Nói về nội dung này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn từng trăn trở ngành giáo dục nắm tất cả mọi thứ, trừ hai thứ là GV và tài chính. Việc tuyển dụng nhà giáo, lúc nào ngành giáo dục cũng chỉ có vai trò kiến nghị, đề xuất. Do vậy, bao nhiêu năm qua, chỗ thiếu thì vẫn cứ thiếu mà chỗ thừa thì vẫn cứ thừa.
Hiệu trưởng một trường phổ thông công lập cũng trong tâm trạng tương tự. Ở trường, họ phải chịu trách nhiệm về chất lượng học tập của từng học sinh nhưng lại không có quyền tuyển dụng bất cứ một GV nào. Ví dụ, nếu thiếu GV dạy môn tiếng Anh, trường chỉ có quyền đề xuất phòng GD-ĐT, rồi phòng đề xuất UBND cấp huyện xem xét bổ sung biên chế hoặc hợp đồng GV cho môn học này. Nhân sự, các ứng viên như nào, hiệu trưởng cũng không được quyền trực tiếp chọn cho phù hợp.
Nhưng, tuyển được đúng bộ môn như vị hiệu trưởng trên còn may mắn. Ở trường khác, còn "khổ" hơn, thiếu GV dạy môn này nhưng lại tuyển môn khác đã đủ hoặc thừa GV. Lý do vì sao thì hiệu trưởng cũng không thể biết tường tận!
Nhà giáo là một nghề đặc thù, dạy các em học sinh nhân cách và trí tuệ. Nếu cứ đánh đồng như tuyển viên chức nói chung thì rất không phù hợp. Chẳng hạn, việc làm bài thi về kiến thức chung không gắn với yêu cầu hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo, vốn rất khác biệt so với ngành nghề khác…
Quy trình tuyển dụng viên chức nói chung và nhà giáo nói riêng lâu nay vẫn có dư luận về sự thiếu minh bạch, khách quan. Song, ở đâu, ngành nào cũng vậy, khó tránh tiêu cực nếu không kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Vì vậy, dự thảo luật Nhà giáo đề xuất giao quyền tuyển dụng nhà giáo cho ngành giáo dục nhận được nhiều sự đồng tình.
PGS Đặng Thị Thanh Huyền, Ban điều hành Mạng lưới quản lý giáo dục EdulightenUp, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý giáo dục (Học viện Quản lý giáo dục), cho rằng đề xuất này thiết thực, phù hợp thực tế. "Nếu đề xuất này được thông qua, ngành giáo dục có thể thêm một phần vất vả, nhưng mục tiêu cuối cùng vẫn là đem lại lợi ích cho người học, phụ huynh và nhân dân. Tất cả vì sự phát triển chung của xã hội trong bối cảnh mới", bà Huyền khẳng định.
Tất nhiên, khi đã được trao quyền thì cũng phải gắn với trách nhiệm rất lớn. Đã tự chủ, được quyền quyết định về tài chính, bổ nhiệm nhân sự GV rồi thì hy vọng ngành giáo dục sẽ không còn điệp khúc "chúng tôi nắm tất cả mọi thứ, trừ hai thứ…" như hiện nay.