Trong những năm qua, việc đánh giá, xếp loại học lực của học sinh tiểu học đã có nhiều thay đổi từ Thông tư 30; Thông tư 22 và khi triển khai giảng dạy Chương trình 2018 hiện nay thì thực hiện đánh giá, xếp loại theo Thông tư 27. Tuy nhiên, việc đánh giá, xếp loại học lực, xếp danh hiệu học tập đối với học sinh tiểu học vẫn còn những bất cập nhất định.
Áp lực với những môn đánh giá bằng nhận xét
Ở cấp tiểu học hiện nay giáo viên chủ nhiệm lớp sẽ được phân công dạy một số môn học như: toán, tiếng Việt, khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý, đạo đức, hoạt động trải nghiệm... Những giáo viên dạy từng môn (mỗi môn có 1 giáo viên dạy) bao gồm các môn: ngoại ngữ (tiếng Anh), mỹ thuật, âm nhạc, thể dục. Trong các môn này, chỉ có ngoại ngữ đánh giá bằng điểm số. Các môn âm nhạc, mỹ thuật, thể dục đánh giá bằng nhận xét (chưa hoàn thành; hoàn thành; hoàn thành tốt).
Theo hướng dẫn của Thông tư 27, đánh giá kết quả giáo dục học sinh theo 4 mức. Hoàn thành xuất sắc: Những học sinh có kết quả đánh giá các môn học, hoạt động giáo dục đạt mức hoàn thành tốt; các phẩm chất, năng lực đạt mức tốt; bài kiểm tra định kỳ cuối năm học của các môn học đạt 9 điểm trở lên. Hoàn thành tốt: Những học sinh chưa đạt mức hoàn thành xuất sắc, nhưng có kết quả đánh giá các môn học, hoạt động giáo dục đạt mức hoàn thành tốt; các phẩm chất, năng lực đạt mức tốt; bài kiểm tra định kỳ cuối năm học các môn học đạt 7 điểm trở lên. Hoàn thành: Những học sinh chưa đạt mức hoàn thành xuất sắc và hoàn thành tốt, nhưng có kết quả đánh giá các môn học, hoạt động giáo dục đạt mức hoàn thành tốt hoặc hoàn thành; các phẩm chất, năng lực đạt mức tốt hoặc đạt; bài kiểm tra định kỳ cuối năm học các môn học đạt 5 điểm trở lên. Còn chưa hoàn thành: Những học sinh không thuộc các đối tượng trên.
Cuối năm, nhà trường khen thưởng bằng các danh hiệu sau: Danh hiệu học sinh xuất sắc cho những học sinh được đánh giá kết quả giáo dục đạt mức hoàn thành xuất sắc. Danh hiệu học sinh tiêu biểu hoàn thành tốt trong học tập và rèn luyện cho những học sinh được đánh giá kết quả giáo dục đạt mức hoàn thành tốt, đồng thời có thành tích xuất sắc về ít nhất một môn học hoặc có tiến bộ rõ rệt ít nhất một phẩm chất, năng lực; được tập thể lớp công nhận. Khen thưởng đột xuất học sinh có thành tích đột xuất trong năm học.
Trong các danh hiệu học tập của học sinh, nhà trường, giáo viên chủ nhiệm thường xem trọng danh hiệu học sinh xuất sắc. Nhưng, muốn đạt danh hiệu này, các môn đánh giá bằng điểm số phải đạt từ 9,0 điểm trở lên. Các môn đánh giá bằng nhận xét phải đạt mức tốt.
Đạt được điểm số và mức nhận xét trên thực tế không dễ. Tuy nhiên, chỉ trừ môn ngoại ngữ là có giáo viên chuyên dạy, các môn cho điểm còn lại đều do giáo viên chủ nhiệm dạy nên thực tế nằm trong tầm tay của giáo viên chủ nhiệm - nếu muốn.
Một khi giáo viên chủ nhiệm cho kiểm tra định kỳ mà học sinh đạt từ 9,0 điểm trở lên nhưng các môn đánh giá bằng nhận xét chỉ xếp ở mức hoàn thành (H) thì nhiều giáo viên chủ nhiệm sẽ chủ động "xin" giáo viên dạy từng môn việc này. Nếu giáo viên môn chuyên không cho thì giáo viên sẽ nhờ hiệu trưởng, phó hiệu trưởng can thiệp. Vì thế, học sinh tiểu học bây giờ có danh hiệu học sinh xuất sắc tương đối nhiều.
Tuy nhiên, cũng có trường hợp những môn đánh giá bằng điểm số đạt từ 9,0 trở lên nhưng có 1 môn đánh giá bằng nhận xét ở mức H thì không được khen danh hiệu học sinh xuất sắc. Vì thế, nhiều phụ huynh thắc mắc, cho rằng giáo viên "môn phụ" làm khó. Nhưng, thực tế không phải vậy.
Tư tưởng môn chính, môn phụ vẫn tồn tại dù quy định bình đẳng
Hiện nay, trong suy nghĩ của nhiều người luôn mặc định một số môn học ở nhà trường phổ thông có môn chính, môn phụ. Nhưng thực tế, theo Chương trình GDPT 2018, các môn học đều bình đẳng như nhau, mỗi môn học có một vai trò, vị trí để giáo dục, bồi dưỡng tri thức, nhân cách và tâm hồn riêng cho học trò. Tuy nhiên, tư tưởng môn chính, môn phụ vẫn tồn tại trong một bộ phận giáo viên, phụ huynh.
Nhiều người luôn mặc định toán, tiếng Việt giỏi thì các môn khác cũng giỏi. Nhưng, môn âm nhạc, mỹ thuật là những môn học nghệ thuật, đòi hỏi khả năng, năng khiếu riêng của mỗi học trò. Vì thế, một số thầy cô đánh giá, xếp loại ở mức chưa hoàn thành, hoặc hoàn thành thường bị nhà trường, giáo viên chủ nhiệm, phụ huynh cho là khó khăn.
Thực tế, không chỉ giáo viên âm nhạc mà giáo viên mỹ thuật ở các trường tiểu học công lập hiện nay đang chịu rất nhiều áp lực trong xếp loại học trò. Theo quy định, mỗi tuần dạy 23 lớp, mỗi lớp có sĩ số tối đa theo quy định là 35 học sinh - tương đương với trên dưới 800 học sinh.
Mỗi tuần có 1 tiết, mỗi tiết có 35 phút nhưng bài học nào cũng có yêu cầu cần đạt, cũng yêu cầu sản phẩm của học trò. Trong số hàng mấy trăm học sinh như vậy, có phải em nào cũng có tố chất tốt về năng khiếu môn học để xếp "hoàn thành tốt" cả đâu.
Bên cạnh đó, giáo viên chủ nhiệm thấy điểm các môn kiểm tra, đánh giá bằng điểm số đạt từ 9,0 trở lên thường "trao đổi" với giáo viên âm nhạc, mỹ thuật nâng xếp loại lên mức "hoàn thành tốt" để khen thưởng học trò. Không cho thì mất đoàn kết, nhiều khi còn bị nhà trường quy kết không "phối hợp" với giáo viên chủ nhiệm. Nhưng, nâng lên cũng đồng nghĩa với việc sửa kết quả của học trò và tất nhiên "lịch sử" phần mềm còn lưu lại. Khi bị thanh, kiểm tra thì giáo viên sửa điểm phải chịu trách nhiệm.
Cần thống nhất trong đánh giá giữa các cấp học
Thiết nghĩ, Bộ GD-ĐT nên đồng nhất với cách đánh giá môn âm nhạc, mỹ thuật, thể dục giữa cấp tiểu học và cấp THCS; THPT sẽ thuận lợi hơn cho giáo viên dạy các môn học này. Cũng là âm nhạc, mỹ thuật, thể dục nhưng ở 2 cấp học phổ thông cao hơn thì đánh giá đạt; chưa đạt nhưng ở tiểu học lại đánh giá hoàn thành tốt; hoàn thành; chưa hoàn thành. Trong đó, ràng buộc danh hiệu học sinh xuất sắc phải hoàn thành tốt nên rất nhiều trường hợp học sinh được khen thưởng danh hiệu này nhờ vào sự can thiệp của giáo viên chủ nhiệm.