Trên thực tế, ngay cả khu vực thành thị, không phải trường học nào cũng quan tâm đến việc giáo dục giới tính (GDGT), sức khỏe sinh sản cho học sinh (HS).
Cách đây ít tuần, vụ việc nữ HS 12 tuổi ở Hà Nội hay trước đó một HS 13 tuổi ở Bắc Giang mang thai và sinh con ngoài ý muốn một lần nữa khiến dư luận đặt câu hỏi về trách nhiệm của nhà trường trong việc GDGT cho HS.
Tại các kỳ họp Quốc hội, nội dung GDGT trong trường học không ít lần được đại biểu nhắc đến với sự "sốt ruột". Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung (Hải Dương) cho rằng những hệ lụy đáng tiếc, đau lòng của quan hệ tình dục vị thành niên khiến chúng ta phải đặt câu hỏi liệu GDGT cho trẻ vị thành niên đã được quan tâm hay chưa? Đại biểu này chỉ ra rằng nội dung trong chương trình đã có nhưng vẫn còn mỏng, kiến thức vẫn còn dừng ở lý thuyết. Giáo viên còn lúng túng trong việc triển khai dạy. Bên cạnh đó, việc chia nhỏ và đưa nội dung GDGT lồng ghép vào các môn học khác nhau khiến người học không thể tổng hợp những điều mang tính khái quát vào hành vi cụ thể.
Bà Dung đề nghị Bộ GD-ĐT cân nhắc, xem xét đưa nội dung GDGT, sức khỏe sinh sản thành một môn học độc lập có chương trình riêng, giáo trình riêng, nội dung được thiết kế phù hợp theo sự phát triển của từng lứa tuổi ở mỗi bậc học. Cùng với giáo trình chuẩn được biên tập trên cơ sở khoa học, người đứng lớp phải là chuyên gia có kinh nghiệm, sẵn sàng tư vấn, giải thích có hiệu quả, rõ ràng những thắc mắc của HS... Như vậy, GDGT mới đạt hiệu quả cao nhất.
Năm 2023, trong kiến nghị gửi Bộ GD-ĐT, cử tri tỉnh Bắc Ninh cũng bày tỏ lo ngại về việc GDGT trong các trường phổ thông hiện nay bắt đầu khá trễ và không liên tục, trong khi thực trạng những vụ việc xâm hại tình dục trẻ em vẫn diễn ra. Cử tri đề nghị ngành giáo dục sớm đưa GDGT thành nội dung bắt buộc ở tất cả cấp học, không chỉ trong hoạt động giáo dục ngoại khóa, mà còn lồng ghép nội dung GDGT trong các môn học, để nội dung GDGT có hệ thống từ các lớp nhỏ như mầm non, tiểu học.
CHƯA CÓ ĐỘI NGŨ GIÁO VIÊN ĐƯỢC TẬP HUẤN CHUẨN
Trong văn bản trả lời, Bộ GD-ĐT vẫn tiếp tục khẳng định nội dung và yêu cầu cơ bản cần đạt về nội dung GDGT luôn được đặt ra và hướng dẫn cụ thể. Theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, nội dung GDGT được đưa vào chương trình môn tự nhiên và xã hội từ lớp 1, 2, 3 và chương trình môn khoa học lớp 4, 5. Các nội dung liên quan GDGT như phòng tránh xâm hại… cũng được đưa vào nội dung của một số môn học khác như đạo đức, hoạt động trải nghiệm từ lớp 1. Như vậy, theo Bộ GD-ĐT, nội dung về GDGT trong chương trình các môn học chính thức, bắt buộc ở bậc tiểu học. Các nội dung đưa vào bảo đảm phù hợp với phát triển tâm lý lứa tuổi của HS…
Rõ ràng, về mặt nguyên lý, vấn đề này đã có trong nhà trường, nhưng tại sao HS vẫn chưa nhận thức đầy đủ? Nhiều chuyên gia cho rằng vấn đề nằm ở cách truyền tải, giáo dục. Muốn đạt được hiệu quả cao, giáo viên cần truyền tải những kiến thức này sao cho thực tế hơn, "đời" hơn. Chứ không phải là những hậu quả mang thai, phá thai ngoài ý muốn, khi sự đã rồi…
PGS Trần Thành Nam (Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng chúng ta cũng chưa có đội ngũ giáo viên được tập huấn chuẩn về kiến thức và năng lực để triển khai GDGT, tình dục trong nhà trường. Do đó, phần lớn các nội dung giáo dục cũng chỉ mang tính chất nói cho qua chứ không phải nói cho ra vấn đề.
Theo ông Nam, ngày nay trẻ dậy thì sớm hơn. Khi bước vào tuổi dậy thì, các em sẽ có áp lực phải thể hiện sự trưởng thành của mình. Trong đó, tham gia vào các hoạt động tình dục chính là một cách thể hiện. Trái lại, cha mẹ luôn nghĩ con mình còn bé. Nhiều phụ huynh nói với con về vấn đề này quá muộn. Điều đó dẫn đến tình trạng trẻ không được trang bị đầy đủ kỹ năng, dễ gặp "tai nạn" mang bầu khi tham gia những hành vi tình dục thiếu an toàn.
Chuyên gia này cho biết hiện tại các chất liệu tình dục đang xuất hiện "nhan nhản" trên internet và mạng xã hội. Việc tiếp xúc quá nhiều với chất liệu tình dục không phù hợp từ sớm sẽ kích thích sự tò mò, thay đổi quan niệm về tình yêu và quan hệ tình dục; đồng thời, làm thúc đẩy hành vi tình dục không an toàn.
CẦN GẮN LIỀN VỚI XU THẾ CHUYỂN ĐỔI SỐ
Tiến sĩ Giang Thiên Vũ, giảng viên Khoa Tâm lý Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng HS ở thời đại này là công dân toàn cầu, công dân số... nên các hoạt động học tập, vui chơi, giải trí, khám phá của các em có mối liên hệ chặt chẽ với không gian mạng và công nghệ. Tuy nhiên, công tác GDGT hiện tại có thể nói là khá cũ khi so sánh với sự phát triển mạnh mẽ của thông tin và các vấn đề, chính sách về giới ở các quốc gia. Chính vì vậy, GDGT cần được gắn liền với xu thế chuyển đổi số, trường học hạnh phúc, thông minh.
Tiến sĩ Vũ phân tích: Khoảng 5, 10 năm về trước, nội dung "tình dục an toàn" có thể là hiệu quả và thức thời, phù hợp với tâm lý HS THPT; nhưng ở thời điểm này, nó đã quá cũ. HS THPT hiện nay có nhiều sự quan tâm dành cho các hình thức "tình dục trực tuyến" hoặc "các mối quan hệ trên không gian mạng"... hoặc thậm chí là các em đã dậy thì từ bậc tiểu học... thì các nội dung về giới tính mà bấy lâu chúng ta giáo dục trong nhà trường lại trở nên "quá cũ" và "quá thấp" so với nhận thức của các em. Chính vì vậy, công tác này cần sự đầu tư về nội dung và phải được dựa trên bằng chứng nghiên cứu, thực hành liên ngành tâm lý học, giáo dục học, xã hội học...
Ngoài ra, theo tiến sĩ Vũ, công tác tư vấn tâm lý học đường cần được quan tâm như một chìa khóa nòng cốt giúp thúc đẩy các hoạt động phòng ngừa và can thiệp để nâng cao nhận thức và hỗ trợ cho các HS có nhu cầu. Các nội dung giáo dục trong và ngoài trường học cần đầu tư nhiều hơn việc tương tác với các chuyên gia, đội ngũ nhân viên y tế, tâm lý, công tác xã hội... để giúp HS có cái nhìn thoáng hơn, hiện đại hơn và toàn cầu hơn về giới tính...
Tăng cường khả năng tự bảo vệ của HS
Trao đổi với PV Thanh Niên, bác sĩ Nguyễn Quang Huy, phụ trách Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Tâm thần T.Ư 2, khẳng định việc GDGT trong trường học để tăng cường khả năng tự bảo vệ của các em là đặc biệt cần thiết.
"Việc GDGT trong trường học cần phải làm từ sớm, tùy mỗi độ tuổi trẻ em thì sẽ cung cấp, trang bị cho các em các kiến thức, kỹ năng phù hợp với độ tuổi. Chúng ta đừng ngại nói về các câu chuyện về giới tính, tình dục, nhiều người ngại ngùng, khi nói tới các câu chuyện này thường úp mở, không dám nói thẳng, trực diện, dẫn tới việc GDGT ở nhiều nơi chưa thật sự hiệu quả, vẫn có tình trạng trẻ thiếu hiểu biết, thiếu kiến thức thực tế, nạo phá thai ở vị thành niên…", bác sĩ Nguyễn Quang Huy nói.
Hiện nay nhiều trường học liên kết với các đơn vị, công ty về kỹ năng sống để mời các thầy cô về trường thực hiện các hoạt động GDGT. Chị Nguyễn Thị Song Trà, Trưởng ban tổ chức S Project - dự án GDGT cho trẻ em, cho biết các nhà trường cần có sự thẩm định chương trình, quản lý các chương trình cũng như giáo viên đưa vào trường để GDGT cho các HS.
Thúy Hằng