Mới đây, Trường ĐH Hòa Bình công bố điểm trúng tuyển học bạ. Trong đó, 3 ngành thiết kế đồ họa, thiết kế nội thất, thiết kế thời trang chỉ lấy 15 điểm bao gồm cả điểm ưu tiên, các ngành còn lại (trừ khối sức khỏe) lấy 17 điểm. Như vậy chỉ cần mỗi môn từ 5 đến dưới 6 điểm là trúng tuyển ĐH. Nếu thí sinh nào có điểm ưu tiên thì dưới 5 điểm/môn là đã có thể trở thành tân sinh viên.
Điểm chuẩn phương thức xét tuyển học bạ năm 2024 của Trường ĐH Kinh tế - Kỹ thuật Bình Dương các ngành đều ở mức 15, trừ ngành dược. Trường ĐH Công nghệ miền Đông năm 2024 có 14/15 ngành lấy điểm chuẩn học bạ là 16,5; trung bình mỗi môn 5,5 điểm; riêng ngành dược học có điểm chuẩn 21.
Có thể thấy liên tục trong mấy năm, nhiều trường ĐH có điểm sàn xét tuyển chỉ từ 15 - 17 điểm ở hầu hết hoặc tất cả các ngành, và điểm trúng tuyển cũng lấy bằng điểm sàn. Đa số đều là các trường công lập và ngoài công lập tại địa phương.
ĐIỂM CHUẨN BẰNG ĐIỂM XÉT TUYỂN NHƯNG THÍ SINH NHẬP HỌC VẪN THẤP
Theo dõi điểm trúng tuyển theo phương thức xét học bạ của nhiều trường ĐH trong vài năm trở lại đây cho thấy điểm trúng tuyển bằng chính điểm sàn xét tuyển, và năm nào cũng chỉ ở mức 15 - 17 điểm/3 môn.
Năm 2022 và 2023, các ngành ngoài sư phạm của Trường ĐH Phạm Văn Đồng như quản trị kinh doanh, công nghệ kỹ thuật cơ khí, kỹ thuật cơ điện tử, công nghệ thông tin, kinh tế phát triển có điểm trúng tuyển là 15. Đây cũng là mức điểm sàn mà trường nhận vào. Dù vậy, số lượng nhập học rất thấp.
Chẳng hạn năm 2022, ngành quản trị kinh doanh có chỉ tiêu 100 nhưng chỉ 9 thí sinh nhập học, ngành sinh học ứng dụng chỉ tiêu 30 và kinh tế phát triển chỉ tiêu 80 nhưng không có thí sinh nào nhập học, ngành kỹ thuật cơ điện tử chỉ tiêu 100 nhưng chỉ 10 thí sinh nhập học, công nghệ kỹ thuật cơ khí chỉ tiêu 100 thì có 38 thí sinh nhập học. Tương tự, năm 2023 ngành kinh tế phát triển không có thí sinh nào nhập học, các ngành quản trị kinh doanh, công nghệ kỹ thuật cơ khí, kỹ thuật cơ điện tử có số lượng nhập học lần lượt là 20, 32, 21. Chỉ có ngành công nghệ thông tin là khá hơn với có 54 tân sinh viên.
Năm 2023, các ngành thông tin thư viện, bảo tàng học, văn hóa các dân tộc thiểu số VN tại Trường ĐH Văn hóa TP.HCM có mức điểm chuẩn học bạ là 15, Trường ĐH Kinh tế Nghệ An có điểm chuẩn 16 cho tất cả các ngành, Trường ĐH Phú Xuân lấy từ 15 - 17 điểm, Trường ĐH Tây Đô lấy 16,5 điểm, còn các ngành ngoài sư phạm của Trường ĐH Quảng Bình chỉ 15 điểm/3 môn là trúng tuyển...
Năm nay, Trường ĐH Phạm Văn Đồng tiếp tục xét tuyển học bạ với tổng điểm 3 môn theo tổ hợp môn xét tuyển của năm lớp 12 đạt từ 15 điểm dành cho nhóm ngành ngoài sư phạm. Trường ĐH Kinh tế Nghệ An có điểm xét tuyển học bạ là tổng điểm trung bình 3 học kỳ của các môn theo tổ hợp xét tuyển cộng điểm ưu tiên khu vực, điểm đối tượng ưu tiên (nếu có) đạt từ 15 điểm trở lên. Trường ĐH Tây Đô cũng xét tổng điểm 3 môn theo tổ hợp đạt từ 16,5 điểm…
ĐẦU VÀO QUÁ THẤP, ĐÀO TẠO SẼ KHÓ CÓ CHẤT LƯỢNG
Vấn đề đặt ra là liệu với mức dưới 6 điểm/môn, thậm chí dưới 5 điểm/môn ở phương thức xét học bạ như vậy, thì có ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo hay không?
PGS-TS Nguyễn Kim Hồng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng học sinh hoàn thành bậc THPT thì đều có thể vào học ĐH, đồng thời nếu có năng lực tốt cộng sự cố gắng trong suốt quá trình học tập thì sẽ thành công.
Tuy nhiên, PGS Hồng nhận định: "Về nguyên tắc, nếu năng lực học tập của một người chưa được tốt, thì có thể lấy sự chăm chỉ, cố gắng để bù trừ nhưng sẽ khó có thể thu nhận được kiến thức bằng những người có năng lực và cùng chăm chỉ, cố gắng. Sản phẩm đầu ra dựa trên chất lượng đầu vào cộng với quá trình đào tạo. Nếu đầu vào thấp thì quá trình đào tạo của cơ sở giáo dục dù tốt đến bao nhiêu cũng khó có thể làm cho toàn bộ sản phẩm cùng tốt. Các trường ĐH có thương hiệu về chất lượng thì luôn tuyển được học sinh phổ thông giỏi hơn các trường khác và khi tuyển được học sinh giỏi thì chất lượng lại càng được khẳng định".
Theo TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, nếu điểm đầu vào quá thấp thì đảm bảo chất lượng đầu ra là một thách thức. "Trong điều kiện hiện nay, chúng ta đang xem điểm số là thước đo quan trọng thể hiện chất lượng nguồn tuyển sinh. Với quan điểm của đào tạo theo chuẩn đầu ra thì đầu ra = đầu vào + quá trình đào tạo. Như vậy, nếu đầu vào quá thấp thì để đảm bảo chuẩn đầu ra, trong quá trình người học phải nỗ lực rất nhiều", TS Nhân cho hay.
Ở một góc nhìn khác, thạc sĩ Đàm Đức Tuyền, Trưởng phòng Khảo thí - Quản lý chất lượng Trường ĐH Tài chính - Marketing, đánh giá nhiều sinh viên có khởi đầu thấp nhưng ngay từ khi nhập học đã tự mình nỗ lực cố gắng học tập, tìm ra cho mình phương pháp tự học có hiệu quả nhất thì vẫn có thể đạt được kết quả học tập tốt. Học tập ở bậc ĐH có sự khác biệt khá lớn so với học THPT, sinh viên nào có kế hoạch học tập rõ ràng và nghiêm túc, kiên trì thực hiện kế hoạch đó sẽ thành công. Tuy nhiên, không thể phủ nhận nếu năng lực học tập ở bậc THPT tốt thì cũng thuận lợi hơn rất nhiều trong quá trình học ĐH.
"Nhìn tổng thể thì đầu vào vẫn là một tiêu chí quan trọng. Một thí sinh có điểm toán thấp sẽ rất khó khăn trong việc học các môn cơ sở ngành và chuyên ngành của các ngành yêu cầu phải tính toán như tài chính ngân hàng, kế toán, kiểm toán... Điểm đầu vào cao cũng sẽ giúp cho các trường thuận lợi hơn trong đào tạo. Đầu vào - quá trình giảng dạy/học tập - đầu ra có mối quan hệ biện chứng với nhau", thạc sĩ Tuyền chia sẻ.
Theo thạc sĩ Tuyền, đa số các trường ĐH ở địa phương đều gặp nhiều khó khăn về tuyển sinh vì khó cạnh tranh với các trường ĐH ở thành phố, nhất là không thể cạnh tranh với các trường đã có thương hiệu, vì thế không có nguồn tuyển và chất lượng nguồn tuyển cũng thấp do thí sinh điểm cao đã chọn các trường ĐH lớn hoặc trường ĐH ở thành phố.
"Nhiều thầy cô cũng tâm huyết và mong muốn thu hút người học nhưng lực bất tòng tâm. Đầu vào thấp thì đầu ra cũng khó có chất lượng, mà chất lượng thấp thì không xây dựng được thương hiệu rồi lại tiếp tục khó tuyển sinh. Người học ít thì không có nguồn thu, không đủ đầu tư vào đội ngũ, cơ sở vật chất, bài toán chất lượng lại càng khó giải", thạc sĩ Tuyền nhận định.
Chỉ quy định điểm sàn cho khối ngành sức khỏe và sư phạm
Hiện nay, Bộ GD-ĐT chỉ quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào cho khối ngành sức khỏe và sư phạm ở 2 phương thức xét học bạ và xét điểm thi tốt nghiệp THPT, tất cả các ngành còn lại các trường ĐH đều tự quy định điểm sàn, điểm chuẩn. Vì thế, do khó khăn trong tuyển sinh, để có nguồn tuyển, nhiều trường phải hạ thấp đầu vào với mức điểm học bạ mỗi môn dưới 6, thậm chí dưới 5 và mức điểm thi tốt nghiệp THPT chỉ 14 - 15 điểm cho 3 môn.