Cụ thể, có 125 học sinh THPT được trao 15.000.000 đồng/suất và 30 sinh viên được trao 29.000.000 đồng/suất. Trong đó, riêng tỉnh Lâm Đồng có 46 học sinh và 13 sinh viên được nhận học bổng Vallet năm nay.
Đến tham dự có ông Nguyễn Thái Học, quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng; ông Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh và ông Đỗ Trinh Huệ, Giám đốc đại diện tổ chức "Gặp gỡ Việt Nam" và học bổng Vallet tại Việt Nam. Tại buổi lễ, ông Nguyễn Thái Học, quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng, cảm ơn những tình cảm mà Tổ chức "Gặp gỡ Việt Nam" và cá nhân giáo sư Trần Thanh Vân dành cho TP.Đà Lạt (Lâm Đồng) và học sinh, sinh viên các tỉnh Tây nguyên
Giáo sư Trần Thanh Vân cho biết học bổng Vallet được hình thành từ sự đóng góp tự nguyện của ông Odon Vallet, tiến sĩ khoa học trong ngành luật học Pháp, giáo sư lịch sử tôn giáo của ĐH Sorbonne (Pháp).
Được thừa kế một gia tài lớn nhưng giáo sư Odon Vallet không tiêu xài cho riêng mình mà đem tất cả số tiền này gửi ngân hàng và ủy thác một phần cho Tổ chức "Khoa học và Giáo dục Gặp gỡ Việt Nam" (Gặp gỡ Việt Nam) do giáo sư Trần Thanh Vân làm chủ tịch và bà Lê Kim Ngọc (vợ giáo sư Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội Giúp đỡ trẻ em Việt Nam tại Pháp) để tổ chức trao tặng học bổng cho các bạn trẻ học giỏi ở châu Phi và nhất là ở Việt Nam, kể cả các sinh Việt Nam tại Pháp.
Từ năm 1993, vợ chồng giáo sư Trần Thanh Vân đã giúp cho tài năng trẻ Việt Nam; từ năm 2001, học bổng Vallet chính thức hoạt động mở rộng trên toàn quốc liên tục cho đến nay đã 24 năm. Tính đến năm 2024, học bổng Vallet đã trao trên 55.000 suất với tổng trị giá trên 500 tỉ đồng và mức học bổng tăng đều qua từng năm cả về số lượng và giá trị học bổng. Cụ thể, năm 2001 cấp 800 suất thì cho đến nay tăng lên 2.100 suất. Đối tượng nhận học bổng không chỉ học sinh, sinh viên ở các đô thị lớn, mà còn là học sinh, sinh viên ở vùng sâu vùng xa, con em đồng bào dân tộc thiểu số và các em ở Làng SOS trên toàn quốc.
Phát biểu tại buổi lễ trao học bổng, giáo sư Trần Thanh Vân xúc động cho biết cách đây 50 năm, khi ông du học bên Pháp, ông đã vận động sinh viên Việt Nam và sinh viên nơi ông học làm thiệp giáng sinh để bán gây quỹ xây dựng Làng SOS Đà Lạt. Đến ngày 8.4.1974, Làng SOS Đà Lạt hoàn thành và được khánh thành, là nơi cưu mang các trẻ em mồ côi do chiến tranh. Đến nay Làng SOS vẫn hoạt động hiệu quả.
Bản thân giáo sư Trần Thanh Vân và Tổ chức "Gặp gỡ Việt Nam" luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho học sinh, sinh viên TP.Đà Lạt. Suốt 24 năm qua đều dành nhiều suất học bổng Vallet cho học sinh, sinh viên nơi đây. "Mong những suất học bổng này sẽ khích lệ và là động lực để các em học sinh, sinh viên có điều kiện học tập, vươn cao hơn, bay xa hơn trên con đường học vấn để phụng sự cho tổ quốc Việt Nam", giáo sư Trần Thanh Vân chia sẻ.
Ngoài học bổng dành cho học sinh sinh viên, giáo sư Odon Vallet thông qua Tổ chức "Gặp gỡ Việt Nam" còn tài trợ cho một số thư viện ở Quảng Bình và Thừa Thiên-Huế. Học bổng Vallet còn rất chú trọng phát huy truyền thống bản sắc dân tộc Việt bằng cách hỗ trợ một số học bổng cho các câu lạc bộ "Âm nhạc truyền thống dân tộc".