024 đồng dạng, tương đương các năm trước, thể hiện sự ổn định của đề thi, theo ĐH Quốc gia TP.HCM.
Sau khi công bố điểm thi đợt 2, thí sinh vẫn có thể đăng ký bổ sung/điều chỉnh nguyện vọng đến hết ngày 15.6. Dự kiến trước ngày 24.6, ĐH Quốc gia TP.HCM thực hiện xét tuyển và công bố kết quả trúng tuyển.
Hiện có 109 cơ sở giáo dục đăng ký sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức để xét tuyển, gồm: 9 đơn vị thành viên của trường này và 91 ĐH, 9 CĐ ngoài hệ thống. 68 đơn vị trong và ngoài hệ thống ĐH Quốc gia TP.HCM tham gia hệ thống đăng ký xét tuyển trực tuyến với 1.747 ngành học để thí sinh đăng ký nguyện vọng.