1. Chuyển đổi số - nền tảng cơ bản đổi mới giáo dục
Năm 2023 đánh dấu những bước chuyển mạnh mẽ của ngành giáo dục TP.HCM trong chuyển đổi số giáo dục. Thành phố áp dụng bản đồ GIS để thực hiện công tác tuyển sinh đầu cấp. Đây là một đổi mới quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyển sinh, công bằng, minh bạch, đảm bảo hiệu quả việc bố trí học sinh học ở các trường gần nhà, thuận tiện cho phụ huynh đưa đón.
TP.HCM cũng triển khai phương án dạy học trực tiếp kết hợp với trực tuyến cho các học sinh tại những nơi có điều kiện khó khăn, khắc phục tình trạng thiếu giáo viên giảng dạy các bộ môn tin học, ngoại ngữ, âm nhạc, mỹ thuật theo mô hình lớp học số; đưa vào sử dụng hệ sinh thái giáo dục thông minh, thư viện thông minh, phòng thí nghiệm thực hành hiện đại.
2. Nâng cao thể lực, tầm vóc giúp trẻ mầm non phát triển toàn diện
Sở GD-ĐT đã triển khai sự kiện "Năng lượng mới - cả ngày vui" góp phần nâng cao tầm vóc Việt cho trẻ ngay từ giai đoạn đầu đời. Sự kiện đã có sức lan tỏa sâu rộng: 100% các cơ sở giáo dục mầm non tổ chức cho trẻ tham gia từ cấp cơ sở đến quận, huyện. Việc đổi mới các hoạt động giáo dục hướng đến phát triển thể chất để trẻ có thể lực tốt, năng lượng tích cực, là mục tiêu khi xây dựng chương trình giáo dục mầm non mới hướng đến rèn luyện thể chất góp phần nâng cao tầm vóc, thể lực trẻ một cách toàn diện.
3. Đổi mới dạy học trong triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018
Sở GD-ĐT chỉ đạo các đơn vị thực hiện một cách nghiêm túc, chú trọng thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học. Giáo dục tiểu học đã chủ động đổi mới phương pháp dạy học lịch sử thông qua các hoạt động phong phú, đa dạng giúp học sinh tiếp thu kiến thức một cách nhẹ nhàng, vui tươi.
4. Học sinh THCS được hỗ trợ miễn học phí
TP.HCM là một trong các địa phương đi đầu trong việc thực hiện chính sách an sinh xã hội nhằm chia sẻ khó khăn, giảm bớt gánh nặng tài chính đối với phụ huynh học sinh, học sinh và người học trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn. Điều này góp phần khuyến khích và tạo điều kiện "đảm bảo không để một học sinh nào nghỉ bỏ học vì điều kiện kinh tế không có khả năng đóng học phí" tạo được đồng thuận cao trong xã hội.
Kinh phí thực hiện miễn học phí cho học sinh THCS là 1.114 tỉ đồng (công lập: 1.053 tỉ đồng, ngoài công lập: 61 tỉ đồng).
5. Thực hiện Trường học hạnh phúc
TP.HCM là một trong những đơn vị đầu tiên trên cả nước triển khai thực hiện bộ tiêu chí Trường học hạnh phúc tại 100% cơ sở giáo dục. Bộ tiêu chí xây dựng Trường học hạnh phúc với 18 tiêu chí được chia làm 3 nhóm tiêu chuẩn về: Con người; Dạy học và hoạt động giáo dục; Môi trường dựa trên nguyên lý trải nghiệm hạnh phúc của con người: kết nối với bản thân-kết nối với người khác-kết nối với thế giới tự nhiên.
6. Ngành giáo dục đồng hành cùng doanh nghiệp
Sở GD-ĐT lần đầu tiên tổ chức hội nghị đối thoại cùng doanh nghiệp tham gia lĩnh vực giáo dục đào tạo nhằm lắng nghe doanh nghiệp trình bày những vấn đề đang gặp khó khăn, đang còn thắc mắc cần giải đáp. Đây là một phần trong công tác cải cách hành chính năm 2023 của TP.HCM, gắn với chủ đề "Nâng cao chất lượng hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính và hoàn thiện môi trường đầu tư".
7. Xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh
100% cơ sở giáo dục đã xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh một cách trang trọng, khoa học, phù hợp với điều kiện thực tế cả về văn hóa vật thể, phi vật thể, trên không gian mạng, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quá trình thực hiện.
Toàn TP.HCM có hơn 1.418 mô hình, công trình vật thể trưng bày tại trường học. Các cơ sở giáo dục vận dụng không gian văn hóa Hồ Chí Minh làm không gian giảng dạy và học tập đối với những môn lịch sử, ngữ văn, giáo dục địa phương, giáo dục công dân; tổ chức hoạt động học tập, sinh hoạt, trải nghiệm về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho đoàn viên, thanh niên trong trường học. Hình thành không gian mở để mọi người cùng tìm hiểu thêm về Chủ tịch Hồ Chí Minh, qua đó đã góp phần giáo dục cho học sinh, sinh viên truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, bồi dưỡng nhân cách, lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, khát vọng cống hiến, làm người tử tế, có tri thức, góp phần quan trọng trong việc hình thành các phẩm chất yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm.
8. Tuyển dụng viên chức, thu hút nhân tài
Sở GD-ĐT đã tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý nhằm tìm kiếm nguồn cán bộ quản lý chất lượng cho cơ sở giáo dục trong năm học 2023-2024; đồng thời triển khai tuyển dụng viên chức từ nguồn sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ theo quy định hiện hành. Qua đó, khuyến khích được sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc tham gia tuyển dụng với chế độ đãi ngộ, phụ cấp tăng thêm bằng 100% mức lương theo hệ số lương hiện hưởng.
9. Xã hội học tập
Với chủ đề của Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2023 "Xây dựng năng lực tự học trong kỷ nguyên số", sự kiện khai mạc do Sở GD-ĐT tổ chức vào tháng 10.2023 đã lan tỏa đến các cấp chính quyền, cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và cấp học, đẩy mạnh phong trào chuyển đổi số, nâng cao vai trò tự học của mỗi người dân thành phố, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức về ý nghĩa của việc học tập suốt đời.
Hồ sơ đăng ký TP.HCM trở thành thành viên Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đã được UNESCO Việt Nam thông qua và gửi đến UNESCO.
10. Thành lập Hội đồng hiệu trưởng các trường ĐH
Hội đồng hiệu trưởng các trường ĐH có chức năng giúp UBND TP.HCM triển khai thực hiện một số nội dung nhiệm vụ về việc nâng cao chất lượng giáo dục ĐH, cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao; trong đó, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học-kỹ thuật, cán bộ quản lý ngành, lĩnh vực theo định hướng phát triển của thành phố trở thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ, tài chính, ngân hàng, khoa học và giáo dục lớn cho cả nước và khu vực, từng bước tham gia thị trường lao động kỹ thuật cao trong khu vực ASEAN và quốc tế.