Ba môn thi bắt buộc của kỳ thi lớp 10 tại TP.HCM trong ngày 6 và 7.6, ngoài môn tiếng Anh được đánh giá "dễ thở" thì 2 môn còn lại là ngữ văn và toán đều có sự phân hóa mạnh, trong đó thể hiện rõ nét nhất ở môn toán.
Giáo viên (GV) Lâm Vũ Công Chính, Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TP.HCM), nhận định đề thi môn toán có sự phân hóa tốt, ngữ liệu và cách đặt vấn đề rõ ràng. Theo thầy Chính, để giải quyết tốt bài thi môn toán, học sinh (HS) phải có kỹ năng phân tích, tổng hợp dữ kiện đề bài và cần có tư duy linh hoạt để giải quyết bài toán. "Đây cũng là kỳ thi cuối cùng áp dụng chương trình GDPT 2006 nên với cấu trúc đề thi lớp 10 của TP.HCM rất phù hợp cho các em tiếp cận chương trình GDPT 2018 trong năm học tới".
GV Trần Tuấn Anh, Trường THPT Thủ Đức (TP.HCM), cho rằng để làm được nhiều bài toán thực tế, HS phải nghiền ngẫm, tìm tòi hiểu kiến thức được học thật sâu sắc. Còn GV phải thay đổi cách dạy, tránh dạy theo dạng toán để HS học theo, học thuộc bước giải. Thầy Tuấn Anh cho biết hoàn toàn ủng hộ cách ra đề nghiêng về việc sử dụng kiến thức, kỹ năng toán học để giải quyết tình huống thực tế. Tránh được việc học theo, thuộc bài của HS, từ đó chọn lựa được HS có chuẩn kiến thức theo yêu cầu.
"Chương trình GDPT 2018 không đặt nặng vào biến đổi các biểu thức khó cồng kềnh, chủ yếu là vận dụng kiến thức toán vào giải quyết tình huống thực tế. Đây cũng là bước giúp HS có sự chuẩn bị bước vào chương trình GDPT 2018", thầy Tuấn Anh nói.
Về chủ trương chung trong việc biên soạn đề thi lớp 10, ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM, cho hay trước khi biên soạn đề thi thì hội đồng biên soạn sẽ xây dựng ma trận đề. Và từ năm 2018 đến nay, hằng năm trong định hướng của Sở GD-ĐT TP.HCM đều tăng thêm về tính vận dụng kiến thức vào thực tế để áp dụng giải quyết vấn đề đặt ra. Đề phù hợp với mục tiêu đánh giá năng lực, phẩm chất HS theo Chương trình GDPT 2018 chứ không là kiểm tra đánh giá nặng về kiến thức như trước đây.
ĐIỂM CHUẨN GIẢM TỪ 0,5 - 1 ĐIỂM
Từ những phân tích về môn toán, GV Đặng Hoàng Dư, dạy toán tại Q.Gò Vấp, nhận xét HS có học lực trung bình có thể đạt điểm 5, HS khá thì có thể từ 6,5 - 7,5 còn HS có giỏi, bình tĩnh mới có thể đạt trên 8. Tỷ lệ HS đạt điểm trên 8 sẽ không nhiều, thấp hơn năm trước.
Với môn ngữ văn, thầy Đỗ Đức Anh, GV Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1), phân tích điểm 7 không khó với những HS đã được luyện tập và học hành một cách chăm chỉ. Những HS có khả năng viết tốt, tư duy nhạy bén, có kỹ năng, ngôn từ phong phú, nắm vững bài cũng như đã được luyện tập nhiều, hy vọng đạt được điểm 9. GV Trường THPT Bùi Thị Xuân dự đoán mặt bằng điểm môn văn có thể sẽ nhỉnh hơn năm trước một chút.
Nhận định bao quát cho cả 3 môn thi, thầy Dư nói mặt bằng điểm ngữ văn, tiếng Anh cao hơn, ở mức độ không nhiều còn môn toán thấp hơn sẽ dẫn đến tình huống điểm chuẩn có thể giảm từ 0,5 - 1 điểm.
Còn ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân, cho hay môn văn cũng không dễ có điểm cao. Dự đoán phổ điểm từ 5 - 6,5 điểm.
Môn tiếng Anh tuy nhẹ nhàng nhưng không thể có "mưa" điểm 10 như năm 2023, phổ điểm khá cao từ 7 - 8,5. Riêng môn toán với độ khó hơn năm trước cho nên phổ điểm sẽ không cao hơn năm 2023.
Như vậy, theo Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân, điểm chuẩn năm 2024 đồng loạt giảm có thể từ 1 - 2 điểm, so với năm 2023.
Đề có sự phân hóa để tuyển HS vào đúng các nguyện vọng
Sáng qua, nhiều thí sinh vừa bước ra điểm thi đã òa khóc nức nở trong vòng tay người thân vì "đề toán dài và khó, nhiều phần còn chưa làm ra kết quả thì đã hết giờ".
Phương Thảo, HS Trường THCS Kiến Thiết, Q.3, cho biết đề thi toán có nhiều bài toán thực tế, yêu cầu HS tính toán để tìm ra nên thuê pin của xe máy điện như thế nào thì tiết kiệm hơn; bài toán vận tốc, quãng đường; bài toán vòi nước chảy... "Đề dài, nhiều bài khó, bài toán thực tế đòi hỏi HS phải tư duy nhiều, ôn luyện nhiều", em chia sẻ.
Phú Thịnh, HS Trường THCS Lê Quý Đôn, Q.3, cũng cho hay bài 7, ý c và b của bài 8 có độ khó cao để tìm ra những HS đạt điểm 9, 10. Theo Thịnh, với đề này thì 7 điểm cũng khó khăn với nhiều HS.
Lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM đã có ý kiến trước tình huống này. Ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, nói thi lớp 10 là kỳ thi tuyển sinh chứ không phải tốt nghiệp để đánh giá kiến thức HS. Vì vậy cần có sự phân hóa để tuyển HS vào đúng các nguyện vọng, các mô hình trường lớp. Đề thi có tính phân hóa, có dễ có khó để chọn được HS có năng lực giỏi, tư duy tốt vào các trường tốp đầu, sau đó lần lượt các trường ở tốp tiếp theo.
Đặc biệt Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM nhấn mạnh: "Đề thi vẫn đảm bảo được theo yêu cầu tuyển HS, khó thì khó chung, không ảnh hưởng đến việc chọn nguyện vọng của HS. Trong quá trình chấm, hội đồng chấm thi sẽ thống nhất đáp án để làm sao đảm bảo công bằng cho HS nhất".
Hôm nay (8.6), Hội đồng chấm thi lớp 10 của Sở GD-ĐT bắt đầu làm việc, dự kiến ngày 20.6 sẽ công bố kết quả thi lớp 10.
Bích Thanh - Thúy Hằng