Bà Lâm Hồng Lãm Thúy, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết TP.HCM là một trong những đô thị đông dân nhất cả nước với tỷ lệ người khuyết tật học tập và sinh sống cao hơn so với các khu vực khác. Số lượng trẻ học hòa nhập tại các trường tiểu học hiện là 5.071 em, phân bố trên 467 cơ sở giáo dục. Trong đó, trẻ tự kỷ ở độ tuổi đi học là 224 em.
NHU CẦU LỚN, LƯƠNG CAO NHƯNG ÁP LỰC
Ông Hoàng Hà, Giám đốc Trung tâm tư vấn và hỗ trợ hòa nhập Hanamiki, cho biết thời gian qua nhu cầu tìm "shadow teacher" hỗ trợ cho trẻ hòa nhập rất lớn. Tuy nhiên, số GV đáp ứng các tiêu chí tuyển dụng cho vị trí công việc này và sẵn sàng với công việc thì không nhiều.
Theo ông Hoàng Hà, các "shadow teacher" cần tốt nghiệp chuyên ngành tâm lý học, hoặc giáo dục đặc biệt, công tác xã hội, hoặc các cử nhân sư phạm tiểu học nhưng có học các khóa nghiệp vụ về giáo dục hòa nhập, đồng thời có kinh nghiệm trong hỗ trợ 1-1 cho trẻ em hòa nhập. Trong nhiều trường học, cần biết tiếng Anh để có thể giao tiếp với các đồng nghiệp, cán bộ quản lý trường học quốc tế - nếu HS đang theo học tại các trường này.
Dù theo ông Hoàng Hà mức chi trả cho mỗi "shadow teacher"/HS toàn thời gian có thể lên đến 15 triệu đồng/tháng, song rất khó tuyển. Nhiều GV tâm sự công việc ngày nào cũng lặp lại, xoay quanh một HS, áp lực từ nhiều bên, rất căng thẳng và họ không phát huy được nhiều sở trường chuyên môn của bản thân đã được đào tạo.
Ông Hà cho biết phụ huynh cũng rất đa dạng. Có những phụ huynh đã thấu hiểu, đồng hành cùng con và phối hợp hiệu quả với các "shadow teacher". Một số khác thì nghĩ rằng mình đang bỏ tiền thuê người để làm thay hết công việc vốn của GV tiểu học, nhân viên bảo mẫu của trường; họ cũng giấu thông tin thăm khám, đánh giá của con…
Có phụ huynh thì luôn suy nghĩ tiêu cực rằng các GV và "shadow teacher" sẽ "bắt nạt" con mình. Phụ huynh không tin tưởng bất kỳ ai và đôi khi hành xử thiếu tôn trọng với "shadow teacher" mỗi lần có sự cố xảy ra với trẻ.
Mọi trẻ em đều có cơ hội tiếp cận giáo dục bình đẳng
Chia sẻ với PV Thanh Niên, bà Lâm Hồng Lãm Thúy, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết mọi trẻ em đều có cơ hội tiếp cận được giáo dục bình đẳng và được hỗ trợ để phát triển tối đa khả năng cá nhân trong môi trường giáo dục thân thiện và công bằng.
Thời gian qua, Sở GD-ĐT TP.HCM thực hiện nhiều giải pháp như xây dựng và chỉ đạo thực hiện các chính sách nâng cao nhận thức và hiểu biết của cộng đồng về tự kỷ; xây dựng các khóa tập huấn chuyên đề nhằm đào tạo GV với mục tiêu cung cấp các kỹ thuật và phương pháp tốt nhất trong làm việc với trẻ tự kỷ…
Sở GD-ĐT đã ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục, đặc biệt là việc ban hành điều lệ cho nhà trường, bao gồm cả quy định liên quan đến đánh giá học sinh hòa nhập…