Theo đuổi mức lương cao không phải vì mong muốn giàu có hơn
Trong báo cáo “Tìm kiếm ý nghĩa trong công việc” công bố ngày 3.5, các chuyên gia phân tích ý kiến của 2.023 người tham gia khảo sát từ 6 quốc gia Đông Nam Á (Singapore, Malaysia, Philippines, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam).
Theo báo cáo, 99% trong số 274 người tham gia khảo sát ở Việt Nam cho rằng việc tìm thấy ý nghĩa trong công việc thực sự quan trọng đối với họ.
Cũng theo báo cáo, 40% người ở Việt Nam xác định mức lương và sự ổn định trong công việc là ưu tiên hàng đầu. Đáng chú ý, người lao động Việt cho rằng họ theo đuổi mức lương cao không phải vì mong muốn giàu có hơn mà nhằm mục đích chu cấp, mang đến một cuộc sống thoải mái hơn cho gia đình.
3 thách thức đối với người tìm việc
Bên cạnh đó, báo cáo chỉ ra rằng khoảng 11% người lao động Việt Nam cảm thấy “rất hài lòng” về mức độ ý nghĩa mà vị trí việc làm hiện tại của họ đem lại - tỷ lệ thấp nhất trong khu vực Đông Nam Á. Đây là điều các nhà tuyển dụng cần lưu ý nếu muốn tạo sự khác biệt trong việc thu hút nhân sự giỏi.
Báo cáo cũng chỉ ra 3 thách thức hàng đầu mà người lao động Việt Nam phải đối mặt khi tìm kiếm việc làm có ý nghĩa là: Các cơ hội việc làm xanh và việc làm vì cộng đồng còn hạn chế (34%); phải cân bằng giữa trách nhiệm cá nhân với mong muốn nghề nghiệp (18%); và thiếu kỹ năng và kinh nghiệm làm việc cần thiết (13%).
Theo báo cáo, 98% người tham gia khảo sát từ 6 quốc gia Đông Nam Á (Singapore, Malaysia, Philippines, Indonesia, Việt Nam, và Thái Lan) cho biết việc tìm thấy ý nghĩa trong công việc thực sự quan trọng đối với họ. Chỉ 21% cảm thấy “rất hài lòng” với mức độ ý nghĩa mà công việc hiện tại của họ đem lại. Đáng chú ý, 84% người lao động đã chuyển đổi nghề nghiệp cho biết họ cảm thấy rất hài lòng với công việc mới. Ngoài ra, 77% cho rằng danh tiếng của công ty, nhất là về trách nhiệm xã hội, đã trở thành một yếu tố quan trọng đối với người tìm việc.
Theo ông Simon Matthews, Giám đốc khu vực Đông Nam Á của ManpowerGroup, kết quả khảo sát thể hiện sự thay đổi về thái độ và kỳ vọng của người lao động Việt Nam đối với doanh nghiệp, môi trường làm việc và tính chất công việc trong năm qua.
“Bằng cách nuôi dưỡng văn hóa doanh nghiệp, coi trọng tính liêm chính về mặt đạo đức và đề cao phát triển bền vững, các doanh nghiệp có thể xây dựng hình ảnh tích cực khi không chỉ là nơi làm việc lý tưởng với người lao động mà còn là tổ chức có nhiều đóng góp có trách nhiệm cho xã hội và môi trường”, ông Matthews chia sẻ.
Ông Francois Lancon, Chủ tịch khu vực Châu Á Thái Bình Dương và Trung Đông của ManpowerGroup, cho biết: “Kết quả khảo sát nhất quán với niềm tin cốt lõi của ManpowerGroup rằng công việc có ý nghĩa là động lực chính mang lại hạnh phúc, sức khỏe và năng suất cho người lao động".