Giáo sư nhận 500 triệu đồng về trường ĐH làm việc: Không dễ đạt điều kiện

08:44 - 23/03/2024

Một số trường ĐH công bố chi khoản tiền lớn 300 - 500 triệu đồng để mời một giáo sư về trường làm việc. So với bình quân thu nhập chung của các cán bộ, giảng viên hiện nay, số tiền trên được xem ở mức "khủng".

Trên thực tế, ứng viên trình độ từ tiến sĩ trở lên có dễ trúng tuyển trong các đợt tuyển dụng này?

LẦN ĐẦU TIÊN CÓ TRƯỜNG CHI NỬA TỈ ĐỒNG MỜI GIÁO SƯ

Gần đây, nhiều trường ĐH công lập liên tục công bố các chính sách thu hút lao động có trình độ tiến sĩ trở lên với chế độ đãi ngộ hấp dẫn chưa từng có.

Trong số này, Trường ĐH Tài chính - Marketing công khai chính sách thu hút đặc biệt dành cho giáo sư (GS) lên tới nửa tỉ đồng. Ở đợt tuyển dụng vừa công bố, Trường ĐH Tài chính - Marketing thông báo tuyển 43 ứng viên theo hình thức xét tuyển. Trong đó, 35 chỉ tiêu tuyển dụng giảng viên (GV) có trình độ từ thạc sĩ trở lên với nhiều lĩnh vực. Mỗi GS được chi mức hỗ trợ thu hút một lần từ 400 - 500 triệu đồng, phó giáo sư (PGS) từ 200 - 300 triệu đồng, và tiến sĩ 60 - 100 triệu đồng.

Giáo sư nhận 500 triệu đồng về trường ĐH làm việc: Không dễ đạt điều kiện

Cán bộ giảng viên làm việc trong Phòng thí nghiệm vi mạch và hệ thống cao tần của Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM)

NGỌC DƯƠNG

Ngoài việc yêu cầu các giảng viên của trường tích cực học tập nâng cao trình độ, thì việc thu hút nhân lực từ nguồn bên ngoài là một trong các giải pháp tăng cường đội ngũ giảng viên có trình độ cao nhanh nhất, đặc biệt những ngành đặc thù.

PGS-TS PHẠM TIẾN ĐẠT (Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Marketing)

Với chương trình VNU350, ĐH Quốc gia TP.HCM cũng đưa ra kế hoạch thu hút 350 nhà khoa học trẻ xuất sắc và nhà khoa học đầu ngành, riêng năm 2024 tuyển 65 chỉ tiêu làm việc tại 11 đơn vị thành viên và trực thuộc. Từng đơn vị sẽ có chính sách thu nhập và đãi ngộ khác theo chính sách từng đơn vị nơi nhà khoa học đến công tác.

PGS-TS Nguyễn Hoàng Tú Anh, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết chế độ dành cho ứng viên trình độ tiến sĩ trở lên làm việc tại trường gồm: lương theo quy định nhà nước, thu nhập tăng thêm theo vị trí việc làm, và hỗ trợ bài báo khoa học. Lương theo quy định nhà nước: tiến sĩ được trả từ 5,4 đến trên 7,9 triệu đồng/tháng; GS, PGS trên 11 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, thu nhập tăng thêm theo vị trí việc làm từ 18 - 18,6 triệu đồng/tháng áp dụng cho tiến sĩ; 20 triệu đồng/tháng với PGS; 21,5 triệu đồng/tháng với GS. Ngoài ra, trường còn hỗ trợ các bài báo khoa học thuộc danh mục ISI/Scopus tối đa 200 triệu đồng/năm. Trong năm đầu tiên về trường làm việc, ứng viên được cấp đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường với kinh phí 35 - 50 triệu đồng…

Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng có chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao với mức hỗ trợ 1 lần khi tuyển dụng mới, làm việc toàn thời gian gồm: GS 350 triệu đồng; PGS 250 triệu đồng; tiến sĩ 150 triệu đồng. Với nhân sự đã ký hợp đồng, trường hỗ trợ khi đạt chức danh PGS 100 triệu đồng, GS 150 triệu đồng.

Trường ĐH Tôn Đức Thắng có chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước đến làm việc và xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh. Bên cạnh mức thu nhập theo quy định của trường, còn có mức phụ cấp thu hút tăng thêm được áp dụng liên tục trong 24 tháng kể từ ngày nhân sự về công tác tại trường. Cụ thể phụ cấp gồm: 30 triệu đồng/tháng với GS; 20 triệu đồng/tháng với PGS; 10 triệu đồng/tháng đối với tiến sĩ. Ngoài ra, các chuyên gia và nhà khoa học là nghiên cứu viên, trợ lý nghiên cứu viên cơ hữu của trường được hưởng phụ cấp học hàm, học vị hằng tháng: 8 triệu đồng với GS; 6 triệu đồng với PGS; 3,5 triệu đồng với tiến sĩ. Nhà khoa học có chỉ số trích dẫn cao còn được hỗ trợ mức lên tới 10 triệu đồng/tháng.

ƯU ĐÃI "KHỦNG", ĐIỀU KIỆN CŨNG KHÔNG ĐƠN GIẢN

Khi đưa ra chính sách thu hút với chế độ đãi ngộ "khủng", các trường ĐH cũng ràng buộc những tiêu chí không dễ đạt với các ứng viên.

PGS-TS Phạm Tiến Đạt, Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Marketing, cho biết chính sách thu hút này đã thực hiện từ năm 2019 đến nay và trường đã thu hút được 4 PGS, 15 tiến sĩ. Về tiêu chuẩn tuyển dụng GV năm 2024, trường áp dụng các tiêu chuẩn, điều kiện chung theo quy định nhà nước hiện hành. Ngoài điều kiện học hàm, học vị, tiêu chuẩn tuyển dụng còn đòi hỏi kinh nghiệm, năng lực ngoại ngữ, tốt nghiệp ở nước ngoài tùy theo yêu cầu vị trí việc làm của từng khoa. Đáng chú ý là tiêu chí giới hạn độ tuổi theo từng đối tượng ứng viên được hưởng chính sách thu hút một lần. Cụ thể, 1 GS được hỗ trợ một lần 500 triệu đồng nếu dưới 50 tuổi, từ 50 - 55 tuổi nhận mức 400 triệu đồng. Tương tự, PGS dưới 50 tuổi mức 300 triệu đồng, từ 50 - dưới 55 tuổi là 200 triệu đồng. Học vị tiến sĩ cũng 2 mức: nếu tốt nghiệp ở nước ngoài là 100 triệu đồng, nhưng tốt nghiệp trong nước thì 60 triệu đồng (không phân biệt độ tuổi). Tất cả các trường hợp hưởng chính sách thu hút đều phải cam kết phục vụ cho trường ít nhất 5 năm (60 tháng).

Theo PGS Phạm Tiến Đạt, thực ra đây chính là cơ chế tuyển dụng đặc biệt bằng phương thức tiếp nhận viên chức hoặc xét tiếp nhận vào viên chức đối với người có trình độ cao mà pháp luật đã quy định. Chính sách thu hút, tiếp nhận này tương tự chính sách tuyển dụng không qua thi tuyển đối với sinh viên tốt nghiệp ĐH loại xuất sắc và mới đây là Nghị quyết 45-NQ/TW ngày 24.11.2023 về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới.

"Ngoài việc yêu cầu các GV của trường tích cực học tập nâng cao trình độ, thì việc thu hút nhân lực từ nguồn bên ngoài là một trong các giải pháp tăng cường đội ngũ GV có trình độ cao nhanh nhất, đặc biệt những ngành đặc thù", PGS Đạt nói thêm.

Giáo sư nhận 500 triệu đồng về trường ĐH làm việc: Không dễ đạt điều kiện

Nhiều trường ĐH có chính sách đãi ngộ để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao

NGỌC DƯƠNG

Theo đại diện Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), chính sách đãi ngộ và thu hút nhân sự trên đã được trường áp dụng từ năm 2017 và điều chỉnh với mức hỗ trợ cao nhất 350 triệu đồng/GS từ đầu năm nay. Vị này cho biết, việc triển khai chính sách nói trên đã tạo được nhiều tín hiệu tích cực trong phát triển đội ngũ của trường.

Về điều kiện tuyển dụng, đại diện Trường ĐH Kinh tế - Luật cho hay đang áp dụng các điều kiện chung của chương trình VNU350 khi tuyển lựa ứng viên. Theo đó, yêu cầu ứng viên có trình độ tiến sĩ trở lên, ưu tiên người đã học tập và công tác ở nước ngoài. Một số đơn vị có những yêu cầu cụ thể hơn. Ví dụ, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM ưu tiên các ứng viên có học hàm, có chuyên môn liên quan đến các ngành lĩnh vực thuộc vị trí tuyển dụng, đã học tập và công tác ở nước ngoài. Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM yêu cầu ứng viên có học hàm PGS trở lên với ngành giáo dục học, tâm lý học lâm sàng, ngôn ngữ học, Nhật Bản học. Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM tuyển GV một số ngành ngoài tiêu chí bằng cấp còn cần có năng lực công bố khoa học với ít nhất 2 bài báo tạp chí là tác giả chính trong danh mục Scopus ở 2 năm gần nhất…

Một trong những cơ sở quan trọng để các trường thành viên thúc đẩy tăng tỷ lệ tiến sĩ, GS, PGS nhằm thực hiện chiến lược phát triển của các trường và thu hút nhân sự chất lượng để nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và thực hiện trách nhiệm cộng đồng. "Ngoài những điều kiện cần thì tiêu chí ràng buộc quan trọng nhất các trường đều quan tâm với chính sách này là thời gian cam kết làm việc sau đó", cán bộ một trường thành viên ĐH Quốc gia TP.HCM chia sẻ. 

 

 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Thanh toán hóa đơn SCTV

lịch phát sóng trên truyền hình

Cuộc sống hôn nhân - SCTV9

Bà xã cát tường - SCTV9

 

Sui Gia Nan Giải - SCTV9

 

Wifi Internet SCTV: Tăng tốc gấp đôi – Giá không đổi

TRỌN GÓI INTERNET SIÊU TỐC - TRUYỀN HÌNH KỸ THUẬT SỐ ĐỈNH CAO TỪ SCTV

 

Tin tổng hợp

Liên kết trang

 

Truyen hinh cap va Mang Internet SCTV

 

sctvonline

Trang tin sống động từng giây scj-shopping
Trang tin chuyện nóng 24h

 

 

Nguồn: Minh Ngọc

Truyền hình - Điện ảnh

Scroll

Đang gửi...