Theo kết luận của Thanh tra Bộ GD-ĐT, Công ty TNHH Giáo dục IDP Việt Nam (IDP) đã cấp 56.230 chứng chỉ IELTS sai quy định trong năm 2022. Bởi, từ ngày 17.11.2022, Bộ GD-ĐT mới cho phép IDP liên kết tổ chức thi và cấp chứng chỉ, nhưng trước đó đơn vị này đã tổ chức 555 đợt thi tại hơn 30 tỉnh, thành Việt Nam. Theo quy định, các chứng chỉ bị cấp sai sẽ không có giá trị khi xét tốt nghiệp THPT hay xét tuyển ĐH.
Lo bị hủy kết quả
Thông tin trên khiến nhiều thí sinh bày tỏ lo ngại nếu các bên liên quan không có phương án xử lý phù hợp. Nguyễn Phúc Duy Khang, sinh viên năm nhất Trường ĐH RMIT (TP.HCM), không biết "đi đâu về đâu" nếu trường hoặc Bộ GD-ĐT cho rằng chứng chỉ IELTS của anh không có giá trị, từ đó hủy kết quả trúng tuyển và yêu cầu nam sinh phải thi lấy chứng chỉ mới.
"Vì trường yêu cầu đầu vào khá cao, ở mức IELTS 6.5, không kỹ năng nào dưới 6.0 nên nếu phải ôn tập và thi lại để được học tiếp, tôi có thể nghỉ học, ra đi làm luôn vì hiện tại không cần sử dụng chứng chỉ này nữa", Khang bộc bạch, cho biết thêm anh đã thi IELTS hồi tháng 4.2022 tại một trung tâm khảo thí của IDP ở Q.3, TP.HCM.
Phạm Xuân Thông, sinh viên năm nhất Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, thì IELTS hồi tháng 7.2022 để được miễn thi môn tiếng Anh tốt nghiệp THPT và dùng kết quả này xét tuyển vào các trường ĐH. Theo Thông, các bên cần đưa ra biện pháp hợp tình, hợp lý cho những thí sinh đã thi lấy chứng chỉ này để có thể dùng cho mục đích học tập hoặc làm việc, "vì lỗi hoàn toàn không thuộc về thí sinh".
"IDP cũng cần lên tiếng lý giải, trấn an để củng cố niềm tin cho các sĩ tử đã đăng ký thi IELTS tại đơn vị này để phục vụ cho các mục đích xét tuyển ĐH thời gian tới. Và chính thí sinh lớp 12 cũng cần cân nhắc kỹ lựa chọn về chứng chỉ, đơn vị tổ chức thi trong thời điểm này để tránh xảy ra điều đáng tiếc", Thông nhận xét.
Tương tự, Nguyễn Nhật Minh Thư, sinh viên năm nhất Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, cũng băn khoăn, không biết việc chứng chỉ IELTS của cô bị cấp sai quy định có ảnh hưởng gì đến giá trị của nó hay không. Dự thi hồi tháng 10.2022 và dù sau đó không dùng đến chứng chỉ này vì trường thay đổi phương thức xét tuyển, Thư cũng mong nhận được lời giải thích phù hợp để tiếp tục thi IELTS cho mục đích tốt nghiệp.
Mặt khác, M.P, cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), bày tỏ lo ngại trong trường hợp chứng chỉ IELTS của cô bị xem là vô giá trị, thì kết quả tốt nghiệp từ 2 năm trước có bị hủy? "Nếu trường hợp đó thực sự xảy ra, sẽ rất bất công khi sai phạm hành chính từ phía đơn vị tổ chức thi lại đẩy thí sinh trở thành người 'chịu tội', dù chính họ không hề hay biết gì", M.P nêu quan điểm.
Thí sinh nên lưu ý gì?
Bùi Long Đức, học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TP.HCM), chia sẻ nhiều bạn cùng lớp em không lo lắng trước tin hơn 56.000 chứng chỉ IELTS của IDP bị cấp sai quy định. Bởi, nếu muốn được miễn thi môn tiếng Anh tốt nghiệp THPT hoặc xét tuyển ĐH trong năm nay, học sinh thường thi vào cuối năm lớp 11 hoặc trong năm lớp 12, tức từ năm 2023 đến 2024, thay vì thi trước đó tận 2 năm, vào 2022.
"Việc lựa chọn thời điểm thi nêu trên giúp tụi em có thêm thời gian ôn luyện để đạt kết quả tốt nhất và tránh việc chứng chỉ hết hạn quá sớm, ảnh hưởng đến các kế hoạch học tập khác vì điểm thi IELTS chỉ có hiệu lực trong 2 năm. Song, một số bạn có thể thi từ 2022 để dự phòng và may mắn đạt được mốc điểm như ý nên cũng cần có hướng xử lý phù hợp, vì việc yêu cầu thi lại vào cận mùa thi này khá gay go", Đức cho hay.
Trong khi đó, thầy Đinh Quang Tùng, Giám đốc học thuật YSchool, khuyên thí sinh giữ bình tĩnh, tiếp tục theo dõi động thái tiếp theo từ các bên liên quan. "Tôi tin khó có khả năng trường ĐH hủy kết quả trúng tuyển hoặc tốt nghiệp của sinh viên rồi yêu cầu các bạn phải thi lại, vì điều này sẽ mất rất nhiều nhân lực, vật lực và thời gian", thầy Tùng nêu quan điểm.
Tuy nhiên, trong trường hợp xấu nhất, thí sinh có thể xem xét thi lại hoặc tìm các phương án thay thế. "Nếu trong quá trình học tập, làm việc vừa qua, các bạn có dùng tiếng Anh ở tần suất nhất định, dù không quá nhiều, và có ôn lại cấu trúc đề, thì việc đạt mức điểm cũ hay cao hơn hoàn toàn khả thi. Suy cho cùng, IELTS hay các bài thi khác đều đánh giá năng lực dùng ngoại ngữ chứ không phải kỹ năng thuộc lòng", thầy Tùng nói.
"Cũng cần nhìn nhận, vấn đề cấp sai quy định là câu chuyện giữa Bộ GD-ĐT Việt Nam và IDP, thế nên các thí sinh dùng điểm thi IELTS để nộp đơn xin học ở các trường nước ngoài và cơ quan xét duyệt thị thực sẽ không bị ảnh hưởng", thầy Tùng lưu ý thêm.
Thanh Niên đã liên hệ với đại diện IDP Việt Nam và sẽ sớm cập nhật thông tin mới nhất về hướng xử lý của IDP với những chứng chỉ IELTS bị cấp sai quy định.