Trước đó, tại cuộc họp giữa BQT chung cư Saigon Gateway và Công ty Hiệp Phú Land ngày 25.4, BQT không đồng ý việc chủ đầu tư đề nghị trả mỗi tháng 100 triệu đồng mà đề nghị công ty này phải bàn giao hơn 30 tỉ đồng quỹ bảo trì (cộng với tiền lãi ngân hàng) đang giữ của hơn 900 người dân đã mua căn hộ tại chung cư Saigon Gateway. Trong thời gian chưa bàn giao quỹ bảo trì, BQT đề nghị Công ty Hiệp Phú Land có trách nhiệm bảo trì, sửa chữa các thiết bị, hệ thống bị hư hỏng của chung cư; có trách nhiệm bảo hành nhà người dân bị hư hỏng trong thời gian còn bảo hành; trả lời rõ ràng về thời gian cấp sổ hồng cho người dân đã mua căn hộ.
Ông Lê Văn Chính, Tổng giám đốc Công ty Hiệp Phú Land, thừa nhận công ty đang khó khăn tài chính nên chưa thể bàn giao quỹ bảo trì một lần. Công ty cố gắng dùng nguồn kinh phí thu từ bãi giữ xe (nằm trong chung cư Saigon Gateway) để trả vào tài khoản BQT 100 triệu đồng/tháng. Công ty này hứa sẽ sửa chữa, bảo hành các trang thiết bị, hệ thống tại chung cư như cam kết.
Ông Nguyễn Duy Khải, Trưởng BQT chung cư Saigon Gateway, cho biết chủ đầu tư bán căn hộ và giữ hơn 30 tỉ đồng của người dân đã 4 năm qua. Số tiền này, theo quy định chủ đầu tư giữ giúp người dân mua căn hộ và bàn giao gốc, lãi sau khi thành lập BQT chung cư. Sau khi Báo Thanh Niên phản ánh, chủ đầu tư mới xuất hiện, thừa nhận khó khăn, và xin trả mỗi tháng 100 triệu đồng. Điều đó chứng tỏ Công ty Hiệp Phú Land đã sử dụng tiền quỹ bảo trì của chung cư sai mục đích. Theo ông Khải, đây là hành vi cố tình chiếm giữ tiền của chung cư bất hợp pháp, có dấu hiệu hình sự.
Cưỡng chế bàn giao quỹ bảo trì chung cư
Phản hồi thông tin trên, nhiều bạn đọc (BĐ) Thanh Niên bày tỏ bất bình vì tình trạng này không chỉ xảy ra tại Saigon Gateway. Nhiều ý kiến cho rằng đây là hành vi có dấu hiệu chiếm dụng vốn, sử dụng quỹ bảo trì sai mục đích... "Tiền của cư dân bị chiếm dụng vốn trái phép bao lâu nay chưa tính phần lãi ngân hàng, giờ rút ra trả cho cư dân sao lại có cái trò xin trả góp. Hay tiền đó lấy sử dụng hết rồi? Nếu vậy là vi phạm pháp luật nghiêm trọng, đề nghị cơ quan công an vào cuộc", BĐ Tuan Phan bức xúc.
Cùng quan điểm, BĐ M.Trang ý kiến: "Đây là hành vi chiếm và sử dụng vốn trái phép, giờ lại còn chơi chiêu mỗi tháng trả 100 triệu thì bao giờ mới có thể trả được hết? Tóm lại chỉ cần công an vào cuộc thì đâu vào đấy ngay, nếu không cứ bầy hầy dây dưa kéo dài".
Còn BĐ Phan Khoi viết: "Khôn như Hiệp Phú Land thì quê tôi đầy nhé. Nghĩ sao chiếm dụng 30 tỉ đồng mà trả góp 100 triệu mỗi tháng thì khác nào ông gửi ngân hàng lấy tiền lãi trả trong 50 năm, còn gốc thì ôm trọn".
"Không thể để một sự việc như vậy ngang nhiên tồn tại. Đây là hành động coi thường và thách thức pháp luật, coi thường và thách thức các cấp chính quyền. Cần có biện pháp cứng rắn để cưỡng chế", BĐ My Dung thẳng thắn.
Công an cần vào cuộc
Nhiều ý kiến đề nghị cơ quan chức năng mạnh tay xử lý chủ đầu tư không bàn giao quỹ bảo trì cho chung cư. "Nếu chủ đầu tư nào không chấp hành đề nghị cơ quan công an khởi tố để làm gương", BĐ Pin đề nghị.
Tương tự, BĐ Lý Vũ ý kiến: "Chủ đầu tư sao mà chây ì thế? Thu quỹ bảo trì của người dân mua chung cư rồi mà lại không giao quỹ cho BQL tòa nhà. Các cơ quan quản lý nhà nước nên làm mạnh tay hơn để người dân không bị mất quyền lợi".
"Mong cơ quan nhà nước xem xét và điều chỉnh luật để xử lý những chủ đầu tư cố tình chây ì chiếm giữ quỹ bảo trì chung cư, gây mất an ninh, an toàn và quyền lợi của người dân khi mua căn hộ", BĐ S.A ý kiến.
"Cần có chế tài, răn đe, chứ không thì các chung cư khác cũng thấy vậy mà làm theo, khổ vẫn là người dân, tiền của mình mà bị lấy một cách công khai", BĐ Minh Thai đề nghị.