Ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, giải đáp thắc mắc trước thông tin về việc sau khi hoàn tất bài thi môn toán trong kỳ thi lớp 10 sáng nay, 7.6, phần đông thí sinh đã bày tỏ đề thi năm nay khó hơn năm trước. Đặc biệt trong đó có nhiều thí sinh đã khóc ngay sau khi kết thúc giờ làm bài môn này.
Theo ông Nam, kỳ thi lớp 10 là tuyển sinh chứ không phải tốt nghiệp để đánh giá kiến thức học sinh nên cần có sự phân hóa để tuyển học sinh vào đúng các nguyện vọng, các mô hình trường lớp.
"Đề thi có tính phân hóa, có dễ có khó để chọn được thí sinh năng lực giỏi, tư duy tốt vào các trường tốp đầu. Và sau đó lần lượt chọn thí sinh vào các trường ở tốp tiếp theo", ông Nam nói.
Đặc biệt Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM nhấn mạnh: "Đề thi lớp 10 vẫn đảm bảo được theo yêu cầu tuyển học sinh, khó thì khó chung, không ảnh hưởng đến chọn nguyện vọng trường đã chọn của học sinh.
Trong quá trình chấm, hội đồng chấm thi sẽ thống nhất đáp án để làm sao đảm bảo công bằng cho học sinh nhất"
Về chủ trương chung trong việc biên soạn đề thi lớp 10, ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM, thông tin:
Trước khi biên soạn đề thi lớp 10, hội đồng biên soạn sẽ xây dựng ma trận đề. Từ năm 2018 đến nay, hằng năm trong định hướng của Sở GD-ĐT TP.HCM đều có sự tăng thêm về tính vận dụng kiến thức vào thực tế để áp dụng giải quyết vấn đề đặt ra. Hàng năm lượng câu hỏi sẽ nhiều hơn, đến thời điểm này hoàn tất chương trình GDPT 2006 để bước sang chương trình GDPT 2018 phù hợp với mục tiêu đánh giá năng lực, phẩm chất học sinh chứ không chỉ là kiểm tra đánh giá nặng về kiến thức như trước đây.