Mỹ dẫn đầu trong mắt du học sinh
Tổ chức giáo dục IDP (Úc) hôm 30.4 công bố báo cáo thứ 5 của chương trình Emerging Futures (Nghiên cứu về tương lai), được thực hiện từ ngày 22.2 - 19.3 với sự tham gia của hơn 11.500 du học sinh từ 117 quốc gia, vùng lãnh thổ. Đây là những người có sắp du học, đã ứng tuyển, đang học hoặc đã tốt nghiệp ở các nước nói tiếng Anh (Mỹ, Úc, Anh, Canada, New Zealand, Ireland).
Kết quả khảo sát cho thấy, Mỹ lần đầu trở thành điểm đến du học được yêu thích nhất với tỷ lệ lựa chọn 24%, theo sau là Úc (23%), Anh (22%) và Canada (19%). Trước đó nửa năm, thứ hạng dẫn đầu là Úc, Canada (cùng chiếm 25%), sau đó mới đến Anh (22%) và Mỹ (19%), theo báo cáo lần thứ 4 với sự tham gia của hơn 10.000 du học sinh từ 98 quốc gia.
Chia sẻ trong thông cáo, ông Simon Emmett, Giám đốc điều hành IDP Connect, cho rằng kết quả này phản ánh tác động của các chính sách hạn chế du học sinh mà một số quốc gia ban hành trong thời gian qua. "Đây là lời nhắc nhở rằng chính phủ các nước Úc, Anh và Canada cần minh bạch trong những chính sách dành cho du học sinh để duy trì lợi thế cạnh tranh", ông Emmett nêu quan điểm.
Cũng theo nam giám đốc, sự tăng trưởng về mức độ hấp dẫn với Mỹ và những thị trường mới nổi khác như New Zealand, Ireland chứng tỏ sinh viên quốc tế rất nhạy cảm trước các thay đổi về mặt chính sách. Cụ thể, 41% sinh viên đang có ý định du học Anh, Úc, Canada đang xem xét lại kế hoạch du học, không chắc chắn các chính sách sẽ ảnh hưởng đến mình ra sao hoặc có xu hướng chọn du học ở quốc gia khác.
Về các khía cạnh khi chọn điểm đến du học, sinh viên quốc tế xếp hạng Mỹ cao nhất về chất lượng giáo dục, cơ hội việc làm sau tốt nghiệp, giá trị đồng tiền, còn Canada đứng đầu về chính sách thị thực làm việc sau tốt nghiệp, chính sách du học sinh. Ngược lại, New Zealand xếp cuối về chất lượng giáo dục, giá trị đồng tiền, Anh là cơ hội việc làm, thị thực làm việc sau tốt nghiệp, còn Mỹ là chính sách du học sinh.
Lý do Úc, Anh, Canada kém hấp dẫn
Trước đó, vào đầu tháng 4, tổ chức giáo dục AECC (Úc) cũng công bố một khảo sát thực hiện với 8.312 sinh viên quốc tế đến từ 124 quốc gia, vùng lãnh thổ (không bao gồm Trung Quốc). Kết quả cho thấy, 15,53% sinh viên quốc tế (tức 1.280 người) nhận thấy ưu tiên về điểm đến học tập dự kiến của họ đã thay đổi trong 12 tháng qua và những quốc gia nhận về nhiều sự quan tâm hơn là New Zealand, Đức hoặc Mỹ.
Bên cạnh đó, khảo sát còn cho thấy chất lượng giáo dục và cơ hội việc làm là động lực chính ảnh hưởng đến việc quyết định du học ở một quốc gia bất kỳ, với tỷ lệ 38,2% và 25,3%. Và trong số 11,2% sinh viên quốc tế cho biết quyền làm việc sau tốt nghiệp là động lực chính, khoảng 8/10 khẳng định các quyền này "cực kỳ quan trọng" với họ. Dù vậy, hơn 70% cho rằng sẽ trở về nước sau khi hoàn thành chương trình học.
Cũng theo khảo sát, 75% sinh viên có ý định du học đang cực kỳ hoặc phần nào lo ngại về những thay đổi chính sách gần đây ở Anh. Ba mối quan tâm hàng đầu được chỉ ra là việc Anh hạn chế đưa thân nhân đi cùng, nâng mức lương tối thiểu để được bảo lãnh và có thể thay đổi thị thực làm việc sau tốt nghiệp. Gần một nửa sinh viên tiềm năng cũng cho biết có thể thay đổi lựa chọn đến Anh nếu nước này giảm thời hạn thị thực làm việc sau tốt nghiệp.
"Tôi hy vọng các nhà hoạch định chính sách tại Anh có thể nhìn thấy dữ liệu này, vì rất rõ ràng là quyền làm việc sau tốt nghiệp có tầm ảnh hưởng đáng kể đến sinh viên quốc tế. Nếu chính phủ kiên quyết thay đổi những quyền này, lĩnh vực giáo dục ĐH tại Anh sẽ trải qua những ngày rất tăm tối", ông Jake Foster, Giám đốc thương mại cấp cao của aecc, bình luận.
Bên cạnh đó, sinh viên cũng bày tỏ lo ngại với việc Canada hạn chế số lượng sinh viên ĐH đến nước này hồi tháng 1, cũng như việc chiến lược nhập cư mới của Úc công bố vào tháng 12 năm ngoái khiến các trường ĐH lẫn học sinh đến từ các quốc gia mà cơ quan xét duyệt nước này xem là rủi ro phải vật lộn với vấn đề cấp thị thực du học.
Người Việt có xu hướng gì?
Tổ chức giáo dục OIEG (Ấn Độ) cuối tháng 4 công bố kết quả khảo sát 405 sinh viên tiềm năng bậc cử nhân và sau ĐH từ 4 quốc gia là Ấn Độ, Nigeria, Pakistan, Việt Nam, cùng 97 sinh viên chương trình chuyển tiếp của tổ chức này. Theo đó, du học sinh Việt xem Mỹ là điểm đến yêu thích, với tỷ lệ lựa chọn đến 64%. Còn với Úc, chỉ 38% người học Việt Nam cho biết sẽ cân nhắc quốc gia này.
Về nhân tố tác động đến việc ra quyết định du học, người Việt được cho là bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi cha mẹ, với tỷ lệ 62%. Con số này thấp hơn Nigeria (chiếm 72%) và Ấn Độ, Pakistan (cùng đạt 71%). "Việc phụ huynh đóng vai trò quan trọng với quyết định du học của sinh viên quốc tế cho thấy tác động sâu sắc của gia đình đối với hành trình theo đuổi giáo dục", ông Mohit Gambir, Giám đốc điều hành OIEG, nhấn mạnh.
Trong khi đó, để lựa chọn điểm đến du học phù hợp, chỉ 22% du học sinh Việt cho biết sẽ liên hệ với các công ty tư vấn du học. Thay vào đó, nhiều khả năng người Việt sẽ tìm thông tin trên các trang mạng xã hội, với tỷ lệ 62%.
Một báo cáo khác của IDP công bố hồi tháng 9.2023 cũng phản ánh nhiều đặc điểm của du học sinh Việt. Cụ thể, người Việt được cho là không xem khoảng cách hay vị trí địa lý là rào cản khi lựa chọn điểm đến du học, đồng thời mong muốn tiếp cận nền giáo dục tốt nhất, với 72% cho biết nhân tố "chất lượng giáo dục cao" là lý do khiến họ "chốt" điểm đến du học đầu tiên.
Vấn đề an ninh cũng là mối quan tâm lớn đối với du học sinh Việt, khi 55% người học ưu tiên quốc gia có môi trường an toàn với sinh viên quốc tế. Chưa kể, các yếu tố như có chính sách hỗ trợ du học sinh hoặc chào đón người nước ngoài cũng chiếm tỷ lệ cao, lần lượt là 50% và 49%. Điều này khác hoàn toàn so với Trung Quốc hay Philippines vốn cân nhắc nhiều hơn đến cơ hội việc làm.
Theo IDP, để thu hút du học sinh Việt, các tổ chức giáo dục có thể cần cung cấp nhiều dịch vụ hỗ trợ tài chính cũng như bổ sung nhiều loại học bổng hơn trong chiến lược tuyển sinh. Bởi, nhiều người học Việt Nam chia sẻ rằng sẽ chọn tổ chức giáo dục nào trao học bổng hoặc trợ cấp có giá trị tốt nhất.