Nguyễn Thị Ngọc Dung, 17 tuổi, đang học lớp 4 ở lớp phổ cập tổ chức mỗi tuần 3 buổi tại Trường tiểu học Hồng Đức, P.14, Q.8, TP.HCM. Hơn 20 năm qua, ngôi trường này luôn sáng đèn mỗi tối, đón những học trò khó khăn muốn được học chữ như Dung.
Lớp phổ cập ở Trường tiểu học Hồng Đức năm nay có 21 bạn đang theo học. Trong đó, 9 bạn đang học lớp 1; 7 bạn đang học lớp 2 - 3 - 4. Còn lớp xóa mù chữ hiện có 5 bạn.
Lớp không được chia theo độ tuổi như thông thường mà được chia theo trình độ người học. Do đó, các thầy cô giáo đã quen với những cô cậu học trò 20 tuổi vẫn đang là học sinh lớp 1, hay 17 tuổi học lớp 4 như Dung.
Mỗi người mỗi hoàn cảnh, nhiều học sinh lớp phổ cập còn không có giấy khai sinh hay giấy tờ tùy thân nào. Có học trò đã chuyển nhà trọ đi đến các phường khác của Q.8 nhưng vẫn quay về P.14 để tới lớp học ban đêm của Trường tiểu học Hồng Đức vì yêu mến thầy cô giáo. Dù chuyển chỗ ở khắp nơi, ai thuê gì làm đó, nhưng mấy năm qua, trừ khi mưa to bão bùng không thể đến lớp, còn lại Ngọc Dung vẫn quyết tâm đi học.
Khi chúng tôi có mặt ở lớp 1, cô giáo Huỳnh Thị Trúc Linh đang cho các học sinh tập viết chữ. Ngồi ở bàn đầu tiên, học sinh Hứa Đăng Thông, 20 tuổi, đang nắn nót những dòng chữ "Ba mẹ cho bé đi ca nô". Thông ở cùng ông nội, ban ngày anh đi làm thêm công việc bấm nút áo, buổi tối thì đến lớp phổ cập. Gặp khó khăn trong học tập nên đi học đã 3 năm, Thông vẫn là học sinh lớp 1. Ban đầu, Thông còn không biết viết nét thẳng, nét xiên, học được một chữ thì quên mấy chữ. Cô giáo nhận xét năm nay Thông đã có nhiều tiến bộ, nếu vẫn giữ đà này, sang năm anh sẽ được lên lớp 2.
Ở lớp học ban đêm còn có những hoàn cảnh éo le khác. Nguyễn Thị Ngọc Nhung, 27 tuổi, đang là học sinh lớp 2, ban ngày đi bán vé số, buổi tối về đi học. Gặp vấn đề sức khỏe tâm thần nhưng Nhung rất chịu khó. Chỉ ngày nào đi bán vé số mệt quá, hoặc bị bệnh không thể đến lớp, Nhung mới nhờ dì gọi điện cho cô xin nghỉ học.
Hay Tất Chí Dũng, 10 tuổi, đang học ở lớp xóa mù chữ. Hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, mẹ bán vé số nuôi 4 người con ăn học, tối nào tan học, các bạn về hết, Dũng vẫn ngồi thơ thẩn trong sân trường chờ mẹ đi làm về rước. "Bạn siêng học lắm. Cô giáo hướng dẫn kiến thức gì, Dũng cũng chú tâm, tiếp thu tốt, cho bài tập về nhà làm không thiếu bài nào", cô giáo nói.
ÁNH SÁNG TRONG ĐÊM
Cô Huỳnh Mẫn Bình, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Hồng Đức, cho biết các cô giáo dạy lớp phổ cập, xóa mù chữ đều tận tâm vì học trò. Có cô giáo nhà ở rất xa trường, hay đang chăm con nhỏ, con mới mười mấy tháng tuổi, nhưng vẫn tận tụy, 21 giờ xong xuôi hết công việc mới từ trường trở về nhà.
"Điều khiến các cô thấy ấm lòng nhất là học sinh dù hoàn cảnh khó khăn thế nào cũng chịu khó học và lễ phép. Như Nguyễn Thị Ngọc Nhi, bị câm điếc bẩm sinh, nhưng học rất chăm chỉ ở lớp xóa mù. Hay chị em sinh đôi Thúy Nhu - Thúy Nhã, những ngày đến lớp sớm, các em cùng chơi đá bóng, đánh cầu. Tôi thấy hình ảnh ấy thật đẹp. Bất cứ em nhỏ nào nếu được quan tâm, được chăm sóc, các em sẽ đều phát huy năng khiếu, trở thành người có ích cho xã hội", cô Bình nói.
Cô Nguyễn Thị Yến Duy, giáo viên phụ trách chung lớp phổ cập, xóa mù chữ 6 năm nay tại Trường tiểu học Hồng Đức, tâm sự có những câu chuyện vui tiếp thêm động lực cho các cô giáo ở lớp học đêm. Như một ngày, cô tình cờ gặp lại học trò cũ Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, học xong tiểu học năm 15 tuổi, em đi học nghề may và hiện là công nhân ở một xí nghiệp may. Ánh sáng ở lớp học đêm đã đổi thay nhiều cho cuộc đời các học trò khó khăn, như Hạnh.
Ngày chúng tôi đến trường, khi lớp sắp tan, bỗng có hai "vị khách" vào nghe cô giáo Tôn Thị Ngọc Huyền (dạy lớp 2 - 3 - 4) giảng bài. Đó là chồng và con gái mới 3 tuổi của cô giáo. Thương vợ đi dạy về đường xa, đêm tối một mình, anh chồng cũng là một giáo viên tiểu học, hầu như hôm nào cũng bồng con tới lớp, đón vợ cùng về.
Có những ánh sáng nhỏ bé nhưng lấp lánh, cùng nhau làm nên những điều thật đẹp đẽ trong cuộc sống này…