Bác sĩ Phan Thị Thanh Hà, Trưởng khoa Nhi - Nhiễm, Bệnh viện Q.8 (TP.HCM), cho biết các loại bánh kẹo, quà vặt cổng trường không rõ nguồn gốc nhưng có hình thức bắt mắt, giá thành rẻ nên hấp dẫn nhiều học sinh (HS). Những thực phẩm không rõ nguồn gốc này tiềm ẩn nguy cơ gây rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thức ăn (nôn, đau bụng, tiêu chảy, hoặc nặng hơn là mất nước, rối loạn điện giải…), ảnh hưởng thần kinh nếu ăn phải các loại bánh kẹo "lạ" có chất kích thích. Trước đây từng có vụ kẹo mút cần sa xâm nhập học đường.
Bác sĩ Thanh Hà cho hay thành phần kẹo này có chứa tinh dầu cần sa (cannabis essential oil) - một loại tinh dầu chiết xuất từ cây cần sa và bột cần sa. Tinh dầu cần sa gây ra nhiều tác hại cho cơ thể con người, như gây tổn thương não, khiến não bộ bị tê liệt nếu sử dụng trong thời gian dài, một số người bị mất ngủ và luôn trong tình trạng mệt mỏi.
Tinh dầu cần sa còn ảnh hưởng trí nhớ nếu sử dụng lâu dài. Như vậy, với việc sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, đặc biệt có chứa các chất kích thích như cần sa, có thể gây ra tình trạng ngộ độc khiến thần kinh không còn minh mẫn, co giật, hôn mê, rối loạn tâm thần, loạn nhịp tim, tăng huyết áp hoặc tụt huyết áp, suy hô hấp, thậm chí tử vong…
"Bất cứ khi nào thấy HS có các triệu chứng rối loạn tiêu hóa và ngộ độc sau ăn bánh kẹo lạ, phải đưa các em đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và xét nghiệm tìm chất kích thích nếu nghi ngờ. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc cho các em", bác sĩ Hà lưu ý.
Ứng phó trước tình trạng hàng rong, quà vặt "bao vây" HS, thời gian qua, các trường học tại TP.HCM tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở các em về an toàn vệ sinh thực phẩm, không mua thực phẩm không rõ nguồn gốc từ hàng rong vỉa hè. Các thông điệp của thầy cô được đưa ra trong tiết chào cờ đầu tuần, tiết sinh hoạt tập thể cuối tuần, hoạt động giáo dục kỹ năng sống và lồng ghép vào các môn học.
CHO HỌC SINH HỌC CÁCH XỬ LÝ TÌNH HUỐNG
Chiều 6.12, trước khi bắt đầu bài giảng, cô Trần Thị Hoài Nghi, giáo viên chủ nhiệm lớp 4, Trường tiểu học Kim Đồng (Q.Gò Vấp, TP.HCM), cho HS tận mắt quan sát các bịch bánh kẹo "lạ".
Các bịch bánh kẹo với bao bì sặc sỡ nhưng in toàn tiếng nước ngoài, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Cô Nghi cho các học trò thử giải đáp các câu hỏi thực tế. Ví dụ: "Theo các con thế nào là bánh kẹo không an toàn?", "Nếu được ba mẹ cho tiền mua đồ ăn, con sẽ lựa chọn sản phẩm như thế nào?", "Nếu được cho những bịch bánh kẹo với màu sắc, bao bì lạ, không rõ nguồn gốc xuất xứ như thế này, các con có ăn không?"...
HS đưa ra các đáp án, cô Nghi ghi nhận và cuối cùng nhấn mạnh với HS về cách bảo vệ sức khỏe cho chính mình và bạn bè bằng cách không mua và không ăn những sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc.
"Tôi cho các em nhìn những hình ảnh thực tế về sản phẩm đó (có thể thông qua hình chụp, video clip), để các em dễ nhận diện, phân biệt được đâu là thực phẩm bẩn, thực phẩm không an toàn. Đồng thời, tôi cũng cho các em chơi các trò chơi như giải quyết tình huống, từ đó giúp các em ghi nhớ các thông tin quan trọng, hơn là chỉ nhắc nhở chung chung", cô Nghi nói.
RÈN KỸ NĂNG CHO HỌC SINH
Thầy Nguyễn Việt Đức, tổ trưởng tổ văn, Trường THCS-THPT Diên Hồng (Q.10, TP.HCM), cho hay: "Việc mua bán quà vặt, đồ ăn hàng rong ở cổng trường diễn ra rất phổ biến và phức tạp lâu nay. Cha mẹ nhiều khi không kịp chuẩn bị cho con đồ ăn tại nhà nên mua ngay cổng trường; trong khi một số loại thực phẩm bày bán bắt mắt thu hút được HS. Các em chưa có nhận thức đầy đủ về thực phẩm mất vệ sinh, thiếu an toàn".
Theo thầy Đức, phụ huynh cần giúp các con nhận thức, phân biệt được thực phẩm an toàn và mất an toàn. "Các con cần phải biết được không phải thực phẩm nào chế biến, bày bán cũng đảm bảo vệ sinh. Có một số loại hóa chất khi kết hợp với nhau sẽ tạo nên những phản ứng nguy hiểm cho cơ thể… Do đó, với những thực phẩm lạ, nguồn gốc không rõ ràng, HS không được dùng thử dù một lần, không mua bán chuyền tay", thầy Đức lưu ý.
Thầy Đức cũng khuyên phụ huynh khi các con đang ở lứa tuổi HS, điều kiện lý tưởng là cha mẹ chuẩn bị đồ ăn tại nhà cho con. Còn lại, nên mua hoặc hướng dẫn con mua ở những quán ăn, cửa hàng, nơi đảm bảo an toàn thực phẩm được chứng nhận.
Bác sĩ Phan Thị Thanh Hà cũng nhấn mạnh để giải quyết vấn đề mất an toàn từ quà vặt, hàng rong, phụ huynh và nhà trường cần tăng cường truyền thông giáo dục sức khỏe về tác hại của thức ăn đường phố không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và đặc biệt là kẹo bánh không rõ nguồn gốc, không có tem nhãn rõ ràng. Theo bác sĩ Hà, các ban ngành đoàn thể, cơ quan chức năng địa phương phải tăng cường dọn dẹp hàng rong, thức ăn đường phố đang bao vây cổng trường và phải làm quyết liệt, mạnh mẽ.
Đồng thời, bác sĩ Hà nhấn mạnh HS cần được rèn luyện kỹ năng mềm, có nhiều tiết học thiết thực để nhận biết thực phẩm không an toàn, cần biết nói không với những loại bánh kẹo "lạ", nói không với quà vặt không rõ nguồn gốc. Đó chính là kỹ năng sống rất quan trọng.
Kiểm tra căn tin, xử lý nghiêm hàng rong cổng trường
UBND TP.Thủ Đức (TP.HCM) ngày 30.10 ban hành công văn chấn chỉnh an toàn thực phẩm trong trường học, đề nghị Phòng GD-ĐT và các ngành liên quan khẩn trương thực hiện.
UBND TP.Thủ Đức đề nghị Phòng GD-ĐT TP.Thủ Đức chỉ đạo các trường có bếp ăn tập thể và căn tin chủ động thường xuyên tự kiểm tra công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tại trường, thực hiện tốt công tác đảm bảo an toàn thực phẩm. Công văn cũng yêu cầu Phòng Y tế chủ trì đoàn kiểm tra liên ngành chuyên ngành an toàn thực phẩm tiến hành kiểm tra toàn bộ cơ sở cung cấp suất ăn, bếp ăn tập thể, căn tin, dịch vụ ăn uống trong trường học trên địa bàn; phát hiện ngăn chặn, xử lý nghiêm những tổ chức và cá nhân vi phạm quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm.
Đáng chú ý, UBND TP.Thủ Đức giao UBND 34 phường trên địa bàn chủ trì công tác kiểm tra an toàn thực phẩm tại các trường học, nhóm trẻ trên địa bàn phường; kiểm tra xử lý nghiêm tình trạng bán hàng rong, lấn chiếm lòng lề đường làm nơi kinh doanh thực phẩm xung quanh khu vực trường học.
Công văn trên cũng đề nghị UBND 34 phường tăng cường công tác truyền thông trên hệ thống loa phát thanh của phường các nội dung tuyên truyền trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, các nguy cơ, tác hại của thực phẩm không đảm bảo an toàn, không rõ nguồn gốc xuất xứ, góp phần phòng chống ngộ độc thực phẩm trong trường học...