CÓ THỂ TĂNG THÊM BAO NHIÊU ?
Theo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81/2021 quy định về cơ chế thu, quản lý học phí (HP) đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm HP, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục (Nghị định 97), HP các trường ĐH công lập bắt đầu tăng từ năm học 2023 - 2024.
Theo đó, các trường ĐH công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên (chưa tự chủ), mức trần HP từ 1,2 triệu đồng đến 2,45 triệu đồng/tháng (tương đương 12 - 24,5 triệu đồng/năm học 10 tháng). Có nghĩa là so với năm học trước đó, HP năm học này tăng thêm 2,2 - 10,2 triệu đồng tùy khối ngành.
Với trường ĐH công lập tự đảm bảo chi thường xuyên, HP tối đa 24 - 49 triệu đồng/năm (10 tháng). HP các trường ĐH công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư tối đa
30 - 61,25 triệu đồng/năm. Như vậy, HP tại các trường tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư cũng tăng thêm 9,5 - 10,75 triệu đồng so với năm học 2022 - 2023.
Nghị định được ban hành trong thời điểm các trường ĐH đã hoàn tất thu HP học kỳ 1, đã hoặc đang thu HP học kỳ 2 của năm học. Việc tạm thu của các trường trước đó căn cứ trên mức thu của năm học trước hoặc theo chủ trương của Bộ GD-ĐT ở thời điểm đầu năm học. Do vậy, số tiền đã thu của người học hầu hết bằng hoặc thấp hơn mức trần tối đa trong Nghị định 97.
Với trường đã tạm thu bằng mức năm học 2022 - 2023, HP được thu thêm có thể trong khoảng trên 2 - 10 triệu đồng tùy mức độ tự chủ và khối ngành đào tạo.
KHÔNG THU THÊM DÙ THIẾU HƠN CHỤC TRIỆU ĐỒNG
Ngay sau khi Nghị định 97 được Chính phủ ban hành, nhiều trường ĐH đưa ra phương án không điều chỉnh HP đã thu của người học cho năm học 2023 - 2024. Đáng chú ý, trong số đó có những trường, HP đã thu thấp hơn nhiều so với mức trần tối đa quy định nhà nước cho phép.
PGS-TS Nguyễn Xuân Hoàn, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Công thương TP.HCM, cho biết năm học 2023 - 2024 trường đã thu HP ở mức trung bình trên 23,7 triệu đồng/năm (tương đương 785.000 đồng/tín chỉ). Mức đã thu hiện thấp hơn nhiều so với trần tối đa được phép áp dụng cho trường tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư trong Nghị định 97. Cụ thể, theo khối ngành V (toán, thống kê, máy tính, công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật, kỹ thuật, sản xuất và chế biến, kiến trúc và xây dựng, nông lâm nghiệp và thủy sản, thú y), trường có thể thu HP ở mức trên 36,2 triệu đồng. Nếu điều chỉnh bằng mức tối đa được phép, số tiền người học còn thiếu trên 12,5 triệu đồng.
"Tuy nhiên, trường quyết định không thu thêm của người học. Bởi lẽ ngay thời điểm trước tuyển sinh, trường đã công bố mức HP nên sẽ thực hiện đúng cam kết và giữ ổn định HP trong suốt khóa học", ông Hoàn cho biết.
Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng cho biết không điều chỉnh HP của năm học 2023 - 2024. Theo tiến sĩ Đinh Đức Anh Vũ, Phó hiệu trưởng phụ trách nhà trường, HP chương trình đào tạo do trường cấp bằng hiện khoảng 48 triệu đồng/năm và mức thu này đã được giữ ổn định trong suốt 5 năm qua. Nhưng trường quyết định không thu thêm của người học dù mức thu này hiện thấp hơn nhiều so với định mức kinh tế kỹ thuật trường đã trình và được ĐH Quốc gia TP.HCM phê duyệt cách đây 2 năm.
Định hướng năm tới, tiến sĩ Anh Vũ cho hay: "Từ kỳ tuyển sinh năm 2024, trường sẽ điều chỉnh tăng HP để đảm bảo các hoạt động của trường. Tuy nhiên, trường sẽ không áp dụng ngay theo định mức kinh tế kỹ thuật được phê duyệt mà tăng theo lộ trình của Nghị định 97 áp dụng cho nhóm các trường tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư, tức dưới 10%/năm".
Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM cũng có quan điểm tương tự. PGS-TS Nguyễn Anh Tuấn, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết từ tháng 8.2023 trường đã thông báo giữ ổn định HP bằng mức của 3 năm trước đó. Vì đảm bảo công bằng xã hội và quyền tiếp cận ĐH cho con em các khu vực khó khăn, đến thời điểm này trường vẫn quyết định không điều chỉnh mức HP đã công bố.
HP ĐÃ THU ĐÚNG VỚI QUY ĐỊNH
Trong khi đó, một số trường ĐH hiện đã thu HP bằng đúng với mức cho phép của Nghị định 97. Cơ sở để các trường thực hiện mức thu này là thông báo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT về việc thực hiện các khoản thu trong lĩnh vực giáo dục đào tạo năm học 2023 - 2024, được ban hành đầu tháng 10.2023. Trong đó, liên quan tới HP của cơ sở giáo dục ĐH công lập, là lùi lộ trình HP 1 năm so với quy định tại Nghị định 81.
Theo tiến sĩ Phan Hồng Hải, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, năm học 2023 - 2024 trường đã thực hiện theo chủ trương Văn bản số 5459 của Bộ GD-ĐT, theo hướng lùi lộ trình HP 1 năm so với Nghị định 81. Vì vậy, mức HP trường đã thu bằng hoặc thấp hơn quy định Nghị định 97. Cụ thể, mức thu bình quân của trường với khối ngành kỹ thuật là 32 triệu
đồng/năm, khối ngành kinh tế là 30 triệu đồng/năm. So với Nghị định 97 thì HP của trường đang thấp hơn ở khối ngành kỹ thuật (khối ngành này có mức trần tối đa 36 triệu đồng/năm).
"Tuy nhiên, trường không thu thêm trong năm học này. Năm tới, trường dự kiến điều chỉnh HP nhưng cân nhắc không tăng mạnh. Với chủ trương duy trì mức học phí vừa phải, trường mong muốn tạo điều kiện cho người học, đặc biệt các sinh viên giỏi", tiến sĩ Hồng Hải nói.
Tiến sĩ Quách Thanh Hải, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cũng cho biết tháng 9.2023 trường đã ban hành thông báo thu HP cho năm học này.Theo đó, với sinh viên khóa 2023, trường áp dụng mức thu từ 13 - 16,25 triệu đồng/học kỳ (tương đương 773.000 - 944.000 đồng/tín chỉ). HP theo năm học từ 26 - 32,5 triệu đồng/sinh viên tùy khối ngành. Mức thu trên thấp hơn so với mức cho phép của Nghị định 97 nên trường không cần điều chỉnh.