Hôm nay 20.8, Trường ĐH Y Hà Nội tổ chức trao bằng tốt nghiệp ĐH cho sinh viên các ngành học bác sĩ khóa 2018 - 2024.
Theo PGS Lê Đình Tùng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, đây là khóa học đặc biệt không chỉ bởi 6 năm học của các sinh viên bao phủ hoàn toàn thời gian cao điểm của đại dịch Covid-19.
"Các em nhập học mùa thu năm 2018 thì cuối năm 2019 đại dịch Covid-19 bùng nổ, kéo dài suốt quãng thời gian các em là sinh viên Y2, Y3, Y4. Thời gian này chúng ta phải thực hiện giãn cách xã hội nhiều đợt. Trong các đợt giãn cách đó, các bệnh viện không tiếp nhận sinh viên đến thực hành, trong khi đây là những năm quan trọng nhất đối với cuộc đời một sinh viên các ngành bác sĩ, là thời gian các em bắt đầu đi học lâm sàng ở bệnh viện để làm quen bệnh nhân và học kỹ năng", PGS Lê Đình Tùng nói.
Cũng theo PGS Lê Đình Tùng, Trường ĐH Y Hà Nội là một trong số ít trường ĐH trong cả nước không dừng lại một ngày nào trong quá trình đào tạo, kể cả thời gian dịch bệnh. Nhà trường đã chủ động tổ chức đào tạo thích ứng kịp thời với đại dịch như tổ chức giảng lý thuyết, phân tích ca bệnh lâm sàng, thi bằng hình thức trực tuyến. Tổ chức học thực hành cho sinh viên bằng cách chia theo từng nhóm nhỏ, giảng bù thực hành tay nghề cho sinh viên vào kỳ hè…
Với sự nỗ lực của các sinh viên và các thầy cô, 772/842 sinh viên đã tốt nghiệp các ngành bác sĩ "đúng ngày đúng giờ" (có 786 sinh viên học năm cuối).
Sinh viên y chỉ có hai mùa, là mùa học và mùa thi
Tại lễ tốt nghiệp, em Đào Thị Hương Giang, đại diện cho 772 tân bác sĩ Trường ĐH Y Hà Nội, cho biết để trở thành một bác sĩ, trong 6 năm sinh viên ngành y đã phải học rất nhiều kiến thức từ những bộ môn khác nhau, phải trải qua hàng trăm kỳ thi kiểm tra đánh giá năng lực với đủ mọi hình thức từ trắc nghiệm, tự luận, thực hành thí nghiệm, thực tập trên người bệnh tại các cơ sở thực tập cho tới những lần thi vấn đáp trực tiếp.
"Rất khó để tìm thấy khoảng trống trong thời khóa biểu của chúng em. Có khi học lý thuyết sáng chiều kéo dài, khi thực hành tại bệnh viện cả ngày, chiều về tranh thủ tắm rửa, ăn uống rồi lên trực đêm tại bệnh viện tới sáng hôm sau, sau đó lại tiếp tục các buổi học. Cuối tuần thường có những bài thi tại trung tâm khảo thí. Chúng em còn hay nói đùa với nhau rằng, ở trường y, sinh viên chỉ có hai mùa là mùa thi và mùa học", Hương Giang nói.
Hương Giang cũng cho biết, em và các bạn đều tự thấy tự hào về bản thân bởi đã mạnh mẽ và kiên cường vượt qua bao khó khăn suốt 6 năm học. Nhưng Hương Giang và các bạn đồng môn cũng xác định: "Quyết định theo ngành y chính là học cả đời, con đường sau tốt nghiệp ĐH chắc hẳn sẽ còn dốc và khó đi hơn nhiều".
Theo GS Nguyễn Hữu Tú, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, thầy cô Trường ĐH Y Hà Nội rất tự hào về sự nỗ lực của sinh viên các ngành bác sĩ trong 6 năm qua. Các em là sản phẩm đào tạo mang thương hiệu, chất lượng Trường ĐH Y Hà Nội.
"Chất lượng đào tạo đã là văn hóa của Trường ĐH Y Hà Nội, không tự tồn tại (nghĩa là phải nỗ lực mới có - PV), và sẽ không có giới hạn cuối cùng. Chúng ta không bằng lòng với hiện tại, quyết tâm tiếp tục đổi mới và vươn lên", GS Nguyễn Hữu Tú nhắn nhủ với các tân bác sĩ.
Khóa bác sĩ 2018 - 2024 còn là một khóa đặc biệt bởi các sinh viên trúng tuyển vào trường sau một kỳ thi tuyển sinh "đặc biệt", bởi đề thi kỳ thi quốc gia THPT khó đến nỗi nhờ đó mà Bộ GD-ĐT phát giác gian lận thi cử ở các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình (do các tỉnh này có nhiều thí sinh đạt điểm cao bất thường).
Vì đề thi quá khó mà điểm thi của thí sinh trên cả nước nhìn chung rất thấp, nên điểm chuẩn ngành y khoa của Trường ĐH Y Hà Nội thấp kỷ lục (24,75 điểm) nhưng vẫn là trường có điểm chuẩn y khoa cao nhất cả nước.
Trúng tuyển vào ngành y khoa Trường ĐH Y Hà Nội năm 2018 cũng có một thí sinh Sơn La có điểm thi gian lận. Thí sinh này đã nhập học Trường ĐH Y Hà Nội một thời gian, sau khi cơ quan điều tra có kết luận chính thức thì thí sinh này bị buộc thôi học.