Theo luật sư Nguyễn Hải Long (Đoàn luật sư tỉnh Tây Ninh), đây là một trong những nội dung đề xuất nổi bật liên quan đến xử phạt các hành vi bạo lực về kinh tế ở lĩnh vực phòng chống bạo lực gia đình được Bộ Công an đề xuất tại Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.
Các mức phạt đối với hành vi bạo lực về kinh tế trong lĩnh vực phòng chống bạo lực gia đình được Bộ Công an đề xuất sửa đổi so với quy định Nghị định 144/2021/NĐ-CP. Dự kiến sẽ phạt tiền từ 20 – 30 triệu đồng đối với một trong những hành vi như: chiếm đoạt tài sản chung của gia đình hoặc tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình; hủy hoại tài sản chung của gia đình hoặc tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình; ép buộc thành viên gia đình lao động quá sức hoặc làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với chất độc hại hoặc làm những công việc khác trái với quy định của pháp luật về lao động.
Bên cạnh đó là các hành vi khác: ép buộc thành viên gia đình đi ăn xin hoặc lang thang kiếm sống; cưỡng ép thành viên gia đình đóng góp tài chính quá khả năng của họ.
Đáng chú ý, trong số những hành vi bạo lực về kinh tế, có cả chuyện kiểm soát tài sản, thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo tình trạng lệ thuộc về mặt vật chất, tinh thần hoặc các mặt khác. "Như vậy, theo đề xuất này, vợ chồng mà kiểm soát thu nhập của nhau sẽ bị phạt đến 30 triệu đồng", luật sư Long cho hay.
Cũng theo đề xuất trên, ngoài bị phạt tiền, cá nhân có hành vi vi phạm cũng phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả. Đó là: buộc trả lại tài sản do chiếm giữ trái phép hoặc nộp lại số tiền bằng trị giá tài sản có được do chiếm giữ trái phép đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định của pháp luật cho chủ sở hữu hợp pháp đối với hành vi vi phạm…
"Nhiều vợ chồng kiểm soát thu nhập của nhau quá đáng"
Anh Đỗ Thành Nhựt (32 tuổi), làm việc tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam ở đường Thoại Ngọc Hầu, Q.Tân Phú, TP.HCM, cho biết: "Mức phạt này (tức từ 20 – 30 triệu đồng – PV) là nghiêm khắc, có tính răn đe và hy vọng sẽ khiến nhiều người chồng hoặc vợ biết sợ. Chứ nhiều người bạn kể bị kiểm soát thu nhập "quá rát", bị dò hỏi đến từng đồng. Rồi mỗi ngày đi làm phải xin tiền vợ để đổ xăng, uống cà phê...".
Theo chuyên gia tâm lý Lê Hồ Bích Ngân, Trung tâm tư vấn tâm lý Việt Tâm, TP.HCM, đề xuất hành vi kiểm soát thu nhập của chồng, vợ sẽ bị phạt đến 30 triệu đồng của Bộ Công an sẽ là một trong những cách có thể góp phần làm giảm và đẩy lùi vấn nạn bạo lực gia đình, nhất là những hành vi bạo lực về kinh tế.
"Các hành vi bạo lực gia đình có thể phân ra thành 4 loại là: về tinh thần, thể xác. kinh tế, tình dục. Nên chăng, có thêm những đề xuất đối với 3 loại còn lại để bạo lực gia đình không còn xuất hiện trong bất cứ ngôi nhà nào", chị Ngân nói.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thế Vinh, Trung tâm tư vấn tâm lý An Nam, TP.HCM, nói: "Không thể phủ nhận có một bộ phận phụ nữ thường kiểm soát thu nhập của chồng một cách quá đáng, mà chẳng biết đó là hành vi bạo lực gia đình. Và theo số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chỉ ra nạn nhân là nam giới trong các vụ bạo lực gia đình năm 2023 có dấu hiệu gia tăng. Qua những ca tham vấn tâm lý, tôi nhận ra phần lớn những trường hợp nam giới gặp tình cảnh bị bạo lực về kinh tế. Thế nên, phụ nữ cần biết việc dò hỏi lương, thu nhập của chồng một cách "dễ chịu" hơn, để không phải đóng phạt nếu đề xuất của Bộ Công an được ban hành chính thức".
Cũng theo anh Vinh: "Tự mỗi thành viên trong gia đình (tức chồng hoặc vợ) chủ động kể cho nhau nghe về công việc, cuộc sống, thu nhập. Lên kế hoạch chi tiêu đúng mục đích. Không "vung tiền quá trán". Biết tôn trọng lẫn nhau. Có như vậy thì gia đình mới êm ấm, sẽ không có chuyện kiểm soát thu nhập của nhau".
Theo Hoàng Thị Minh Ánh (29 tuổi), làm việc tại Công ty in Vũ Tường, Q.Gò Vấp, TP.HCM, câu chuyện kiểm soát thu nhập của chồng, hoặc vợ là có thật, xuất hiện ở một số gia đình. Không những chuyện vợ kiểm đếm tiền lương của chồng, mà có cả trường hợp chồng hỏi "từng đồng từng cắc" từ thu nhập của vợ. "Tôi hy vọng đề xuất này sẽ khiến các vợ chồng biết xử sự hợp lý hơn trong câu chuyện liên quan đến tài chính", Ánh nói.
Theo khoản 1, Điều 2 của luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022, bạo lực gia đình được định nghĩa là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, tình dục, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình.
Điều 8, Nghị định 144/2021/NĐ-CP hiện nay quy định về các hành vi bạo lực về kinh tế sau sẽ bị phạt tiền từ 20 – 30 triệu đồng: chiếm đoạt tài sản riêng của thành viên gia đình; ép buộc thành viên gia đình lao động quá sức hoặc làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với chất độc hại hoặc làm những công việc khác trái với quy định của pháp luật về lao động; ép buộc thành viên gia đình đi ăn xin hoặc lang thang kiếm sống. Và Bộ Công an đang đề xuất thêm một số hành vi bạo lực về kinh tế trong lĩnh vực phòng chống bạo lực gia đình sẽ bị mức phạt tương tự.