Nhiều học sinh thèm bữa cơm gia đình: Không gian chia sẻ bị đánh mất

09:49 - 10/12/2024

Thiếu vắng dần những bữa cơm gia đình vì cha mẹ lao vào vòng xoáy cơm áo gạo tiền, con lao vào cơn lốc học chính, học thêm, càng ngày những không gian chia sẻ ấm áp, thân tình giữa các thành viên trong gia đình dần mất đi.

CƠM GIA ĐÌNH… ĐỂ NGƯỜI KHÁC LO

"Ăn để sống chứ ai sống để ăn", anh V.H, ngụ H.Bình Chánh, TP.HCM, gạt đi như vậy khi nhiều người ngạc nhiên bấy lâu nay nhà anh mạnh ai nấy ăn, các thành viên không tập trung ăn cùng nhau bữa cơm vào buổi tối. Anh V.H cho biết: "Cả hai vợ chồng đều bận, đi làm từ sáng tới tối muộn mới về, con đi học cả ngày ở trường, tối về lại chở đi học thêm hết chỗ này tới chỗ khác; nếu để cả nhà tập trung hết ở nhà lúc 20 giờ rồi mới bắt đầu lấy rau củ, thịt cá ra mà nấu nướng thì cũng đến đêm mới được ăn cơm. Nhà tôi cũng mỗi người mỗi khẩu vị, nhiều món tôi thích, vợ lại không muốn ăn". Lựa chọn của nhà anh là ai về trước ăn trước, tự lo phần ăn của mình, cuối tuần được nghỉ thì cùng nhau ra quán ăn, hoặc đặt đồ ăn trên mạng, như vậy cho tiện.

Nhiều học sinh thèm bữa cơm gia đình: Không gian chia sẻ bị đánh mất

Bữa ăn gia đình ấm áp khi các thành viên cùng tham gia nấu nướng, dọn dẹp

ẢNH: THÚY HẰNG

Hai tháng trước, trong lần phỏng vấn một nữ shipper ngoài 50 tuổi, là mẹ đơn thân ở Q.Bình Tân, TP.HCM, tôi hỏi chị: "Chị đi làm cả ngày thế này, cơm nước cho con gái ở nhà như thế nào?". Chị đáp, bản thân chị ăn đại, lúc bánh mì, khi thì hộp xôi. Còn đồ ăn cho con (học lớp 7, không học bán trú ở trường) đã có mấy cái ứng dụng giao hàng trên điện thoại và shipper lo. Ăn sáng cũng shipper giao tới, ăn trưa và tối cũng là shipper. Có hôm 9, 10 giờ đêm chị mới đi làm về, con gái đã ngủ. "Mình làm đầu tắt mặt tối, lo tiền thuê nhà, tiền học, trăm thứ tiền, đâu nghĩ tới việc nấu nướng, ăn cùng với con được. Con cũng phải hiểu cho mình thôi", chị thở dài.

Thầy Đỗ Đình Đảo, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, Q.4, TP.HCM, cũng thừa nhận có thực tế này sau nhiều lần trò chuyện, trao đổi với phụ huynh học sinh (HS). Ông Đảo cho biết nhiều HS tâm sự ba mẹ bận bịu đi làm, ăn ở chỗ làm luôn, còn lại HS được cha mẹ cho tiền và có sẵn điện thoại nên thích ăn gì cứ tự đặt, shipper giao tới tận cửa.

ĐỪNG CÔNG NGHIỆP HÓA BỮA CƠM GIA ĐÌNH

"Không phải là những bữa ăn thịnh soạn, hảo hạng đâu, nhưng cơm nhà nấu hay mua ở ngoài về cũng được, ba mẹ ngồi xuống ăn cùng với con, sẽ có ý nghĩa riêng của nó. Bữa cơm ở nhà là lúc lý tưởng để kết nối các thành viên, để HS cùng cha mẹ, ông bà cùng ngồi lại, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn trong ngày; con kể cho ba mẹ những gì khiến con đang lo lắng, băn khoăn. Nhưng vì những áp lực của cuộc sống, áp lực mưu sinh của cha mẹ, nhiều gia đình vô tình đánh mất đi sợi dây kết nối này", thầy Đảo chia sẻ.

Thầy Đảo từng trao đổi với các phụ huynh vào dịp đầu năm học rằng cuộc sống muôn hình vạn trạng, ai cũng vất vả mưu sinh, nhưng rất mong cha mẹ có thể quan tâm nhiều hơn tới cuộc sống tinh thần của các con. Có thể 5 ngày trong tuần bận bịu, nhưng phụ huynh cố gắng sắp xếp 1 - 2 buổi có thể ngồi lại cả nhà, cùng ăn với nhau bữa cơm. Cha mẹ nào cũng đi làm cả ngày mệt mỏi cả, nhưng mỗi người ráng một chút, làm sao để cha mẹ trò chuyện nhiều hơn với con để các con bớt cô đơn, chênh vênh. Ở lứa tuổi học đường, các con có nhiều nỗi hoang mang lắm.

"Cha mẹ nấu nướng, con cái phụ giúp, từ đây con học được những kỹ năng sống, kỹ năng tự phục vụ, biết phụ ba lắp cái bóng đèn, sửa được chiếc vòi nước bị hư... Những điều tưởng chừng nhỏ bé nhưng lại rất có ích khi sau này các con trưởng thành, sống cuộc đời riêng của con. Cuộc sống hiện đại tới đâu, chúng ta cũng đừng công nghiệp hóa bữa cơm gia đình", thầy Đảo nói với các phụ huynh.

NHỮNG BỮA CƠM KHÔNG ĐIỆN THOẠI DI ĐỘNG

Ở cương vị là một người mẹ và người làm giáo dục, cô Phạm Thúy Hà, Hiệu trưởng Trường tiểu học Đặng Trần Côn, Q.4, TP.HCM, cho hay bản thân rất xót xa khi đâu đó trên đường thấy nhiều HS THCS, THPT vừa ngồi sau lưng xe máy của phụ huynh, vừa ăn vội ổ bánh mì buổi sáng, ăn vội hộp cơm chiều để chạy đua vào các trung tâm ôn luyện, chuẩn bị cho các kỳ thi. Nhiều HS cuối cấp không thể ăn cơm tối cùng cả nhà vì lo học thêm. Các em ăn tạm gì đó để đi học, rồi trở về nhà có khi đã 21 - 22 giờ.

Nhiều học sinh thèm bữa cơm gia đình: Không gian chia sẻ bị đánh mất

Cha mẹ nấu nướng, con cái phụ giúp, từ đây con học được những kỹ năng sống, kỹ năng tự phục vụ...

ẢNH: THÚY HẰNG

Theo cô Hà, dẫu biết cuộc sống bận rộn, ai cũng nhiều lo toan, nhưng để con được phát triển toàn diện cả thể chất và tinh thần, các thành viên trong gia đình đều cần cố gắng thêm một chút. Ví dụ nếu cả nhà không thể cùng ngồi ăn cơm mỗi tối, thì có thể tranh thủ buổi sáng, ba hoặc mẹ ráng thức dậy sớm hơn, tranh thủ nấu đồ ăn sáng, động viên con ăn. Cả nhà có thể vừa ăn sáng, vừa kịp trò chuyện với con trong khoảng thời gian đầu ngày. Hoặc khi sắp xếp được, ba hoặc mẹ có thể tranh thủ chuẩn bị cơm tối từ lúc sáng sớm, để buổi chiều đi làm về có thể nấu cơm chiều nhanh hơn, để kịp cho con ăn trước ca học buổi tối.

"Bữa cơm được ăn cùng nhau rất quan trọng. Khi ăn cơm, phụ huynh được gần con hơn, lắng nghe con nói, quan sát xem con đang buồn hay vui để hiểu tâm tư con. Đặc biệt, con cái cần những khoảng thời gian chất lượng cùng với cha mẹ. Phụ huynh nên làm gương, đừng cầm điện thoại, lướt điện thoại khi ăn cơm để con cái cùng làm theo. Hãy bỏ điện thoại xuống, tập trung cho bữa cơm hiện tại, chú tâm vào câu chuyện con chia sẻ, giãi bày, để các con thấy rằng cha mẹ coi trọng khoảng thời gian được ở bên con", cô Hà chia sẻ.

Nên mở rộng nghĩa "bữa cơm gia đình"

Theo chuyên gia Trần Thị Quế Chi, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học giáo dục và đào tạo (IES), bữa cơm gia đình là đặc biệt quan trọng và phải được coi trọng. Trong bữa cơm, các thành viên quây quần, chia sẻ những câu chuyện trong ngày, từ công việc, học tập đến các vấn đề cá nhân. Bữa cơm gia đình là lúc trẻ em có thể cảm thấy được lắng nghe và quan tâm khi cha mẹ đặt câu hỏi hoặc chia sẻ những suy nghĩ của mình.

Đồng thời, theo bà Quế Chi, trong bữa cơm, trẻ em và cả cha mẹ có cơ hội giải tỏa những áp lực trong ngày.

Bà Quế Chi cho rằng trong bối cảnh xã hội phát triển mạnh mẽ, công nghệ bùng nổ như hiện nay, việc không duy trì bữa cơm gia đình do cha mẹ và con cái quá bận rộn có thể dẫn đến thiếu kết nối, thiếu giao tiếp ngoài đời sống thật, làm gia tăng mâu thuẫn và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tâm lý của các thành viên. Dần mất đi những bữa cơm gia đình là mất đi không gian chia sẻ trong ngôi nhà, sẽ dẫn tới các hậu quả như thiếu giao tiếp và hiểu lầm; tăng áp lực và mâu thuẫn giữa các thành viên.

"Thế giới đang đổi thay nhanh chóng, song bữa cơm gia đình - khoảnh khắc gia đình ngồi lại cùng nhau nên được duy trì. Bởi khi có gì đó tiêu cực xảy ra, nhóm người dễ bị tổn thương, dễ bị tác động nhất là trẻ em. Các em chưa có đủ bản lĩnh, chưa đủ trải nghiệm, chưa đủ sự phát triển thân - tâm - trí trước sức ép của xã hội. Các em chỉ có thể nương tựa vào gia đình. Như vậy, nếu gia đình mà còn không thể để các em nương náu, không an toàn để cho em chia sẻ, giãi bày thì các em còn có thể chia sẻ cùng ai?", bà Quế Chi nêu câu hỏi.

Đồng thời, theo bà Quế Chi, "bữa cơm gia đình" không chỉ nên được hiểu là tất cả mọi người trong gia đình cùng nhau ăn cơm trong các bữa chính. Nó nên được hiểu nghĩa mở rộng hơn, là mọi thành viên quây quần ngồi lại cùng nhau, ăn một món ăn nhẹ, cùng uống nước, trò chuyện với nhau. Đó có thể chỉ là một bữa sáng để sau đó mọi người đi làm, hoặc buổi tối muộn, khi cả nhà đã công việc xong xuôi, cùng ngồi lại ăn miếng bánh, trái cây, uống miếng trà để hàn huyên. Quan trọng là tạo ra không gian an toàn, vui vẻ, hạnh phúc cho trẻ em và các thành viên.

 
 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Thanh toán hóa đơn SCTV

lịch phát sóng trên truyền hình

Cuộc sống hôn nhân - SCTV9

Không gian lạ - SCTV9

 

Sui Gia Nan Giải - SCTV9

 

Wifi Internet SCTV: Tăng tốc gấp đôi – Giá không đổi

TRỌN GÓI INTERNET SIÊU TỐC - TRUYỀN HÌNH KỸ THUẬT SỐ ĐỈNH CAO TỪ SCTV

 

Tin tổng hợp

Liên kết trang

 

Truyen hinh cap va Mang Internet SCTV

 

sctvonline

Trang tin sống động từng giây scj-shopping
Trang tin chuyện nóng 24h

 

 

Nguồn: Minh Ngọc

Truyền hình - Điện ảnh

Scroll

Đang gửi...