Trên các diễn đàn, không ít sinh viên (SV) viết bài nêu cảm nhận về giảng viên (GV) của mình. Có SV than vãn thầy cô này khó tính, cho điểm khắt khe, hay điểm danh, thầy cô kia ít giảng mà chủ yếu cho SV thảo luận... Nhưng cũng chính những GV đó lại được SV khác đánh giá là nghiêm túc, giúp SV có kỷ luật, tăng tính tương tác, chủ động...
Thạc sĩ Võ Văn Việt, Trưởng phòng Quản lý chất lượng Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, cho rằng đó là ý kiến cá nhân có phần cảm tính của một số SV. Chính vì vậy, theo thạc sĩ Việt, việc đưa ra các tiêu chí đảm bảo tính khách quan và tránh đánh giá cảm tính để có kết quả chính xác, là vô cùng quan trọng trong các khảo sát đánh giá hoạt động giảng dạy của GV.
"Cứ mỗi cuối học kỳ, Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM lại tiến hành khảo sát một lần. Phiếu khảo sát sẽ đưa ra 37 tiêu chí thuộc các nội dung như thông tin về môn học và tài liệu giảng dạy, phương pháp, nội dung giảng dạy, kiểm tra đánh giá, tác phong sư phạm và phần đánh giá chung. Mỗi tiêu chí lại có thang điểm từ 1 đến 5 tương ứng với các mức độ", thạc sĩ Việt thông tin. Ngoài việc "chấm điểm" bằng 5 mức trên, SV còn có thể đưa ra những góp ý cho GV, cho trường để nâng cao chất lượng giảng dạy và đào tạo.
Tại Trường ĐH Luật TP.HCM, việc khảo sát cũng diễn ra mỗi học kỳ một lần với bảng câu hỏi được xây dựng và cập nhật bao gồm 20 tiêu chí đánh giá về nội dung học phần và phương pháp giảng dạy của GV, gồm cả tính kỷ luật, sự công bằng khách quan, sự thu hút và tạo môi trường học tập hứng thú, sự tôn trọng của GV đối với SV... Ngoài ra còn có phần các câu hỏi mở để SV nêu ý kiến đề xuất của mình.
Tuy nhiên, trong bảng khảo sát, SV cũng phải khai các thông tin như tỷ lệ thời gian tham gia buổi học trên lớp và số giờ bình quân hằng tuần tự học. Thông tin này sẽ phản ánh độ tin cậy của điểm số hoặc ý kiến của SV dành cho GV. Vì với một SV mà đi học dưới 50% và mỗi tuần chỉ tự học dưới 1 giờ thì cách "chấm điểm" GV sẽ rất khác với một SV đi học 100% và giờ tự học là trên 10 giờ.
Trong khi đó, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành và Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM tập trung vào các yếu tố nghiêm túc, khách quan, chính xác và công bằng trong kiểm tra đánh giá của GV, tính trách nhiệm, nhiệt tình hỗ trợ SV, kiến thức thực tế, phương pháp dạy học tích cực, tác phong sư phạm...
10 NĂM, CHỈ 1 GV ĐIỀU CHỈNH GIỜ GIẢNG TỪ KẾT QUẢ KHẢO SÁT
Thạc sĩ Vũ Duy Cương, Giám đốc Trung tâm đảm bảo chất lượng và phương pháp giáo dục Trường ĐH Luật TP.HCM, cho hay: "Qua các đợt khảo sát, chúng tôi thấy SV thường đánh giá cao về nội dung, bộ tài liệu giảng dạy, cũng như đưa ra những yêu cầu cao về việc cải tiến các phương pháp giảng dạy".
Được biết, sau khi có kết quả xử lý bảng câu hỏi của SV, kết quả khảo sát chung và của từng GV sẽ được Trung tâm đảm bảo chất lượng Trường ĐH Luật TP.HCM gửi ban giám hiệu và các khoa chuyên môn để từ đó khoa có dữ liệu để trao đổi, khuyến nghị GV cải tiến (nếu cần thiết) hoặc tổng hợp thành thông tin để khen thưởng hoặc xem xét các danh hiệu thi đua.
Tuy nhiên theo thạc sĩ Duy Cương, thực tế, qua kết quả khảo sát, trong 10 năm qua, trường chỉ có một GV phải điều chỉnh giờ giảng từ kết quả khảo sát thấp cũng như phản ánh của SV.
Thạc sĩ Đàm Đức Tuyền, Trưởng phòng Khảo thí và quản lý chất lượng Trường ĐH Tài chính - Marketing, cũng nhận định cùng một GV dạy nhưng có SV lại thích và cảm thấy phù hợp, có SV lại thấy không thích. "Chính vì vậy, phiếu nào không đáp ứng độ tin cậy sẽ bị loại ra. Chẳng hạn cho điểm số tất cả các tiêu chí đều như nhau, tốt từ trên xuống dưới hoặc ngược lại", thạc sĩ Tuyền cho hay.
Thạc sĩ Tuyền thông tin đến nay chưa có GV nào của trường bị mức điểm "yếu", chỉ có mức trung bình, trung bình khá. "Trường sẽ làm việc với khoa để khoa trao đổi, bồi dưỡng chuyên môn và phương pháp giảng dạy cho những GV chưa nhận được phản hồi tốt ở các tiêu chí về chuyên môn giảng dạy, hoặc có những điều chỉnh về tác phong, cách ứng xử với SV nếu có góp ý", thạc sĩ Tuyền nói.
KÊNH THÔNG TIN QUAN TRỌNG ĐỂ CẢI TIẾN CHẤT LƯỢNG
Theo thạc sĩ Võ Văn Việt, các trường ĐH không lấy kết quả khảo sát để khiến một GV chưa có điểm đánh giá cao phải nghỉ việc hay giảm giờ dạy, mà kết quả đó sẽ là cơ sở để GV phát huy những ưu điểm và khắc phục những hạn chế nhằm cải tiến công tác giảng dạy của mình.
"Chất lượng đào tạo hiện nay là vấn đề sống còn của các trường ĐH, cải tiến chất lượng đào tạo là ưu tiên hàng đầu. Vì vậy, việc khảo sát SV về hoạt động giảng dạy của GV khi được tiến hành hiệu quả sẽ có ý nghĩa rất lớn để nhà trường có được kết quả tin cậy qua các con số, từ đó tiến hành các biện pháp để nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học", thạc sĩ Vũ Duy Cương nhìn nhận.
Thạc sĩ Bùi Quang Trung, Trưởng phòng Truyền thông Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cũng cho rằng nhiều năm qua hoạt động SV đánh giá GV đã tạo thêm kênh thông tin giúp GV điều chỉnh hoạt động giảng dạy và nâng cao tinh thần trách nhiệm của mình trong việc thực hiện mục tiêu đào tạo của cơ sở giáo dục ĐH. Bên cạnh đó, SV cũng được bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, thể hiện chính kiến về hoạt động giảng dạy của GV.
"Đây là hoạt động cần duy trì để thực hiện quy chế dân chủ trong trường học, góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm của GV; đồng thời tăng cường tinh thần trách nhiệm của người học với quyền lợi, nghĩa vụ học tập, rèn luyện của bản thân, từ đó góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của cơ sở giáo dục ĐH", thạc sĩ Lê Thị Tuyết Anh, Trưởng phòng Khảo thí - bảo đảm chất lượng giáo dục Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM, nhận định.
Sinh viên đánh giá khá chính xác
Trong thời gian qua, việc lấy ý kiến SV về hoạt động giảng dạy của GV có thể nói góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy. Vì sau mỗi đợt khảo sát, kết quả sẽ được hiển thị trên hệ thống tài khoản của GV, các khoa cũng nhận được báo cáo. Qua đó GV sẽ biết mình được hay chưa được ở đâu, và có ý thức điều chỉnh hoạt động giảng dạy của mình, đồng thời khoa cũng sẽ giám sát việc này.
Theo tôi, việc đánh giá của SV khá chính xác, vì tất cả các em đều phải làm khảo sát nên ý kiến số đông sẽ phản ánh được thực trạng chất lượng giảng dạy. Đó là chưa kể GV dạy nhiều lớp và lớp nào cũng phải hoàn thành việc khảo sát.
Thạc sĩ Châu Thế Hữu
(giảng viên Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM)