Việc ôn luyện để chuẩn bị kiến thức, kỹ năng đáp ứng kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại TP.HCM, dự kiến tổ chức vào đầu tháng 6, đang diễn ra sôi động.
Trên các diễn đàn phụ huynh học sinh (HS) TP.HCM thường xuyên xuất hiện những chia sẻ với nội dung như: "Anh chị nào có kinh nghiệm hay biết lớp luyện thi nào uy tín, chất lượng cho em biết với ạ?. Bây giờ bắt đầu phải tăng tốc rồi".
Dù con gái có học lực khá tốt và có ý thức tự học nhưng chị Nguyễn Hoàng Mai, phụ huynh HS Trường THCS Khánh Bình (Q.8), đã lên mục tiêu, kế hoạch ôn luyện cho con vào lớp 10 từ cách đây gần… 2 năm. Tức từ đầu năm lớp 8, bé đã tham gia học thêm tại trung tâm 3 buổi/tuần cho 3 môn toán, văn, Anh văn theo lộ trình luyện thi lớp 10 mà trung tâm đưa ra. Đến thời điểm này, lịch học thêm của con gái chị Hoàng Mai tăng lên gấp đôi để hệ thống kiến thức và rèn kỹ năng làm bài.
Còn chị Bành Thị Huyền Trang, phụ huynh HS của một trường THCS có tiếng tại TP.Thủ Đức, sau khi được chia sẻ kinh nghiệm việc cho con luyện lớp 10 chuyên Anh đã đăng ký cho con học thêm tại lớp luyện thi ở Q.5. "Tuần 2 buổi, 2 mẹ con di chuyển vừa đi vừa về gần 30 km để học. Cháu có khả năng học tiếng Anh nên gia đình cũng đầu tư và muốn cháu cố gắng. Thật sự là cả mẹ cả con cùng quay chong chóng với lịch học thêm. Vì ngoài luyện tiếng Anh chuyên thì cháu còn học thêm ở nhà với gia sư để đáp ứng cho 3 môn thi bắt buộc. Có ngày vừa làm bài trên lớp vừa hoàn thành bài luyện thêm, cháu thức đến 1 giờ sáng", chị Huyền Trang tâm sự.
HỌC SINH CŨNG TỰ TẠO ÁP LỰC
Không chỉ phụ huynh mà HS cũng tự tạo áp lực với bản thân. N.D, HS lớp 9 tại một trường THCS của Q.1, chia sẻ: "Con không lo trượt lớp 10 mà con lo con không vào học được đúng trường con yêu thích". Vì áp lực này và xung quanh bạn bè đi ôn luyện ở khá nhiều trung tâm, nhiều giáo viên (GV) nên N.D đã nhắn tin với mẹ nói mong muốn về trường THPT của mình và bỏ nhỏ: "Mẹ tìm lớp học thêm cho con" vì có cảm giác việc học thêm của mình chưa "đủ đô".
Với kinh nghiệm nhiều năm làm công tác chủ nhiệm lớp 9, thầy Võ Kim Bảo, GV Trường THCS Nguyễn Du (Q.1), cho hay học kỳ 2 là thời điểm HS lớp 9 bắt đầu tăng tốc để ôn thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập. Phụ huynh thường căn cứ vào kết quả học tập cuối học kỳ 1, "cân đo" xem con mình yếu ở môn nào để tăng thời lượng học thêm. Thầy Bảo cho biết không hiếm trường hợp phụ huynh đưa con đi học thêm đến 6, 7 GV vì thấy con học yếu hoặc vì quá kỳ vọng vào con. "Chỉ riêng ở bộ môn ngữ văn, có HS được ba mẹ cho đi học thêm đến 3 GV. Một GV chỉ dạy viết nghị luận văn học, một GV dạy phần nghị luận xã hội và GV còn lại thì dạy về phân tích tác phẩm", tổ trưởng tổ ngữ văn Trường THCS Nguyễn Du, chia sẻ.
KHÔNG NÊN CHO CON LUYỆN THI "VÔ TỘI VẠ"
Thầy Võ Kim Bảo cho rằng phải có phương pháp học tập khoa học mới có thể chinh phục được kỳ thi chứ không phải cứ học thêm nhiều, học tủ, học vẹt…
Thầy Bảo cho hay mỗi GV có một phương pháp dạy khác nhau. Việc đi học thêm quá nhiều GV trong cùng một môn học có thể sẽ khiến HS bị rối, khó xác định được phương pháp viết, thậm chí khiến các em thiếu tự tin khi đi thi. Đặc biệt, học thêm quá nhiều sẽ khiến các em không có thời gian ôn tập, việc học thêm trở nên không hiệu quả.
Từ thực tế này, thầy Bảo tư vấn: "Phụ huynh nên trao đổi với GV trên lớp để biết chắc sức học của con. Đồng thời nên tham khảo ý kiến các con để biết con muốn học ở thầy cô nào, phù hợp nhất với cách tiếp thu bài vở của mình. Quan trọng nhất là cần biết con yếu ở đâu để bồi dưỡng đúng, đặt nguyện vọng trường vừa sức, không đặt áp lực quá nặng nề lên con mình".
Qua nhiều năm tham gia chấm thi tuyển sinh lớp 10, một GV của Trường THCS Hà Huy Tập (Q.Bình Thạnh), cho biết HS hay "gãy" ở bài toán thực tế do thiếu kỹ năng đọc đề, hiểu đề, thiếu kiến thức thực tế để hiểu các vấn đề đưa ra trong đề thi. Lỗi khi làm bài thi này đôi khi đến từ việc HS chỉ chú trọng học các dạng bài một cách máy móc, học vẹt, học tủ mà không hiểu bản chất vấn đề. Do đó, ở thời điểm này HS cần rà soát, hệ thống lại kiến thức môn học, xem mình còn yếu kiến thức nào thì dành thêm thời gian để bổ sung kiến thức đó. Thay vì đi học thêm quá nhiều, không khoa học, các em nên dành thời gian hệ thống kiến thức và tự giải các dạng đề, nắm thật chắc các phần kiến thức cơ bản.
Đối với phụ huynh, GV này nhắn gửi không nên vì lo lắng quá mà đưa con chạy theo việc luyện thi. Điều phụ huynh cần nhất là giải tỏa áp lực tâm lý cho các em, dành thời gian động viên, theo sát con để hình thành kỹ năng tự học. Đừng nên đưa con đi học quá nhiều khiến con càng thêm áp lực...
Còn thạc sĩ Trần Đình Nguyễn Lữ, chuyên viên môn tiếng Anh, Sở GD-ĐT TP.HCM, cảnh báo: "Nhiều phụ huynh thường có quan niệm rằng học kém thì đi học thêm thật nhiều sẽ hiệu quả. Việc học thêm chỉ hiệu quả khi khoa học, đảm bảo sức khỏe và nhất là các em phải đánh giá được sự tiếp thu kiến thức ở các lớp học thêm. Trái lại, nếu chỉ chạy theo các lớp học thêm theo kiểu học để nhồi nhét thì rất tai hại".
Từ đó, chuyên viên của Sở GD-ĐT TP.HCM đưa ra lời khuyên, để ôn tập tuyển sinh vào lớp 10 hiệu quả, HS phải biết xây dựng thời gian biểu học tập ở 3 môn thi tuyển sinh một cách khoa học, hợp lý. Riêng với môn tiếng Anh, khi học trên các kênh mạng xã hội HS cần lựa chọn các kênh, các website bài bản, tin cậy.
Lời khuyên của chuyên gia tâm lý
Kỳ thi vào lớp 10 là một kỳ thi lớn không chỉ đối với HS, mà còn với các bậc cha mẹ. Để có thể đương đầu một cách tốt nhất đối với sự căng thẳng, áp lực với kỳ thi tuyển sinh, ở góc độ tâm lý, HS và cha mẹ nên thực hiện những điều sau:
Trước hết cần nhìn nhận sự lo lắng, căng thẳng và áp lực học tập, thi cử trong thời điểm này là điều tất yếu không thể tránh được. Chúng ta không nên sợ hãi nó, mà hãy xem những nỗi sợ, lo lắng, căng thẳng, áp lực là một người bạn đồng hành thúc giục ta cố gắng học tập mỗi ngày vì những mục tiêu của cuộc đời.
Tiếp theo, việc phân chia thời gian biểu trong ngày cho các hoạt động học tập, vui chơi và sinh hoạt là cần thiết. HS không nên vì lo lắng mà "học điên học đảo" mà hãy bình thường hóa việc học. Chẳng hạn, các em có thể chia thời gian theo công thức học 1 tiếng, nghỉ ngơi hoặc giải trí 15 - 20 phút, rồi quay trở lại việc học. Khi nào bản thân cảm thấy không khỏe và không muốn học tiếp, hãy tạm dừng và làm một việc nhà, chơi một trò chơi, hát một bài hát… rồi hãy quay trở lại việc học.
Cuối cùng, trân trọng những giấc ngủ và khoảnh khắc vui vẻ bên bạn bè, thầy cô, cha mẹ vì đây là những nguồn lực to lớn giúp HS luôn sẵn sức, sẵn lòng và sẵn sàng đương đầu với mọi thách thức, khó khăn trong cuộc sống.
Hãy luôn nhớ rằng bạn không đơn độc một mình trong hành trình tuyển sinh, bạn có cha mẹ, bạn bè, người thân luôn đồng hành và hỗ trợ.
Tiến sĩ GIANG THIÊN VŨ (giảng viên Khoa tâm lý Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)