Là nguồn động viên lớn
Theo lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM, Nghị định số 05/2023 quy định mức phụ cấp ưu đãi nghề đối với viên chức y tế dự phòng, y tế cơ sở áp dụng từ ngày 1.1.2022 đến hết ngày 31.12.2023.
Theo đó, mức phụ cấp 100% áp dụng đối với viên chức thường xuyên, trực tiếp làm chuyên môn y tế dự phòng (bao gồm cả kiểm dịch y tế biên giới); làm chuyên môn y tế tại trạm y tế xã, phường, thị trấn, phòng khám đa khoa khu vực, nhà hộ sinh, trung tâm y tế huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương và bệnh viện tuyến huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương… Nghị định này chỉ có hiệu lực trong năm 2022 và 2023.
Trước nghị định này thì mức phụ cấp ưu đãi nghề của nhân viên y tế cơ sở được quy định tại Nghị định số 56/2011 theo đó có 4 mức phụ cấp tương ứng với các loại hình công việc là 20%, 30%, 40%, 50%, 60%, 70%.
Trước tình hình khó khăn về thu nhập và biến động nguồn nhân lực y tế công tác tại tuyến y tế cơ sở, y tế dự phòng và sau giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19, Nghị định số 05/2023 đã có tác dụng động viên rất lớn và kịp thời đối với nhân viên y tế nói chung, nhất là nhân viên công tác tại tuyến y tế cơ sở.
Nhưng khó khăn, vướng mắc
Tuy nhiên, lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cho hay, khi triển khai thực hiện Nghị định 05/2023 thì ngành y tế gặp phải một số khó khăn, vướng mắc.
Cụ thể, về xác định các đối tượng được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề theo quy định của Nghị định 05/2023.
Thứ nhất, một số trường hợp vừa là viên chức quản lý vừa làm công tác chuyên môn thì không được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề theo quy định, điều này đã gây thắc mắc không ít cho nhóm nhân viên y tế này.
Thứ hai, nhân viên y tế trực tiếp làm công tác chuyên môn nhưng chưa được xét tuyển hoặc đã xét tuyển nhưng chưa được bổ nhiệm ngạch thì cũng không được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề theo quy định.
Thứ ba, nhân viên chuyên môn nhưng không có mã chức danh về chuyên môn y tế theo quy định của Bộ Y tế (V.08). Và cuối cùng, nhân viên y tế nhưng được phân công làm công tác hành chính cũng không được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề theo quy định.
Bên cạnh đó, khó khăn về nguồn kinh phí chi trả phụ cấp theo quy định. Theo đó, nguồn kinh phí để thực hiện chế độ phụ cấp ưu đãi nghề là nguồn thu của các cơ sở y tế từ các hoạt động sự nghiệp theo quy định và các nguồn kinh phí hợp pháp khác. TP.HCM có 43 đơn vị thuộc khối y tế cơ sở và dự phòng, hầu hết rất khó khăn về nguồn thu sự nghiệp nên cần ngân sách hỗ trợ để thực hiện nghị định này.
Sở Y tế TP.HCM đã đề xuất Sở Tài chính tham mưu UBND TP.HCM bổ sung ngân sách để thực hiện Nghị định 05/2023 cho các đơn vị trực thuộc.
Một khó khăn khách quan khác là tại thời điểm Nghị định 05/2023 ban hành thì năm tài chính 2022 đã kết thúc, các đơn vị đã tiến hành lập quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022 do đó không còn nguồn tài chính để thực hiện chi trả phụ cấp ưu đãi nghề cho năm 2022.
Đối với năm 2023, Sở Y tế tiếp tục phối hợp Sở Tài chính tham mưu UBND TP.HCM hỗ trợ ngân sách để chi trả phụ cấp ưu đãi nghề vì nguồn thu của các đơn vị y tế cơ sở và y tế dự phòng rất hạn chế.
Theo lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM, nâng cao năng lực y tế cơ sở là 1 trong 4 nhóm hoạt động trọng tâm của TP.HCM trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo. Việc có cơ chế chính sách như phụ cấp ưu đãi nghề giúp ổn định thu nhập, an tâm công tác là 1 trong những giải pháp không thể thiếu và được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo thành phố. Sở Y tế rất trân trọng và ghi nhận sự đóng góp của lực lượng y tế cơ sở, y tế dự phòng trong suốt thời gian qua. Sở Y tế sẽ tiếp tục kiến nghị và tham mưu các cơ chế chính sách phù hợp nhằm đáp ứng các mong đợi chính đáng của nhân viên y tế đang công tác tại tuyến y tế cơ sở và y tế dự phòng.