Phụ huynh nhờ... phụ huynh tư vấn
Những phụ huynh tự tin con mình sẽ trúng tuyển vào một trường THPT công lập thì lo lắng không biết sẽ định hướng cho con chọn tổ hợp nào khi vào lớp 10.
Số khác bày tỏ lo âu trước nguy cơ con em mình bị rớt nguyện vọng vào trường THPT công lập và đang phân vân không biết phải chọn trường nghề nào phù hợp cho con.
Chẳng hạn, trên diễn đàn phụ huynh, một số tài khoản ẩn danh bày tỏ lo ngại con không đủ sức học ở bậc THPT. Một số tài khoản khác cho hay gia đình định hướng con theo học trường nghề (không đủ tài chính cho học trường THPT tư thục), nhờ các phụ huynh gợi ý trường nghề nào tốt.
Những bài đăng như thế này đều nhận được nhiều bình luận với lời khuyên cho con học trường nghề, GDTX hoặc trường THPT tư thục. Qua ghi nhận trên các diễn đàn, khá nhiều bình luận “tư vấn” chọn trường nghề.
Đây là một thực tế cho thấy phụ huynh lo lắng không biết phải làm gì khi con rớt nguyện vọng vào trường THPT công lập, nhưng trước đó không tự tin định hướng cho con vào trường nghề, vẫn mong con thử sức vào trường THPT công lập để sau này vào đại học (ĐH).
Không hối hận vì đã chọn trường nghề
Những năm gần đây, ngành giáo dục có nhiều nỗ lực để phân luồng học sinh sau khi hoàn thành lớp 9, nhưng không ít phụ huynh vẫn ưu tiên định hướng vào ĐH từ THPT và nghi ngại về trường nghề.
Tuy nhiên, trong thực tế có những trường hợp học sinh ngay từ đầu chủ động chọn học nghề thay vì vào THPT và nay vẫn tiếp tục học lên ĐH. Huỳnh Tấn Hưng, nhân viên kỹ thuật một công ty viễn thông tại TP.HCM, là một ví dụ. Hưng cho biết: “Em đã đậu vào Trường THPT Lý Thường Kiệt (H.Hóc Môn), nhưng sau đó em chọn hệ trung cấp Trường CĐ Lý Tự Trọng TP.HCM. Bởi vì từ lớp 8 em tự xác định bản thân yêu thích robot, kỹ thuật và muốn theo ngành cơ điện tử”.
Hiện Hưng học liên thông để lấy bằng cử nhân tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM và còn 1,5 năm nữa sẽ tốt nghiệp. Ban ngày, Hưng đi làm và được công ty tạo điều kiện cho về sớm hơn để học lớp liên thông ĐH vào buổi tối.
Lúc đầu, khi nghe Hưng chọn trường nghề, cha mẹ bày tỏ sự hoài nghi, không rõ tương lai việc làm của con trai sẽ như thế nào. “Tuy nhiên, dần dần cha mẹ yên tâm vì em khẳng định đã chọn đúng con đường mình yêu thích. Công ty mà em đang làm việc cũng chính là nơi em đến thực tập trong quá trình học CĐ nghề. 70% những người bạn học cùng khoa đều có việc làm đúng chuyên ngành sau khi tốt nghiệp”, Hưng chia sẻ.
Trong một thông điệp dành cho phụ huynh và học sinh lớp 9, Hưng nói: “Học 3 năm ở trường THPT rồi vào ĐH không phải là con đường thành công duy nhất. Sẽ còn có nhiều con đường khác mở ra như học nghề. Từ những ưu điểm của việc học nghề, bạn sẽ được trang bị kiến thức, tay nghề để gia nhập thị trường lao động. Em không hối hận vì đã chọn trường nghề”.
Cần hướng nghiệp đúng thời điểm
Hiện tại, học sinh trung cấp nghề sẽ được học những môn chuyên ngành (3 năm) song song với 4 môn văn hóa, định hướng mới rút ngắn còn 2,5 năm. Tốt nghiệp trung cấp nghề, học sinh phải học thêm 1-1,5 năm hệ CĐ rồi mới được liên thông lên ĐH (2,5 năm). Khi học liên thông, sinh viên có thể vừa học vừa làm vì hệ này chỉ học buổi tối.
“Nhìn chung, sau lớp 9, một học sinh bình thường học tại trường THPT công lập mất 3 năm và 4 năm ĐH, tức 7 năm cuộc đời. Học sinh chọn con đường học nghề muốn liên thông lên ĐH cũng mất thời gian tương tự, nhưng có lợi thế hơn là sau 3 năm trung cấp đã có một nghề trong tay, có thể đi làm ngay hoặc vừa đi làm, vừa học liên thông”, thạc sĩ Phạm Thị Thu Nga, Phó khoa Khoa học cơ bản Trường CĐ Lý Tự Trọng TP.HCM, cho biết.
Theo chính sách ưu đãi của nhà nước, học sinh học trung cấp nghề chỉ cần đóng tiền cơ sở vật chất, các môn văn hóa, còn học phí những môn chuyên ngành được hỗ trợ. Điều này góp phần giảm áp lực tài chính cho nhiều gia đình.
Thực tế cho thấy không phải học sinh nào cũng đủ năng lực để học tiếp bậc THPT để lên ĐH, do đó công tác hướng nghiệp ở bậc THCS cần phải được thực hiện mạnh mẽ và đúng thời điểm.
Một số giảng viên có làm công tác chủ nhiệm tại trường nghề nhận định việc hướng nghiệp tại trường THCS (theo định hướng phân luồng học sinh lớp 9) trên thực tế “vẫn chưa đủ”, cần phải được thực hiện càng sớm càng tốt, ngay từ năm lớp 8 rồi xuyên suốt lớp 9.
Các hoạt động hướng nghiệp cần được tăng cường, tổ chức thường xuyên hơn và phải có sự tham dự của phụ huynh để họ hiểu rõ và định hướng con đường phù hợp với năng lực của học sinh, tài chính của gia đình sau lớp 9. Bởi lẽ chỉ một vài buổi họp phụ huynh hay buổi hướng nghiệp toàn trường ở học kỳ 2 của lớp 9 như hiện nay là không đủ để giúp phụ huynh và học sinh lựa chọn giữa định hướng ĐH hay học nghề.
“Có lần, giáo viên chủ nhiệm tại một trường THCS nói nhỏ với tôi rằng lớp này toàn học sinh giỏi nên không có nhu cầu học nghề”, cô Nga nói về khó khăn khi giới thiệu chương trình trung cấp nghề tại trường THCS.
Do đó, để thay đổi quan điểm “chỉ con đường ĐH mới thành công”, xem nhẹ học nghề, cần nỗ lực rất lớn trong công tác hướng nghiệp ở bậc THCS.