Chương trình được phát trực tuyến tại các nền tảng: website thanhnien.vn, Facebook.com/thanhnien, kênh của Báo Thanh Niên trên YouTube và TikTok.
NHỮNG PHƯƠNG THỨC CÓ NHIỀU THÍ SINH LỰA CHỌN NHẤT
Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, thông tin trong năm 2023 và 2024, Bộ GD-ĐT công bố có tổng cộng 20 phương thức xét tuyển được chia làm 2 nhóm: xét tuyển sớm và xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT.
"Năm 2023, có tổng số 546.686 TS trúng tuyển vào ĐH. Trong đó, phương thức có nhiều TS trúng tuyển nhất là dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT với 49%, kế đến là phương thức sử dụng kết quả học tập THPT với 30,24%. Phương thức dựa vào kết quả thi đánh giá năng lực - đánh giá tư duy chiếm 2,57% và phương thức xét tuyển thẳng chiếm 2,32%. Đây là 4 phương thức phổ biến nhất hiện nay, chiếm tổng số 85% TS trúng tuyển năm 2023", tiến sĩ Hải nêu.
Theo tiến sĩ Võ Thanh Hải, xét tuyển sớm là các phương thức xét tuyển không sử dụng kết quả kỳ thi THPT và được thực hiện trước kỳ thi THPT. Như vậy có thể kể đến các phương thức như xét học bạ, xét tuyển thẳng, xét điểm thi đánh giá năng lực - đánh giá tư duy...
"Năm 2023, có 214/322 cơ sở ĐH sử dụng phương thức xét tuyển sớm. Cũng năm này, có tổng số 375.517 TS trúng tuyển bằng các phương thức xét tuyển sớm, trong đó có 147.372 (39,24%) TS đăng ký ngành đã trúng tuyển sớm làm nguyện vọng 1, chiếm 26,9% tổng số TS trúng tuyển bằng tất cả các phương thức. Điều đó cho thấy TS lựa chọn xét tuyển sớm rất nhiều", tiến sĩ Hải chia sẻ.
Thạc sĩ Trần Lê Trọng Phúc, Phó trưởng phòng Quản lý đào tạo Trường ĐH Mở TP.HCM, thông tin, các phương thức xét tuyển sớm của trường gồm: sử dụng kết quả học bạ (40%) và điểm thi đánh giá năng lực (20%).
Đừng chỉ xét tuyển 1 ngành ở 1 phương thức
Tất cả phương thức xét tuyển đều là cánh cửa mở, TS đừng để rơi vào tình huống từng xảy ra ở các năm trước, đó là chỉ xét tuyển vào một ngành ở một phương thức và không trúng tuyển.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng (Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Tài chính - Marketing)
Nhiều cánh cửa để đạt mục tiêu
Việc xét tuyển bằng phương thức khác nhau chỉ là các cánh cửa khác nhau để đạt được mục tiêu. Vì vậy, TS cần sử dụng cách thức phù hợp nhất, thuận tiện nhất.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung (Giám đốc Trung tâm truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM)
Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Tài chính - Marketing, cho biết phương thức xét học bạ và điểm thi đánh giá năng lực có tỷ lệ chọi khá cao do có nhiều TS nộp bằng 2 phương thức này.
Tại Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Phó hiệu trưởng, thông tin học bạ đánh giá năng lực là 2 phương thức đang rất được TS quan tâm.
Tương tự, tổng hồ sơ học bạ mà Trường ĐH Công nghệ TP.HCM nhận đến thời điểm này là 6.000 với 16.500 nguyện vọng, cho thấy rất nhiều TS sử dụng phương thức này để xét tuyển.
ĐỂ CHẮC SUẤT VÀO ĐH, GIẢM ÁP LỰC THI CỬ
Theo đại diện các trường ĐH, Bộ GD-ĐT đã tạo điều kiện tối đa để mỗi TS đều có thể trúng tuyển ĐH bằng ít nhất một phương thức xét tuyển. Vì thế, TS cần biết tận dụng để không bỏ lỡ cơ hội bằng cách tham gia xét tuyển sớm.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung nhận định nhiều TS vẫn mong muốn chỉ xét tuyển bằng điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT. "Điều này có thể xuất phát từ tâm lý xem trọng kỳ thi tốt nghiệp THPT. Dù trúng tuyển phương thức nào, TS cũng hưởng quyền lợi người học giống nhau. TS phải xác định rõ mục tiêu cuối cùng của mình là gì, trúng tuyển ngành học mình mong muốn", thạc sĩ Dung nhận định.
Theo Thạc sĩ Trương Quang Trị, Phó phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, mỗi trường có phần mềm xét tuyển riêng để quản lý hồ sơ của thí sinh. Thí sinh cần điền hồ sơ lên phần mềm này để xét tuyển sớm. Tuy nhiên, đến tháng 7, các bạn phải đăng ký trên hệ thống của Bộ GD-ĐT để được xét tuyển chính thức.
Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên cho rằng nếu trúng tuyển bằng các phương thức xét tuyển sớm, khi tốt nghiệp THPT, TS chỉ cần đăng ký ngành đã trúng tuyển làm nguyện vọng 1 lên hệ thống, sau đó nộp lệ phí xét tuyển và xác nhận nhập học là chính thức trở thành sinh viên.
"Áp lực về kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ giảm đi rất nhiều vì lúc này các em đã chắc một suất vào ĐH. Dù các em trúng tuyển sớm bằng học bạ hay sau này trúng tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT thì chương trình học, học phí, cơ hội học bổng và giá trị bằng cấp là như nhau", thạc sĩ Nguyên nhấn mạnh.
Mặc dù vậy, nhiều TS vẫn bỏ lỡ cơ hội trúng tuyển chính thức vì mắc phải một số sai sót về kỹ thuật đăng ký xét tuyển. Tiến sĩ Võ Thanh Hải cho biết: "Nhiều em đã có kết quả trúng tuyển sớm rồi, nhưng lại nghĩ như vậy là xong, không đăng ký lên hệ thống của Bộ GD-ĐT. Hoặc đăng ký nhưng chưa hoàn thiện quy trình, bỏ qua việc nộp lệ phí xét tuyển hoặc bỏ qua việc xác nhận nhập học. Như vậy là từ chối trúng tuyển".
Lưu ý quy trình xét tuyển
"Khi nhận được kết quả xét tuyển sớm, thí sinh vẫn cần chú ý những khung thời gian và thực hiện các bước trong quy trình xét tuyển của Bộ GD-ĐT để thực sự trúng tuyển".
Thạc sĩ Lưu Thị Lan Phương (Phó giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Văn Hiến)
Các phương thức có giá trị như nhau
"Không nên quan trọng hóa việc chọn phương thức xét tuyển nào. TS trúng tuyển bằng bất kỳ phương thức nào cũng trở thành tân sinh viên và được hưởng đầy đủ các quyền lợi người học như nhau".