Bốn tàu C43, C56, C165 và C235 đi làm nhiệm vụ trong chiến dịch này đều gặp địch, đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng và cùng điểm hỏa khối thuốc nổ giấu sẵn ở trong tàu để hủy tàu, bảo đảm bí mật, vũ khí và con đường vận chuyển trên biển.
Trong đó, tàu C165 sau khi thả vũ khí ở bãi biển quy định, hành trình ra cách bờ chừng 15 hải lý thì bị nhiều tàu địch bao vây. Cuộc chiến đấu ác liệt diễn ra trên vùng biển này gần 2 tiếng đồng hồ. Tàu C165 bị thương tích nặng và bị tàu địch lao vào bắt sống. Thuyền trưởng Nguyễn Chánh Tâm ra lệnh hủy tàu ngay lập tức. Một tiếng nổ vang trời và một vầng lửa bốc cao trong đêm trên biển, cả 18 cán bộ, chiến sĩ đều hi sinh anh dũng cùng với con tàu trên vùng biển Cà Mau.
Tàu C43 do đồng chí Nguyễn Đắc Thắng làm thuyền trưởng đã chỉ huy cũng kiên cường chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, 3 đồng chí hi sinh, các đồng chí còn lại hầu hết bị thương. Trước sự vây hãm của nhiều tàu địch với ý định bắt sống tàu C43 ngay trên vùng biển Đức Phổ, Quảng Ngãi. Trong tình huống đặc biệt hiểm nghèo đó, thuyền trưởng đã ra lệnh cho cán bộ, chiến sĩ đưa các đồng chí liệt sĩ, thương binh cùng rời tàu bơi vào bờ. Đồng thời ra lệnh điểm hỏa khối thuốc nổ được đặt sẵn trong tàu để hủy tàu.
Tàu C235, sau khi đã thả được toàn bộ số vũ khí xuống khu biển Ninh Phước và hành trình về khu vực bến Hòn Hèo tại vùng biển Ninh Vân, Ninh Hòa, Nha Trang thì địch phát hiện, bao vây, quyết bắt sống. Không để tàu rơi vào tay quân địch, thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh đã chỉ huy toàn tàu kiên cường chiến đấu, bắn cháy 1 máy bay và 1 tàu chiến địch. Nhưng tàu C235 cũng đã bị các tàu địch bắn hỏng máy chính, không cơ động được. Trước tình huống đặc biệt hiểm nghèo đó, thuyền trưởng yêu cầu Chính trị viên tổ chức cho anh em rời tàu bơi vào bờ, còn bản thân mình và thợ máy Ngô Văn Thứ ở lại điểm hỏa khối thuốc nổ trong tàu trước khi rời tàu và tiếp tục chiến đấu ngăn chặn địch để anh em đã vào bờ trước đó đủ thời gian lên rừng Hòn Hèo. Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh cùng thợ máy Ngô Văn Thứ đã anh dũng chiến đấu và hi sinh ngay trên bến Hòn Hèo. Trong trận chiến đấu này đã có 14 đồng chí trên tổng số 20 cán bộ, chiến sĩ của tàu C235 hi sinh tại khu biển bến Hòn Hèo.
Riêng tàu C56 vừa chiến đấu, vừa khéo léo lừa được quân địch và trở về miền Bắc an toàn.
Với thành tích chiến công đạt được trước đó và thành tích đạt được trong lần đi làm nhiệm vụ đặc biệt ở chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968, cả 4 tàu C165, C235, C43 và C56 đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Đồng chí Nguyễn Đắc Thắng, thuyền trưởng tàu C43; đồng chí Nguyễn Chánh Tâm, thuyền trưởng tàu C165 và đồng chí Nguyễn Phan Vinh, thuyền trưởng tàu C235 đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân.
Phát biểu tại buổi kỉ niệm, ông Đào Hồng Tuyển - Phó chủ tịch thường trực Hội truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển Việt Nam nhấn mạnh: Chúng ta tổ chức kỷ niệm 56 năm cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 và 4 tàu của đoàn tàu không số đi làm nhiệm vụ đặc biệt tại Bến K15 này vừa để nhớ giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, tự hào dân tộc, về huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển, vừa thể hiện sự tri ân sâu sắc của quân và dân ta đối với các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời tri ân các anh hùng, liệt sĩ, các đồng chí cán bộ chiến sỹ 4 tàu của đoàn tàu không số đi làm nhiệm vụ đặc biệt trong chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968.
Tại buổi kỷ niệm, đại diện lãnh đạo Hội truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển Việt Nam đã trao tặng quà tri ân cho các đồng chí là các cựu chiến binh, thương binh của 4 tàu đi làm nhiệm vụ đặc biệt trong chiến dịch Xuân Mậu Thân năm 1968.
Được biết, năm 2008 Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã xếp hạng di tích Bến K15 (dưới chân đồi Vạn Hoa, bán đảo Đồ Sơn, TP.Hải Phòng) là di tích lịch sử cấp quốc gia. Tàu HQ671 góp phần làm nên huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển và tham gia đấu tranh bảo vệ vững chắc chủ quyền quần đảo Trường Sa đã được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2018. Bến K15 hiện nay được sửa chữa gấp làm dấu mốc lịch sử đánh dấu điểm xuất phát của những con tàu không số huyền thoại và chứng kiến khúc bi tráng oai hùng trong trang sử dân tộc.