27 năm mòn mỏi chờ đợi Dự án làng ĐH Đà Nẵng

13:00 - 07/06/2024

Dự án "treo" làng ĐH Đà Nẵng (thuộc địa bàn TP.Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam) đã chậm triển khai tới 27 năm. Sau nhiều năm cầu cứu các cấp, ngành vì không thể thực hiện các quyền liên quan đến đất đai… đến nay dự án lại phải chờ bố trí vốn.

NGƯỜI DÂN KHỔ SỞ CHỜ DỰ ÁN

Dự án làng ĐH Đà Nẵng được phê duyệt đầu tư năm 1997, có tổng diện tích hơn 280 ha, nằm trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng.

27 năm mòn mỏi chờ đợi Dự án làng ĐH Đà Nẵng

ĐH Đà Nẵng mong muốn tiếp tục triển khai dự án làng đại học với đầy đủ nội dung và mục tiêu đầu tư đã được phê duyệt

HUY ĐẠT

Theo UBND Q.Ngũ Hành Sơn (TP.Đà Nẵng), phần đất thuộc TP.Đà Nẵng có diện tích 110 ha, với khoảng 40 ha cần giải tỏa giai đoạn 1, hiện chỉ còn 4 hồ sơ nhà đất và khoảng 600 hồ sơ mộ chưa được di dời. Còn ở phía Quảng Nam, hàng ngàn hộ dân trong vùng dự án vẫn đang khổ sở chờ đợi các cấp chính quyền tháo gỡ vướng mắc.

Bà Võ Thị Dân, trú khối phố Tứ Hà (P.Điện Ngọc, TX.Điện Bàn, Quảng Nam) có 5 người con nhưng nhiều năm nay do vướng vào khu vực quy hoạch dự án làng ĐH nên gia đình không thể tách thửa để chia đất làm nhà cho các con, cháu.

"Không riêng gì gia đình tôi, ở khu vực này có đến hàng ngàn người khổ sở vì dự án "treo" tới 27 năm. Ngày ngày người dân vẫn chờ câu trả lời giải tỏa hoặc không giải tỏa để có thể sắp xếp cuộc sống, an cư…", bà Dân bức xúc.

ĐẤT CẰN CỖI IM LÌM CHỜ ĐỢI NGUỒN VỐN

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên tại các khối phố Tứ Câu và Câu Hà (P.Điện Ngọc, TX.Điện Bàn), trên diện tích đất rộng lớn nhưng hạ tầng rất ít đường bê tông, chủ yếu là đường đất; mạng lưới điện có dấu hiệu xuống cấp, nhà cửa tạm bợ, người dân bỏ nhà hoang rất nhiều.

Theo UBND TX.Điện Bàn, Dự án làng ĐH Đà Nẵng nằm trên P.Điện Ngọc có diện tích 190 ha, trong đó cần giải phóng mặt bằng 170 ha với hơn 1.800 hộ dân, nhu cầu đất cần bố trí là hơn 3.100 lô. Dự kiến nguồn vốn để giải phóng mặt bằng lên đến hàng ngàn tỉ đồng. Cũng theo UBND TX.Điện Bàn, nguyên nhân chưa giải tỏa đền bù tại dự án là do chủ đầu tư vẫn chưa bố trí vốn.

Ông Nguyễn Xuân Hà, Phó chủ tịch UBND TX.Điện Bàn, cho rằng nếu không thể bố trí vốn thì các cấp phải xem xét điều chỉnh khu vực giải phóng mặt bằng. "Nếu chỉ giải phóng mặt bằng 50 ha ở các khu vực thuận lợi thay vì 190 ha mà dự án đề ra, ĐH Đà Nẵng sẽ xây dựng các công trình ở khu vực giáp với P.Hòa Quý (Q.Ngũ Hành Sơn), các khu vực còn lại địa phương sẽ chỉnh trang để người dân thực hiện các quyền sử dụng đất. Đồng thời, chính quyền TX.Điện Bàn cũng thuận lợi đầu tư các công trình phục vụ người dân tại khu vực", ông Hà nói.

Mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam đã kiến nghị Dự án làng ĐH Đà Nẵng cần thu hẹp diện tích. Hiện chính quyền tỉnh Quảng Nam đang lúng túng khi không thể gỡ bỏ quy hoạch treo suốt 1/4 thế kỷ do thiếu nguồn lực tài chính, cơ chế, chính sách và thiếu ý kiến từ các bộ, ngành T.Ư.

Ông Nguyễn Xuân Hà cho biết cách đây vài tháng Bộ GD-ĐT có công văn gửi Bộ KH-ĐT đề nghị tìm vốn triển khai 50 ha phần lõi ít giải phóng mặt bằng nhất để xây dựng các khu chức năng, nhà ở lưu trú cho cán bộ, nhân viên của làng ĐH. Thế nhưng hiện tại vẫn chưa có động thái nào về việc triển khai xây dựng, đầu tư của làng ĐH phía Quảng Nam.

27 năm mòn mỏi chờ đợi Dự án làng ĐH Đà Nẵng

Dự án làng ĐH Đà Nẵng nằm trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng đã "treo" 27 năm

HUY ĐẠT

THẨM ĐỊNH DỰ TOÁN LÀ VƯỚNG MẮC LỚN NHẤT

Tháng 9.2023, đứng trước dự án treo 26 năm, ĐH Đà Nẵng tiếp tục kêu cứu lên Bộ GD-ĐT.

Mới đây, Bộ GD-ĐT cho biết năm 2024 Bộ được giao vốn 629 tỉ đồng, trong nửa đầu năm dự kiến giải ngân 0 đồng. Vốn năm 2024 được Bộ GD-ĐT giao duy nhất dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật và các công trình cho ĐH Đà Nẵng. Năm 2023, dự án này có vướng mắc chủ yếu về tài sản đảm bảo và ký hợp đồng vay lại nên gần như không giải ngân, phải kéo dài sang năm 2024.

Theo báo cáo của chủ đầu tư, có 13 hạng mục công trình, trong đó Bộ Xây dựng đã thẩm định được 7 công trình, còn 6 công trình đang thẩm định tiếp, sẽ hoàn thành trong tháng 6 này. Chủ đầu tư phấn đấu đến tháng 9 mới có khối lượng giải ngân. Trong điều kiện đấu thầu thuận lợi, cả năm nay dự kiến giải ngân được khoảng 350 tỉ đồng, có thể trả lại ngân sách 280 tỉ đồng.

"Vướng mắc về thẩm định dự toán là vướng mắc lớn nhất hiện nay. Việc tìm được các nhà thẩm định giá, báo giá hiện khá khó khăn. Thậm chí, họ không dám báo giá nữa. Chúng tôi kiến nghị Bộ Xây dựng hỗ trợ ĐH Đà Nẵng thẩm định sớm 6 dự án còn lại để tiến hành các bước tiếp theo", đại diện Bộ GD-ĐT thông tin.

ĐH ĐÀ NẴNG GẤP RÚT ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ

Ngày 4.6, trao đổi với PV Thanh Niên, đại diện lãnh đạo ĐH Đà Nẵng cho biết sau khi các thủ tục vay lại hoàn thành vào nửa cuối năm 2023, các hoạt động chuẩn bị triển khai thực hiện dự án được khai thông và ĐH Đà Nẵng đã nỗ lực với quyết tâm cao nhất để có thể rút ngắn thời gian triển khai, đảm bảo hoàn thành dự án theo nội dung đầu tư đã được phê duyệt.

Cụ thể, theo kế hoạch, nửa đầu năm 2024 là thời gian hoàn thành công tác lập và phê duyệt thiết kế và dự toán, nửa cuối năm 2024 triển khai công tác lựa chọn nhà thầu và khởi công xây dựng. Vì thế, điểm rơi bắt đầu giải ngân theo kế hoạch sẽ vào các tháng cuối năm.

"Dưới sự chỉ đạo sát sao của Bộ GD-ĐT và cơ quan tài trợ cho vay vốn là Ngân hàng Thế giới (WB), ĐH Đà Nẵng đã triển khai nhiều giải pháp linh hoạt để đẩy nhanh tiến độ thiết kế và dự toán trong điều kiện gặp nhiều khó khăn từ bối cảnh chung khách quan của hoạt động triển khai dự án giai đoạn chuẩn bị này", lãnh đạo ĐH Đà Nẵng thông tin.

27 năm mòn mỏi chờ đợi Dự án làng ĐH Đà Nẵng

Dự án "treo" suốt 27 năm khiến người dân lâm vào cảnh khốn khó

HUY ĐẠT

Đại diện lãnh đạo ĐH Đà Nẵng cho biết thêm, với tầm quan trọng của Dự án làng ĐH, ĐH Đà Nẵng mong muốn tiếp tục triển khai dự án với đầy đủ nội dung và mục tiêu đầu tư đã được phê duyệt. Vì thế, ĐH Đà Nẵng đã và đang tích cực xin ý kiến chỉ đạo và phối hợp với các bên hữu quan, trong đó có vai trò quan trọng của WB, để có những giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc do các yếu tố khách quan có thể dẫn đến những rủi ro không thể dự báo hoặc khó khắc phục.

"Nguyện vọng tích cực của ĐH Đà Nẵng là nỗ lực phát triển để tạo điều kiện cho người học tại khu vực duyên hải miền Trung và Tây nguyên có thể tiếp cận được dịch vụ giáo dục ĐH và nguồn tri thức khoa học chất lượng quốc tế, đáp ứng nguồn lực trọng yếu phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của khu vực và đất nước với vị thế là một ĐH quốc gia", lãnh đạo ĐH Đà Nẵng bày tỏ.

Mục tiêu phát triển dài hạn của ĐH Đà Nẵng thành ĐH quốc gia

Theo lãnh đạo ĐH Đà Nẵng, mục đích trọng yếu của Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật và các công trình cấp thiết cho ĐH Đà Nẵng tại Hòa Quý - Điện Ngọc (địa phận TP.Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam), vay vốn WB, là phục vụ mục tiêu phát triển dài hạn của ĐH Đà Nẵng.

Cụ thể, ĐH Đà Nẵng sẽ phát triển thành ĐH quốc gia để thực hiện các nhiệm vụ quốc gia, đặc biệt là các nhiệm vụ trọng yếu của đất nước tại khu vực duyên hải miền Trung và Tây nguyên. Dự án này cũng là tiền đề quan trọng thực hiện chủ trương xây dựng một đô thị ĐH hiện đại trong tương lai tại Hòa Quý (Q.Ngũ Hành Sơn, TP.Đà Nẵng). Với hoạt động đào tạo hiện tại, ĐH Đà Nẵng luôn có sự chuẩn bị đủ điều kiện tốt nhất để đáp ứng yêu cầu xã hội như đã cam kết.

"Vì thế, tiến độ của dự án vay vốn WB không ảnh hưởng đến việc đào tạo của ĐH Đà Nẵng giai đoạn hiện nay", lãnh đạo ĐH Đà Nẵng khẳng định.

 
 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

lịch phát sóng trên truyền hình

Thanh toán hóa đơn SCTV

Không gian lạ - SCTV9

 

Sui Gia Nan Giải - SCTV9

 

Cuộc sống hôn nhân - SCTV9

Wifi Internet SCTV: Tăng tốc gấp đôi – Giá không đổi

TRỌN GÓI INTERNET SIÊU TỐC - TRUYỀN HÌNH KỸ THUẬT SỐ ĐỈNH CAO TỪ SCTV

 

Tin tổng hợp

Liên kết trang

 

Truyen hinh cap va Mang Internet SCTV

 

sctvonline

Trang tin sống động từng giây scj-shopping
Trang tin chuyện nóng 24h

 

 

Nguồn: Minh Ngọc

Truyền hình - Điện ảnh

Scroll

Đang gửi...