Đề thi vào lớp 10 ở Hà Nội có gì cần lưu ý?

12:42 - 09/05/2024

Sở GD-ĐT Hà Nội mới đây đã công bố cấu trúc và đề minh họa 3 môn (toán, ngữ văn, ngoại ngữ) của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2024 - 2025. Điều này giúp các trường dễ hình dung và có căn cứ để ôn tập phù hợp hơn trong giai đoạn "nước rút".

Đây là năm cuối cùng thực hiện theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006. Đề thi môn toán và ngữ văn theo hình thức tự luận, thời gian làm bài 120 phút. Với môn tiếng Anh, học sinh (HS) làm bài thi trắc nghiệm trong 60 phút. So với đề thi các năm trước, đề minh họa có cấu trúc tương tự.

Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết việc công bố cấu trúc định dạng đề thi là điểm mới của kỳ thi vào lớp 10 năm nay nhằm định hướng tốt hơn cho HS trong quá trình ôn tập cũng như chủ động về tâm thế. Đây cũng là căn cứ để giáo viên (GV) hỗ trợ tốt nhất cho HS trong quá trình ôn tập từ nay tới kỳ thi.

HƯỚNG DẪN HS ôn thi hiệu quả

Cô Bùi Thị Xuân Quỳnh, GV ngữ văn Trường THCS Nguyễn Du (Q.Hoàn Kiếm), cho hay cấu trúc, ngữ liệu và nội dung hỏi trong đề thi minh họa tương đối quen thuộc, chủ yếu trong chương trình lớp 9, không thay đổi so với các năm trước, không hề đánh đố HS.

Đề thi vào lớp 10 ở Hà Nội có gì cần lưu ý?

Học sinh lớp 9 Trường THCS Nguyễn Trãi (Hà Nội) trong giờ học chuẩn bị cho kỳ thi lớp 10 sắp tới

QUỲNH GIANG

Cô Quỳnh cho rằng với cách ra đề môn văn như vậy, nếu có quá trình ôn luyện tốt, nắm vững kiến thức cơ bản, kỹ năng và phương pháp làm bài cẩn thận, HS sẽ không khó đạt được 7,5 đến 8 điểm. Để đạt mức điểm cao hơn HS phải có sự sáng tạo, bài làm có "chất văn" nhiều hơn, và đây chính là phần phân hóa cao của đề thi.

Nhiều GV dạy ngữ văn ở Hà Nội cũng hướng dẫn HS nên lập bảng thống kê để có thể so sánh nhanh, nhìn ra sự giống, khác nhau của các văn bản, tác phẩm và thuận lợi tra cứu khi cần; đặc biệt chú ý các thông tin liên quan tới tình huống truyện, tác giả, hoàn cảnh sáng tác… Rà soát toàn bộ kiến thức thuộc phần tiếng Việt (phép liên kết, cấu tạo câu, thành phần câu…), nên lấy những ví dụ đi kèm để làm rõ lý thuyết, thuận lợi trong việc ghi nhớ kiến thức.

Với môn toán, thầy Chu Văn Hòa, Hệ thống giáo dục Hocmai, cho rằng cấu trúc định dạng môn toán mang tính ổn định như các năm học trước với khoảng 75% câu hỏi ở mức nhận biết và thông hiểu (9 ý hỏi); và 25% câu hỏi ở mức vận dụng và vận dụng cao (3 ý hỏi). Ba ý phân loại trong đề ở mức khó hơn so với đề thi chính thức năm 2023 - 2024.

Thầy Hòa khuyên HS: "Trong thời điểm hiện tại các em cần chú trọng hai điều sau khi ôn luyện: rèn luyện khả năng trình bày, và đảm bảo không bị mất điểm các câu hỏi ở mức độ nhận biết, thông hiểu. Tránh các lỗi sai (thiếu điều kiện, tính toán sai, vẽ sai hình...). Với các câu hỏi ở mức độ vận dụng, vận dụng cao, các em nên tìm kiếm các dạng câu hỏi lạ xuất hiện trong các kỳ thi thử của các trường, các sở để làm, để tránh bỡ ngỡ khi gặp dạng bài độc và lạ này trong đề thi chính thức".

Một GV dạy tiếng Anh của trường THCS ở Q.Hai Bà Trưng cho rằng cấu trúc đề thi tiếng Anh theo đề minh họa không xuất hiện dạng câu hỏi lạ, đánh đố HS. Khoảng 70% câu hỏi ở mức độ nhận biết, thông hiểu và 30% phần còn lại là các câu hỏi vận dụng và vận dụng cao.

Ngày 15.5 công bố 'tỷ lệ chọi'

Chậm nhất vào ngày 15.5, số lượng HS đăng ký nguyện vọng dự tuyển vào lớp 10 của từng trường THPT công lập sẽ được công bố công khai. Căn cứ thông tin này, HS có thể biết "tỷ lệ chọi", từ đó chủ động phương án dự phòng nếu tỷ lệ này của trường mình đăng ký năm nay tăng đột biến.

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội sẽ diễn ra trong hai ngày 8 - 9.6 với khoảng 133.000 HS dự thi. Với chỉ tiêu hơn 60% số HS vào trường công lập, kỳ thi dự báo có tính cạnh tranh rất cao.

NHỮNG 'TIẾT 0' TRONG GIAI ĐOẠN NƯỚC RÚT

Căn cứ tình hình thực tế, thời điểm này, các trường học đều tổ chức các tiết tăng cường, bổ trợ cho HS chưa chăm, HS có học lực từ trung bình trở xuống và những giờ học này được gọi là "tiết 0", học tập theo tinh thần tự nguyện, không thu kinh phí của HS.

6 giờ 40 thứ ba và thứ năm hằng tuần, nhiều HS khối lớp 9 Trường THCS Trưng Vương (Q.Hoàn Kiếm) lại có mặt tại trường để ôn tập môn ngữ văn chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 sắp tới. Lớp học được hiệu trưởng nhà trường là cô Nguyễn Thị Thu Hà, trực tiếp đứng lớp. Tiết học kéo dài khoảng 40 - 45 phút, trước khi hiệu lệnh trống báo hiệu HS toàn trường bước vào tiết 1.

Còn "tiết 0" của Trường THCS Trưng Nhị (Q.Hai Bà Trưng) thì được tổ chức vào cuối giờ chiều hằng ngày với thời lượng 3 buổi/tuần, tập trung cho 3 môn thi. Bà Nguyễn Thị Bích Nga, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết do lịch học của HS lớp 9 khá dày nên các tiết bổ trợ được bố trí linh hoạt và không thu tiền.

 

 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC