Điểm trường Nước Nia nằm trên ngọn đồi nhỏ xíu, lọt thỏm giữa rừng. Ở đây, cái gì cũng chia đôi. Phía trước dạy học sinh tiểu học, phía sau dạy các cháu mầm non. Phía trước có hai phòng học, con gái dạy bên phải, bên trái của người cha. Trong hai phòng học, bảng đen cũng chia làm hai, con gái chia bảng dạy lớp 1 và lớp 2 (tổng cộng 17 học sinh), còn cha chia hai bảng dạy lớp 3 và lớp 4 (tổng cộng 13 học sinh).
Chúng tôi vượt đoạn đường đèo bạt ngàn lau trắng, khi đến điểm trường Nước Nia đã gần trưa. Vậy mà sương chưa tan hết, khí hậu vẫn còn lành lạnh, nước vẫn ứ giọt trên đầu cây ngọn cỏ. Đón chúng tôi là những đôi mắt đen trong trẻo, thơ ngây của học sinh cùng nụ cười hiền của thầy Tuấn.
Cô Mỹ kể, năm 2020 cô về dạy điểm trường Nước Nia. Ngày mới đến, cứ đến đêm là lo ngay ngáy, nhất là vào mùa mưa. Hồi đó, không có chỗ ngủ nên phụ huynh đặt tấm ván, lót mền chiếu ở một góc phòng học của trẻ mầm non cho cô giáo nằm. Nhiều đêm, mưa rừng trút nước ầm ầm ào ào trên mái tôn, cô Mỹ co ro ngồi một góc phòng đợi sáng. "Sợ nhất là mỗi khi có việc cần phải đi ra ngoài, vắt rừng ở khắp nơi", cô Mỹ nói.
Còn thầy Tuấn, suốt mấy năm nay, ông vẫn phải dùng bàn học sinh đã hỏng ghép lại, kê ván lên trên làm giường. Chỗ ngủ đặt ngay góc phòng dạy học của thầy Tuấn. "Nhiều hôm mưa quá, mái bị dột khắp nơi thì phải qua phòng học mới xây để ngủ. Sáng dậy sớm sắp xếp lại bàn ghế để học sinh đến lớp", thầy Tuấn cho biết.
Ở riết rồi quen. Lại thương học trò và người dân nơi này thua thiệt đủ thứ nhưng đối đãi với thầy cô bằng cả tấm chân tình. Từ trẻ đến già trong làng, ai cũng khát khao con chữ. Những nhọc nhằn của cha con thầy Tuấn cứ vậy trôi qua từng ngày.
Thầy Tuấn kể, phụ huynh ở vùng này biết lo cho con cái nhưng nghèo quá. Đầu năm học, phụ huynh không có tiền mua sách vở nên ông bỏ tiền ra mua đủ cho học sinh. Đến khi nhà nước trả tiền chính sách cho phụ huynh, họ trả lại cho thầy. Tuy nhiên, đó chỉ là cái khó trong nhiều cái khó. Ngay trong lớp học thầy Tuấn, còn có em Hồ Minh Thái bị câm điếc bẩm sinh cũng được nhận vào học.
Bà Đinh Thị Thu Hương, Trưởng phòng GD-ĐT H.Trà Bồng, cho biết hiện còn rất nhiều khó khăn nơi điểm trường lẻ như Nước Nia mà nguồn lực địa phương không thể nào gánh vác hết. Do vậy, ngành giáo dục H.Trà Bồng rất mong những hỗ trợ đầu tư từ bên ngoài để xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học cho các điểm trường còn khó khăn.