Ngày 24.6, Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Lắk thông tin về kết quả kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2024 - 2025 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, toàn tỉnh có 53 trường THPT công lập. Trong đó, 12 trường (9 trường THPT, 1 trường chuyên, 2 trường THPT Dân tộc nội trú) tổ chức thi tuyển, còn lại 41 trường xét tuyển theo học bạ. Đây là kỳ thi tuyển THPT đầu tiên sau 10 năm liên tục tỉnh thực hiện bằng hình thức xét tuyển. Kỳ thi đã có 7.700 thí sinh dự thi với 3 môn toán, ngữ văn và ngoại ngữ. Trong đó, toán và ngữ văn hệ số 2, ngoại ngữ hệ số 1. Riêng học sinh (HS) đăng ký dự tuyển vào Trường THPT chuyên Nguyễn Du thi thêm các môn chuyên.
Kết quả điểm chuẩn của các trường rất thấp. Cụ thể, có 2 trường, THPT Buôn Ma Thuột, THPT Lê Quý Đôn, có điểm chuẩn đầu vào 15,75 điểm (bình quân 3,15 điểm/môn). Các trường còn lại, điểm đầu vào rất thấp chỉ từ 5 - 6 (bình quân 1 điểm/môn).
Trong nhiều năm qua, điểm chuẩn thi vào lớp 10 của một số trường miền núi thấp, thậm chí có trường chỉ cần HS đạt 0,58 điểm/môn thi là trúng tuyển. Theo lãnh đạo của một số sở GD-ĐT, mức điểm chuẩn thấp không phải do đề thi khó, cũng không phải chất lượng giáo dục của tỉnh đi xuống. Những trường THPT lấy điểm thấp chủ yếu là ở các huyện miền núi, có ít thí sinh trong khi chỉ tiêu tuyển sinh nhiều. Do đó, các trường phải hạ điểm chuẩn để tuyển đủ chỉ tiêu đầu vào; thậm chí hạ điểm chuẩn tối đa vẫn tuyển không đủ chỉ tiêu.
CHÊNH LỆCH ĐIỂM CHUẨN GIỮA CÁC TRƯỜNG RẤT LỚN
Một số địa phương có sự chênh lệch điểm chuẩn giữa các trường rất lớn. Chẳng hạn, ở Bình Thuận, Trường THPT Phan Chu Trinh có điểm chuẩn cao nhất 29,25 điểm. Còn Trường THPT Ngô Quyền chỉ lấy điểm chuẩn 7,75 điểm, HS chỉ cần đạt hơn 1,5 điểm/môn là trúng tuyển.
Còn tại Hòa Bình, theo kết quả công bố của Sở GD-ĐT, Trường THPT Công Nghiệp (TP.Hòa Bình) có điểm chuẩn là 28,5 điểm; tiếp đến là Trường THPT Lạc Thủy (H.Lạc Thủy) 26,25 điểm… Nhưng một số trường lấy điểm chuẩn thấp như: Trường THPT Mai Châu B (H.Mai Châu) 10 điểm (2 điểm/môn thi); Trường THPT Phú Cường (TP.Hòa Bình) 10,75 điểm; Trường THPT Bắc Sơn (H.Kim Bôi) 11,5 điểm...
Tại Cần Thơ, điểm chuẩn lớp 10 giữa trường lấy cao nhất và trường lấy thấp nhất chênh lệch tới 29,4 điểm. Điểm chuẩn trúng tuyển cao nhất là Trường THPT Thực hành Sư phạm - ĐH Cần Thơ với 38,9 điểm. Hai trường có điểm chuẩn thấp nhất là Trường THPT Giai Xuân, Trường THCS và THPT Thới Thạnh với 9,5 điểm (dưới 2 điểm/môn)…
XÉT TUYỂN KÉO DÀI ẢNH HƯỞNG ĐẾN GIÁO DỤC THPT ?
Về nguyên nhân có nhiều điểm liệt (1 điểm trở xuống), lãnh đạo Sở GD-ĐT Đắk Lắk lý giải, vào tháng 3 vừa qua, UBND tỉnh mới công bố phương án thi đầu vào lớp 10 là quá muộn, dù đơn vị đã tham mưu từ đầu năm. Việc này dẫn tới HS, nhà trường có ít thời gian chuẩn bị cho kỳ thi. Đây là kỳ thi mới được tổ chức thi lại, sau 10 năm liên tục thực hiện xét tuyển, dẫn tới HS thiếu kỹ năng trong việc thi do chưa trải qua một kỳ thi nào trong suốt 9 năm học. Quá trình học ở cấp THCS, các em mới chỉ thực hiện kiểm tra thường xuyên, định kỳ nên tâm lý chủ quan và kỹ năng thi cử chưa tốt.
Đắk Lắk thực hiện phương thức xét tuyển THPT bằng học bạ kéo dài trong nhiều năm. Phương thức này gọn nhẹ, giảm tốn kém, căng thẳng cho HS và xã hội; tuy nhiên nếu áp dụng kéo dài sẽ nảy sinh tiêu cực trong dạy học khiến chất lượng HS sẽ giảm sút. Bằng chứng là kết quả xếp hạng trung bình điểm thi tốt nghiệp THPT của Đắk Lắk luôn thấp nhất trong các tỉnh Tây nguyên và trong top thấp nhất của cả nước. Trong đó, năm 2020 Đắk Lắk không xếp hạng vì có một bộ phận khá lớn thí sinh phải thi lần 2 do dịch Covid-19.
Tương tự, sau 11 năm thực hiện hình thức xét tuyển, tỉnh Quảng Nam đã quyết định tổ chức thi tuyển để tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm học 2024 - 2025 nhằm hạn chế những tiêu cực, đảm bảo sự khách quan, công bằng trong việc đánh giá, xếp loại HS. Do thực hiện xét tuyển vào lớp 10 kéo dài nên kết quả thi tốt nghiệp THPT của tỉnh Quảng Nam trong mấy năm qua cũng thấp. Năm 2021, thứ hạng trung bình 9 môn thi THPT của Quảng Nam đạt 53/63 tỉnh thành, năm 2022 là 37/63 và năm 2023 là 47/63, thuộc nhóm 20 địa phương thấp của cả nước.
GIẢM ÁP LỰC THI LỚP 10 NHƯNG PHẢI ĐẢM BẢO CHẤT LƯỢNG
Theo mục tiêu của Chương trình GDPT 2018, ở cấp THCS phải đạt được kiến thức phổ thông nền tảng, đảm bảo phân luồng mạnh sau THCS, THPT tiếp cận nghề nghiệp và đảm bảo sau phổ thông có chất lượng. Vì vậy, nhiều địa phương hiện nay bỏ xét tuyển và chuyển sang thi tuyển hoặc vừa thi, vừa xét vào lớp 10. Chỉ một ít địa phương thực hiện xét tuyển.
Từ năm học 2025 - 2026, tuyển sinh THPT hoàn toàn theo Chương trình GDPT 2018. Số môn học và tên môn học ở cấp THCS có thay đổi so với Chương trình giáo dục 2006. Vì vậy cần thiết phải thay đổi quy chế tuyển sinh THPT.
Trước hết, về quy chế tuyển sinh, cần khẳng định có 3 phương thức theo thứ tự: (1) thi tuyển; (2) kết hợp thi tuyển và xét tuyển; (3) xét tuyển. Trong đó, phương thức xét tuyển không nên áp dụng trên phạm vi toàn tỉnh 2 năm liên tục.
Kế đến, môn thi là các môn học trong Chương trình GDPT 2018. Đối với phương thức thi tuyển 3 môn, toán và ngữ văn là hai môn thi bắt buộc, có thể lựa chọn trong các môn sau: ngoại ngữ, khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý nhằm giúp phân hóa HS theo định hướng nghề nghiệp.
Hằng năm, khi có kết quả thi THPT, các sở GD-ĐT thực hiện đối sánh điểm thi từng môn hoặc trung bình điểm thi các môn giữa các phòng GD-ĐT, và các trường THCS trên phạm vi toàn tỉnh, thành phố, nhưng không lấy xếp hạng này để xét thi đua.
Các sở GD-ĐT cần xem xét kết quả đối sánh kỳ thi THPT do Bộ GD-ĐT đưa ra hằng năm. Đây là những chỉ báo tốt giúp địa phương biết được vị trí, chất lượng giáo dục thực chất của mình. Từ đó đưa ra các giải pháp cải tiến chất lượng phù hợp, trong đó có phương thức thi tuyển sinh THPT.
Phân luồng mạnh HỌC SINH sau THCS
Để giảm áp lực thi lớp 10, bài toán bền vững nhất là phân luồng mạnh HS sau THCS. Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 5.1.2024 của Bộ Chính trị về công tác phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ cho người lớn và đẩy mạnh phân luồng HS trong GDPT nêu rõ: Giáo dục hướng nghiệp và phân luồng HS sau THCS được quan tâm hơn, tạo điều kiện cho HS tốt nghiệp trung học lựa chọn hướng đi phù hợp, tiếp cận nghề nghiệp và học tập suốt đời.
Theo đó, chiến lược giáo dục đến năm 2030 phấn đấu tỷ lệ HS sau THCS, THPT đi học nghề đạt 50 - 55%. Điều này đòi hỏi việc phân luồng không chỉ đối với HS THCS xếp loại đạt và chưa đạt mà cả HS đạt loại khá và tốt. Những HS có thiên hướng về kỹ thuật, công nghệ có thể tham gia học tập trường CĐ nghề hệ 9+, sau 3 năm có thể thi lấy bằng trung cấp và bằng THPT, sau đó có thể học liên thông lên CĐ và ĐH. Hoặc học ở trường phổ thông - CĐ đang mở ra ở nhiều tỉnh, thành phố. Tham gia học nghề sớm hoặc vừa học nghề vừa học văn hóa là một xu hướng của một số nước có nền giáo dục tiên tiến như Mỹ, Đức… để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.