Quyên góp cho trường ĐH, nhân rộng ở VN được không?

07:58 - 01/08/2024

Nhiều quốc gia từ Đông sang Tây đang thịnh hành văn hóa cho đi bằng cách quyên góp cho trường ĐH để gia tăng cơ hội học tập, giảng dạy, nghiên cứu và cải thiện cơ sở vật chất với nhiều dấu ấn đáng chú ý.

Giới học thuật Mỹ mới đây "bùng nổ" trước thông tin một tỉ phú quyết định quyên tặng 1 tỉ USD cho ĐH Johns Hopkins, nơi ông từng theo học cử nhân, để miễn học phí, cung cấp thêm sinh hoạt phí và các phí khác cho sinh viên (SV) ngành y đủ điều kiện. Trước đó vài tháng, một cựu giáo sư Trường Y khoa Albert Einstein cũng tặng trường này 1 tỉ USD để đảm bảo rằng từ thời điểm đó trở đi, không còn SV nào cần phải đóng học phí.

Hai động thái trên phản ánh sự hào phóng trong việc quyên góp cho các ĐH, khi cả hai khoản tài trợ tỉ đô đều không yêu cầu trường phải đền đáp lại nhà hảo tâm bằng bất kỳ phương thức gì.

PHỔ BIẾN TRÊN THẾ GIỚI

Tại Anh, nhìn chung, việc quyên góp cho các trường ĐH khá dễ dàng. Chỉ cần gõ từ khóa "donate to UK universities" (quyên góp cho trường ĐH ở Anh), người dùng sẽ lập tức tìm thấy hàng loạt trang thông tin kêu gọi quyên góp của các trường, trong đó nêu thông tin liên lạc của người phụ trách, cách quyên góp và hình thức sử dụng khoản quyên góp (thường để tài trợ học bổng; phát triển giảng dạy, nghiên cứu; cải thiện cơ sở vật chất)...

Quyên góp cho trường ĐH, nhân rộng ở VN được không?

Tổ chức từ thiện của tỉ phú Mỹ Mike Bloomberg đầu tháng 7 thông báo đã quyên tặng 1 tỉ USD cho ĐH Johns Hopkins

BLOOMBERG PHILANTHROPIES

Theo khảo sát của chúng tôi, trường ĐH tại các quốc gia nói tiếng Anh khác là Ireland, New Zealand, Úc, Canada cũng tạo điều kiện để người bản địa, người nước ngoài quyên góp. Điều này diễn ra tương tự tại các trường ĐH châu Âu như Pháp, Đức, Hà Lan hay châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan và Malaysia. Thông tin tài trợ đều đăng công khai, có website trình bày bằng tiếng Anh lẫn tiếng bản địa.

Điểm nổi bật là mỗi trường ĐH sẽ có những hình thức quyên góp khác nhau chứ không giới hạn chỉ tiền mặt. Nhiều đơn vị chấp nhận cổ phiếu, bất động sản và thậm chí khuyến khích nhà hảo tâm chỉ định trường thụ hưởng một phần... di chúc.

Ngoài được khấu trừ thuế với khoản quyên góp, quyền lợi của các nhà hảo tâm khá đa dạng, từ vinh danh tên tuổi đến khả năng tác động vào chính sách, hoạt động của trường. Chẳng hạn, theo trang thông tin của Viện Nghiên cứu kinh tế cơ cấu mới thuộc ĐH Bắc Kinh (Trung Quốc), nếu quyên góp 300 triệu nhân dân tệ (hơn 1.000 tỉ đồng), nhà hảo tâm có thể đổi tên quỹ của trường và được bày tỏ cảm kích bằng nhiều cách khác.

Tại Mỹ, sau khi quyên tặng 1,8 tỉ USD cho ĐH Johns Hopkins vào năm 2018 - cũng là mức lớn nhất cho đến hiện tại ở quốc gia này, tỉ phú Michael R.Bloomberg đã yêu cầu trường chấp nhận SV nhập học bất kể thu nhập của gia đình họ ra sao miễn là có năng lực.

58 tỉ USD là tổng giá trị những khoản quyên góp mà 757 trường ĐH Mỹ nhận được trong năm tài khóa 2023, trong đó có 11 khoản từ 100 triệu USD trở lên, theo dữ liệu từ Hội đồng Phát triển và hỗ trợ giáo dục (CASE).

Dữ liệu khảo sát 54 cơ sở giáo dục ĐH tại Canada từ Hội đồng Canada về thúc đẩy giáo dục (CCAE) cho thấy hơn 250.000 cá nhân, tổ chức, quỹ tín thác, tập đoàn và các nhóm khác ở nước này quyên góp hơn 1,7 tỉ CAD trong năm 2021.

Con số này là 2,2 tỉ bảng Anh vào năm học 2022 - 2023, theo khảo sát 304 trường tại Anh thực hiện bởi Cơ quan Thống kê giáo dục ĐH (HESA).

VĂN HÓA CHO ĐI

Có nhiều năm sinh sống, làm việc tại nước ngoài, ông Andy Phạm, quản lý cấp cao khu vực Mê Kông của ĐH Quốc gia Úc (ANU), nhận định việc quyên góp cho trường ĐH là điều thường thấy.

Quyên góp cho trường ĐH, nhân rộng ở VN được không?

Giáo sư Ruth Gottesman cũng quyên góp 1 tỉ USD cho Trường Y khoa Albert Einstein

ALBERT EINSTEIN COLLEGE OF MEDICINE

"Chuyện này rất bình thường ở nước ngoài và có thể nói là một nét văn hóa đặc trưng. Mục đích của các nhà hảo tâm nhìn chung đều muốn cho đi, đáp đền tiếp nối cho thế hệ sau chứ không vì danh tiếng hay lợi nhuận", ông Andy nói.

Riêng tại ANU, năm 2023 ghi nhận có 1.582 nhà hảo tâm (1.452 cá nhân, 130 tổ chức; trong số đó có 120 cá nhân và tổ chức ở nước ngoài) với tổng giá trị quyên góp là 36,4 triệu AUD. Để tri ân, trường đã đặt tên các nhà hảo tâm cho những học bổng, hỗ trợ tài chính liên quan như học bổng nhà Beng Choon Lim, chương trình học giả The Tuckwell, giải thưởng McMichael...

"Ở các trường ĐH, những nhà hảo tâm thường được vinh danh qua việc đặt tên cho học bổng hay mời tham dự các hoạt động liên quan, song không bao giờ có quyền can thiệp vào hoạt động đào tạo hay nghiên cứu của nhà trường", ông Andy nhấn mạnh và cho biết thêm, học bổng thường dành cho những trường hợp có thành tích học tập xuất sắc nhưng hoàn cảnh tài chính khó khăn.

Bà Karin Chao-Bushoven (ĐH California Polytechnic State, Mỹ) kết luận trong luận văn thạc sĩ năm 2020 rằng có 5 động lực chính khiến một người dân bình thường quyết định tài trợ cho các trường ĐH. Đó lần lượt là "được thúc đẩy bởi những lời đề nghị cá nhân", "cảm giác biết ơn", "niềm vui và ý thức để lại di sản", "kết nối tôn giáo với tầm nhìn của trường ĐH", "tin tưởng và có quan hệ sâu sắc với trường". Kết luận đưa ra sau khi bà Chao-Bushoven phỏng vấn 5 nhà hảo tâm quyên góp cho trường ĐH đều đặn từ 20.000 - 200.000 USD/năm trong vài năm đến hàng chục năm qua.

Trước đó, nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra hoạt động quyên góp xuất phát từ đa dạng mục đích. Theo một nghiên cứu năm 2016 của ĐH Kent (Anh), có 5 nguyên nhân khiến giới nhà giàu quyên góp cho các trường ĐH, lần lượt là sự uy tín của trường, tham vọng cá nhân, mối quan hệ, khi được yêu cầu và những nhân tố cá nhân. Ngoài ra, 40% trong số 82 nhà hảo tâm giàu có tham gia khảo sát, phỏng vấn, cho biết ưu tiên quyên góp cho lĩnh vực giáo dục ĐH, với mức trung bình là 260.000 bảng Anh.

Một nghiên cứu khác từ nhóm tác giả ở các ĐH Mỹ xuất bản năm 2019 đăng trên chuyên san Đánh giá quốc tế về tiếp thị công cộng và phi lợi nhuận nhận định gây quỹ cộng đồng (crowdfunding) đang là hình thức quyên góp mới để lôi kéo các nhà hảo tâm, trong đó bao gồm cả SV đang theo học. Theo khảo sát 387 SV ĐH và học viên sau ĐH, lòng nhân ái, cảm giác đạt được thành tựu một cách gián tiếp và sự tích cực có tác động tích cực đến ý định quyên góp theo hình thức gây quỹ cộng đồng. (còn tiếp)

Vì sao VN chưa có văn hóa 'hiến tặng' cho trường ĐH?

Theo khảo sát của chúng tôi, hiện rất ít trường ĐH VN công khai trên cổng thông tin điện tử về tiếp nhận quyên góp, chủ yếu chỉ có các đơn vị có yếu tố nước ngoài. Là trường hợp hiếm hoi, Trường ĐH Việt Nhật (VJU) thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội có trang thông tin tiếng Việt lẫn tiếng Anh nêu rõ lý do, cách thức tài trợ, danh sách các nhà hảo tâm. Các trường Fulbright, VinUni cũng có trang thông tin chi tiết, có nơi nhận quyên góp từ 100.000 đồng.

PGS-TS Võ Thị Ngọc Thúy, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen, phân tích: "VN mình sẽ khó có nguồn đầu tư từ cựu SV. Thứ nhất, không có nhiều SV thành đạt ở mức tỉ phú để sẵn sàng quay lại trường đóng góp một khoản kinh phí lớn như nước ngoài. Thứ hai, nếu họ đóng góp thì trường ĐH phải thành lập quỹ đầu tư để hoạt động minh bạch công khai. Tuy nhiên để thành lập và điều hành một quỹ như vậy sẽ rất phức tạp. Thứ ba, trường ĐH tư thục ở VN hầu hết là trường ĐH của chủ đầu tư có thu lợi nhuận chứ không phải không vì lợi nhuận nên sẽ khó thu hút được cho quỹ đầu tư này".

Thạc sĩ Châu Dương Quang (Trường ĐH Giáo dục - ĐH Quốc gia Hà Nội), một nhà nghiên cứu về giáo dục ĐH tư thục, nhận định: "Hiện nay ĐH Fulbright, thông qua quỹ tín thác, có pháp nhân tương đối độc lập với pháp nhân của trường, nhận tài trợ từ một số cá nhân và tổ chức. Nguồn tài trợ chính của VinUni là từ Tập đoàn Vingroup, và Trường ĐH Quản lý và Công nghệ TP.HCM hiện cũng đang nhận hỗ trợ chủ yếu từ Tập đoàn Kiến Á. Dù cả 3 trường này đều là trường ĐH tư thục không vì lợi nhuận, nhưng mô hình của trường ĐH VinUni và Trường ĐH Quản lý và Công nghệ TP.HCM có thể sẽ khó thu hút tài trợ từ bên ngoài, vì đều thuộc 2 tập đoàn tư nhân. Những người hiến tặng sẽ không đủ tin tưởng nếu giao tiền tài trợ của mình cho các trường do doanh nghiệp tư nhân sở hữu".

Mỹ Quyên - Ngọc Long

 
 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Thanh toán hóa đơn SCTV

lịch phát sóng trên truyền hình

Bà xã cát tường - SCTV9

 

Sui Gia Nan Giải - SCTV9

 

Cuộc sống hôn nhân - SCTV9

Wifi Internet SCTV: Tăng tốc gấp đôi – Giá không đổi

TRỌN GÓI INTERNET SIÊU TỐC - TRUYỀN HÌNH KỸ THUẬT SỐ ĐỈNH CAO TỪ SCTV

 

Tin tổng hợp

Liên kết trang

 

Truyen hinh cap va Mang Internet SCTV

 

sctvonline

Trang tin sống động từng giây scj-shopping
Trang tin chuyện nóng 24h

 

 

Nguồn: Minh Ngọc

Truyền hình - Điện ảnh

Scroll

Đang gửi...