Đối diện với áp lực ngày càng tăng với guồng quay cuộc sống trong xã hội hiện đại, đôi khi không ít người bỏ quên ý niệm về “gia đình”.
Đấy là tư duy ngày càng phổ biến, phần nào đó bị xô đẩy, giằng xé, chia sẻ bởi những thứ mà con người hiện đại cho là quan trọng, bức thiết hơn: Làm sao để thăng tiến trong công việc, thêm nhu nhập, được sếp tin tưởng hơn; sở hữu chiếc xe đắt tiền, ngôi nhà lớn hơn; sau giờ làm không ít đấng mày râu thích la cà quán sá bia bọt hơn về nhà giúp vợ nhặt rau rửa bát,…
Một bộ phận không ít đàn ông - thường hay được đo lường qua số vụ bạo hành gia đình mỗi năm - thường có tâm lý xem nhẹ người bạn đời của mình, coi đó như một dạng tài sản vật chất đã thuộc sở hữu, buộc phải nghe theo, làm theo; sẵn sàng sử dụng bạo lực để giải tỏa bức xúc!
Một góc nào đó trong tâm lý người Việt Nam rất lạ, “kính nể” người ngoài và hay xuề xòa dễ dãi với người trong gia đình. Kính cấp trên hơn kính ông bà cha mẹ; coi những hy sinh của vợ/chồng là một nhẽ đương nhiên; sợ miệng lưỡi thiên hạ hơn những lời nghịch nhĩ, góp ý của người trong nhà.
Đâu đó trong đời sống hàng ngày vẫn còn tình trạng con cái bất kính ông bà cha mẹ, anh em không hòa mục, vợ chồng lôi nhau lên mạng xã hội vạch áo cho người xem lưng, rồi những đứa trẻ bị bỏ rơi khi vừa mới lọt lòng, lang thang cơ nhỡ,… gánh nặng nan giải cho xã hội.
Gia đình là “tế bào” của xã hội, mệnh đề này luôn đúng trong mọi thời đại, mọi hoàn cảnh. Một đất nước vững mạnh, thịnh vượng đều xuất phát từ hạnh phúc, êm ấm trong từng gia đình. Chính vì thế, giữ gìn hạnh phúc, vun đắp yêu thương bây giờ là trách nhiệm mang tính chiến lược vĩ mô.
Những con số từ Tổng cục Thống kê công bố rất đáng lo ngại, năm 2023 cả nước ghi nhận 32.060 vụ ly hôn, tăng mạnh so với con số 22.762 vụ của năm 2020; Tính theo vùng, Đồng bằng sông Cửu Long có 10.733 vụ. Xét theo từng địa phương, TP.HCM là thành phố có số vụ ly hôn nhiều nhất.
Ly hôn là điểm tận cùng của một gia đình, nhưng là khởi đầu mọi biến cố với những đứa trẻ chưa kịp trưởng thành. Tiến sĩ Phạm Thị Thúy - giảng viên Học viện Hành chính quốc gia phân viện TPHCM, chuyên viên tham vấn tâm lý tại Nhà Văn hóa Phụ nữ TPHCM - cho rằng: có 2 yếu tố quan trọng tác động đến tỉ lệ ly hôn là văn hóa - xã hội và kinh tế.
Tư duy cá nhân, tư duy cộng đồng từ gia đình đến xã hội của người Việt chịu ảnh hưởng khá sâu sắc của văn hóa Á Đông, trực tiếp là Nho giáo. Trong đó có cả mặt tích cực lẫn tiêu cực. Dĩ nhiên những nguy cơ, thực trạng kể trên đối với gia đình hiện nay có nguồn gốc từ đó.
Nho giáo đề cao người đàn ông hơn phụ nữ, được xem là “đấng quân tử”, “đấng mày râu”, có thể “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Hiện nay nỗ lực bình đẳng giới ở nước ta đạt được nhiều tiến bộ, nhưng khoảng cách về vai trò của phụ nữ với đàn ông trong gia đình khó khỏa lấp.
Thiên kiến xã hội mặc định xuất phát điểm của nam giới cao hơn phụ nữ, nhờ có những lợi thế nhất định về “giới”, sức khỏe, tâm sinh lý, từ đó họ có điều kiện để phát triển bản thân, tạo ra nhiều của cải hơn, điều này gây ra bất bình đẳng trong nội bộ gia đình.
Ngược lại, những trào lưu kêu gọi “giải phóng phụ nữ”, bình đẳng giới nhiều khi bị hiểu và thực hành sai. Không ít người thích sống phóng khoáng, phá cách, thời thượng, hướng ngoại nhiều hơn, coi thường gia đạo, dè bỉu các chuẩn mực “công dung ngôn hạnh”, “tam tòng tứ đức”. Báo cáo mới đây của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho thấy, thực tế là nam giới bị bạo hành gia đình có xu hướng ngày càng tăng!
Không ngẫu nhiên những vấn đề nghiêm trọng nhất với gia đình xảy ra nhiều nhất ở trung tâm kinh tế lớn nhất nước. Nơi có quá nhiều cơ hội để thay đổi và cũng đi kèm với rất nhiều áp lực để tồn tại - khi đó gia đình là nơi đầu tiên gánh chịu mọi hậu quả.
Môi trường lao động công nghiệp cường độ cao có thể làm “xơ hóa” cảm xúc con người, chúng ta còn rất ít thời gian để gần gũi chăm sóc ông bà, cha mẹ; hâm nóng tình cảm vợ chồng, gần gũi với con cái. Đặc biệt các thành phố lớn là nơi đầu tiên hứng chịu các cuộc khủng hoảng kinh tế, khi không đủ sức duy trì mọi chi phí sinh hoạt, không ít cặp vợ chồng chọn cách “đường ai nấy đi”.
Khi các giá trị xưa cũ không được gạn lọc đúng cách, hệ giá trị mới đã du nhập từ khi đất nước mở cửa, đổi mới. Một vài biểu hiện như lối sống vị kỷ, vội vã, lấy vật chất làm thước đo thành công; người với người tương tác trực tiếp, lười kết hôn, ngại sinh con, nhà chỉ là nơi để về - theo đúng nghĩa đen. Tất cả những nguy cơ này đều gây áp lực lên vệnh mệnh gia đình Việt Nam.
Với một vùng có tỷ lệ di cư mạnh như Đồng bằng sông Cửu Long khiến mối liên kết gia đình rạn vỡ, các thành viên hiếm có cơ hội sum vầy! Tiền nhân đúc kết như một quy luật nhân sinh “đường không đi mọc đầy cỏ dại, người không qua lại lâu thành người dưng”.
Không chỉ ở Việt Nam, đời sống gia đình tại nhiều quốc gia trên thế giới đã thay đổi theo tốc độ phát triển kinh tế - xã hội. Tại Mỹ, Nhật Bản và châu Âu, trẻ em và người già giành hầu hết thời gian trong trường học và viện dưỡng lão. Nước ta cũng đang có xu hướng như vậy.
Gia đình là “tế bào” của xã hội, mệnh đề này luôn đúng trong mọi thời đại, mọi hoàn cảnh. Một đất nước vững mạnh, thịnh vượng đều xuất phát từ hạnh phúc, êm ấm trong từng gia đình. Chính vì thế, giữ gìn hạnh phúc, vun đắp yêu thương bây giờ là trách nhiệm mang tính chiến lược vĩ mô.
Tiêu chí ứng xử của vợ, chồng: Chung thủy, nghĩa tình.
- Vợ chồng cùng nhau xây dựng hôn nhân bền vững, không vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng.
- Yêu thương, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ công việc trong gia đình, cùng có trách nhiệm nuôi dạy con, làm việc nhà, đóng góp tài chính gia đình.
- Tạo điều kiện giúp đỡ nhau lựa chọn nghề nghiệp, học tập, nâng cao trình độ, tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.
- Lắng nghe, cùng nhau thảo luận, thống nhất và quyết định những vấn đề chung của gia đình; hòa nhã với nhau.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn
Đang gửi...