Đây là kết quả của quá trình làm việc, trao đổi và đạt sự đồng thuận cao giữa 2 tỉnh, thành và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam về việc tổ chức, vận hành đoàn tàu lửa du lịch nối Thừa Thiên - Huế và TP.Đà Nẵng.
Theo ông Hoàng Hải Minh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, tuyến giao thông đường sắt Đà Nẵng - Huế không chỉ đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân 2 địa phương, mà du khách cũng rất mong muốn trải nghiệm dịch vụ du lịch khác biệt, chất lượng cao kết hợp các điểm đến dọc tuyến.
Vấn đề này thu hút sự quan tâm của Hiệp hội Du lịch Thừa Thiên - Huế cùng hơn 20 doanh nghiệp du lịch, lữ hành, ẩm thực sẵn sàng cung ứng các dịch vụ khi tàu lửa du lịch đi vào hoạt động.
Từ năm 2018, UBND TP.Đà Nẵng đã phê duyệt đề án liên kết phát triển mạng lưới hạ tầng giao thông vận tải và các địa phương vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đến năm 2020, định hướng đến 2030.
Trong đó, về giao thông đường sắt nhấn mạnh phối hợp nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng tần suất các chuyến vận tải khách liên tỉnh. Do đó, tuyến tàu lửa đường sắt Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế rất cần thiết triển khai sớm để tạo sản phẩm du lịch cho cả 2 địa phương.
Theo ông Đặng Sỹ Mạnh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, sự chủ động của 2 tỉnh, thành nghiên cứu, khảo sát, xây dựng đề án triển khai tàu lửa du lịch, đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho tổng công ty triển khai.
Đây là dịch vụ rất phù hợp cho các gia đình, du khách trải nghiệm ngắm phong cảnh núi non, bờ biển, đầm phá… Tuyến tàu lửa du lịch có lợi thế là cả 2 ga Huế và Đà Nẵng đều nằm ở trung tâm thành phố, thuận tiện đi lại nên dự báo sớm đạt lưu lượng hành khách lớn.
Do đó, trong năm 2023, tổng công ty đã bố trí kinh phí cải tạo nội thất, đầu tư mua mới các trang thiết bị phục vụ hành khách tại ga Huế và ga Đà Nẵng. Trong đó, cải tạo không gian và lắp đặt điều hòa thoáng mát, giảm diện tích các phòng làm việc, phòng bán vé để tăng diện tích phòng đợi tàu; thay hệ thống bảng thông báo cũ bằng màn hình đời mới, ghế ngồi đợi tàu tiện nghi kết hợp sạc điện thoại, nước uống miễn phí…
Năm 2024, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tiếp tục đầu tư công trình, tiện ích phục vụ hành khách, với nhiều cây xanh, vườn hoa, cảnh quan, hệ thống chiếu sáng, trang trí nghệ thuật tạo điểm check-in mới…
"Đặc biệt, tổng công ty sẵn sàng hợp tác với doanh nghiệp du lịch về xây dựng phương án chạy tàu, phương án kinh doanh tối ưu đáp ứng nhu cầu các bên", ông Đặng Sỹ Mạnh nói.
Hai tỉnh, thành Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế cũng như Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thống nhất đưa đoàn tàu lửa du lịch hai địa phương hoạt động dự kiến vào cuối tháng 3 này, nhân dịp kỷ niệm ngày giải phóng 2 tỉnh, thành.