Thầy D., giáo viên dạy môn GDCD lớp 12 ở TP.HCM, cho biết, cuối học kỳ 1 năm học này thầy phải vào hàng nghìn con điểm trong học bạ giấy.
Theo quy định, mỗi học kỳ, môn GDCD lớp 12 có 2 cột điểm kiểm tra thường xuyên; 1 cột điểm kiểm tra giữa kỳ và 1 cột điểm kiểm tra cuối kỳ.
Thầy D. dạy 15 lớp 12, một lớp trung bình có 40 học sinh. Như vậy, trung bình học kỳ 1 thầy D. phải ghi 2.400 lần cho 4 cột điểm; cả năm ghi khoảng 5.000 cột điểm (kể cả sửa chữa).
Làm giáo viên chủ nhiệm, thầy D. phải ghi thêm các thông tin được quy định trong học bạ như: họ và tên học sinh; lớp; ban; ngoại ngữ (môn); điểm trung bình các môn theo học kỳ; học lực; hạnh kiểm; điểm kiểm tra lại (nếu có); được lên lớp hay ở lại; thông tin về chứng chỉ nghề; nhận xét cuối năm.
Cùng với đó, thầy D. phải ghi rõ, điểm học bạ của học sinh được giáo viên bộ môn sửa bao nhiêu lỗi (nếu không có thì ghi "không"), thuộc môn nào và ký tên xác nhận. Ngoài ra, sổ học bạ có 2 chỗ dành cho hiệu trưởng ký xác nhận điểm số có sửa chữa hay không và duyệt của hiệu trưởng theo từng năm học.
Thầy D. chia sẻ, công việc ghi học bạ cuối kỳ, cuối năm khiến thầy rất áp lực, mệt mỏi. Thầy D. cũng không thể nhờ học sinh vào điểm giúp vì quy định không cho phép. Phải vô hàng nghìn con điểm trong học bạ nên nhiều lúc không thầy D. cũng không tránh khỏi những sai sót.
Giáo viên này sửa chữa điểm số bằng mực đỏ kèm ghi chú và ký xác nhận khiến học bạ vừa bẩn, xấu vừa thiếu độ tin cậy. Thầy D. còn cho biết, giáo viên nào ghi sai sót nhiều thì sẽ bị trừ điểm thi đua về nghiệp vụ, bị hiệu trưởng phê bình trong cuộc họp hội đồng sư phạm.
Ngoài ra, sau khi học bạ được chốt (hoàn tất) thì giáo viên chủ nhiệm các lớp tiến hành kiểm tra chéo lẫn nhau, xem các thông tin có liên quan đến học sinh và điểm số có đúng với bản chính hay không. Có giáo viên phải thay cả quyển học bạ vì vô điểm sai sót quá nhiều, không thể sửa chữa.
Việc vô điểm học bạ, kiểm tra chéo học bạ và sửa chữa sai sót khiến thầy D. mất khá nhiều thời gian. Không riêng gì môn GDCD của thầy D., giáo viên dạy các môn nhiều tiết như toán, ngữ văn, ngoại ngữ… cũng phải vô hàng trăm con điểm sau mỗi học kỳ theo kiểu thủ công.
Tiện ích của học bạ điện tử
Vào thời điểm đầu tháng 10.2023, đại diện Bộ GD-ĐT cho hay, Bộ đã có thông tư khuyến khích các nhà trường phổ thông sử dụng học bạ điện tử, sổ điểm điện tử. Nhiều trường học, địa phương cũng đã bắt tay triển khai, thậm chí có những nơi đã triển khai trong phạm vi toàn tỉnh.
Theo Bộ GD-ĐT, học bạ điện tử là một dạng điện tử của học bạ, có chữ ký xác thực của người và tổ chức có thẩm quyền, có giá trị pháp lý và có thể sử dụng như học bạ giấy và sử dụng trên môi trường số.
Có thể nhận thấy, việc dùng học bạ điện tử giúp tránh tối đa việc gian lận, sửa chữa điểm số, kết quả của học sinh. Ví dụ, cuối mỗi học kỳ, hệ thống học bạ điện tử được quản trị viên nhà trường mở trong thời gian nhất định để giáo viên nhập điểm, nhận xét. Khi hệ thống khóa, nếu có sai sót, giáo viên phải thông qua hiệu trưởng, hiệu phó chuyên môn, trình bày lý do, được lãnh đạo xác nhận thì mới được vào hệ thống để sửa lại.
Với học bạ điện tử, nếu học sinh cần để chuyển trường hay xét tuyển vào các trường đại học thì bộ phận học vụ sẽ xuất sang file PDF và in ra. Giáo viên cũng nhàn hơn trong việc hoàn tất hồ sơ sổ sách cuối kỳ, cuối năm học.
Cùng với đó, theo Quyết định 1429 của Bộ GD-ĐT, giáo viên hoàn toàn có thể sử dụng chữ ký số để "ký số văn bản điện tử phục vụ gửi, nhận qua hệ thống quản lý hành chính điện tử (e-office) và các hệ thống thông tin chuyên ngành khác theo quy định của Bộ (GD-ĐT)".
Khi giáo viên sử dụng học bạ điện tử và chữ ký số thì việc truy cập và quản lý tất cả tài liệu liên quan đến học sinh trở nên nhanh chóng và đơn giản hơn, giảm thiểu sự mệt mỏi so với vô điểm, ký tên theo kiểu thủ công. Thời gian tiết kiệm vừa giúp giáo viên loại bỏ những công việc đơn điệu vừa tạo ra cơ hội để thầy cô tập trung vào việc giảng dạy và giáo dục học sinh.
Học bạ điện tử mang lại lợi ích xã hội rất lớn cho nhà trường, giáo viên và học sinh. Tuy nhiên, việc triển khai học bạ điện tử gặp rất nhiều khó khăn, không đồng nhất giữa các địa phương. Đó là lý do hiện nay nhiều trường phổ thông vẫn sử dụng học bạ giấy khiến giáo viên mệt mỏi với hồ sơ sổ sách.
Giáo viên rất mong Bộ GD-ĐT triển khai học bạ, sổ điểm điện tử trên quy mô toàn quốc từ năm học tới (2024-2025), giúp giảm thủ tục hành chính, giảm áp lực cho thầy cô và nhân viên, lãnh đạo trường học.